Festival Huế: Hồn quê trầm tích

NGÔ MINH| 06/04/2012 05:39

Huế là kinh đô nước Việt một thời, mang chứa một trầm tích văn hóa dân tộc đủ để thuyết phục đối tác nước ngoài trong các fesitval tổ chức định kỳ hai năm một lần.

Festival Huế: Hồn quê trầm tích

Tôi vốn thích ngồi ngẫm nghĩ một mình, không thích xô bồ đám đông. Thế mà suốt 6 kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến 2010, lần nào tôi cũng “chạy sô” hết điểm diễn này đến lễ hội khác. Huế là kinh đô nước Việt một thời, mang chứa một trầm tích văn hóa dân tộc đủ để thuyết phục đối tác nước ngoài trong các fesitval tổ chức định kỳ hai năm một lần.

Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ Hà Nội vào rủ tôi vô Đại Nội dự Dạ nhạc tiệc. Món ăn cung đình được các đầu bếp khách sạn Hương Giang chế biến từ thực phẩm Huế ta thường thấy bán ở chợ Đông Ba, Bến Ngự, được các người đẹp dọn ra sao mà sang trọng và ngon miệng đến vậy.

Đến tận 11 giờ đêm chúng tôi mới rời Hoàng Cung. Người chen chúc chật đường, chật cầu Trường Tiền, Phú Xuân. Chiếc xe Honda của chúng tôi phải nhích từng tí suốt mấy giờ liền.

Thế mà lòng cứ nôn nao với bao sắc màu Huế. Những kỳ festival không vào được sân Điện Cần Chánh thưởng thức ẩm thực tại “Dạ nhạc tiệc” hay trong “Đêm Hoàng Cung” thì đi xem người, xem sông, xem đò cũng no nê thỏa thích. Không ai có thể xem hết các lễ hội phong phú của festival.

Đầu tháng 4 năm nay, Festival Huế lần thứ 7 sẽ diễn ra. Chỉ trong 9 đêm sẽ có hàng trăm suất diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài, quả là một liên hoan văn hóa quốc tế, nhiều cái mới, không xem cũng uổng...

Đi trong cái không gian Festival Huế đó, tôi nhận ra lung linh một hồn quê trầm tích lắng đọng trong cây, trong lá, trong từng dáng người trên phố.

Như bộ áo dài khăn đóng của họa sĩ Bằng Lâm, Phó chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng, khi anh lên phát biểu trong lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung (một triển lãm thuộc chương trình Festival). Sự xuất hiện của trang phục quốc lễ xưa như là một nét hồi cổ thật đáng yêu.

Tại phòng triển lãm thư pháp chữ Hán “Bốn mươi bài thơ trung đại tiêu biểu về Huế” trong Festival Huế 2008, nhà thơ - nhà thư pháp trẻ dòng hoàng tộc Nguyễn Phước Hải Trung cũng mặc bộ áo dài khăn đóng đi giới thiệu từng bài thơ cho du khách, hay ngồi quệt bút lông cho chữ như một ông đồ xưa.

Những hình ảnh ấy làm tôi ấm lòng. Vẫn còn đó nét quốc phục Việt thân quen như cây đa, bến nước, sân đình muôn đời là hồn vía dân tộc. Lễ phục khăn đóng áo dài hiện vẫn còn thịnh hành ở làng quê nước ta. Khi có việc làng, lễ Tết, hay cưới xin, các bô lão thường mặc áo dài khăn đóng rất trang trọng. Trang phục cung đình triều Nguyễn cũng là một biến thể của bộ lễ phục truyền thống.

Cho nên khi xem lễ hội Tế Nam Giao ở các kỳ festival, hay lễ hội Hoàng đế Quang Trung lên ngôi ở núi Bân trong Festival Huế 2008; nhìn vua quan “hưng bái”, “chước tửu”, nghe nhã nhạc cung đình, tôi bỗng nghĩ đến một tầm văn hóa tâm linh sâu thẳm đang ngự trị trong trời đất Huế. Trong trang phục quốc lễ, con người trở nên đứng đắn hơn, đàng hoàng, chững chạc và minh triết hơn.

Có thể nói Huế là một trong những chiếc nôi của tà áo dài phụ nữ Việt Nam. Tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh đã khảm vào tâm thức Huế như một nét văn hóa cổ truyền.

Nhiều khách du lịch quốc tế đã kiên nhẫn chờ trước cửa trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh xưa) cả buổi để có tấm ảnh nữ sinh Huế với tà áo dài trắng tinh khiết, thướt tha. Áo dài đã trở thành thương hiệu Việt chinh phục thế giới. Kỳ Festival Huế nào cũng có chương trình “Lễ hội áo dài”, luôn hấp dẫn, thu hút người xem.

Như Festival 2002 với 550 người mẫu trình diễn áo dài trên cầu Trường Tiền; Festival 2006 trình diễn áo dài trên những con đò sông Hương; năm 2008, lễ hội áo dài mang tên “Dấu xưa” được tổ chức trước cửa Hiển Nhơn rêu phong cổ kính; Festival 2010, với chủ đề “Vọng thiên nhiên”, lễ hội diễn ra trên hồ sen. Tất cả nhằm tôn vinh vẻ đẹp thanh cao, dịu dàng của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.

Có một dịp Festival, tôi và nhà thơ Nhất Lâm xuống làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang để dự lễ hội “Sắc màu Thanh Tiên”. Hoa giấy Thanh Tiên luôn gắn bó với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế hàng trăm năm nay.

Cứ đến đầu tháng Chạp hằng năm thì làng Thanh Tiên lại làm hoa giấy để phục vụ người dân khắp nơi đón Tết. Cái làng nghề nhỏ bé ấy đã góp vào Festival Huế một lễ hội mang đậm chất hồn quê dân dã, thu hút đông đảo du khách về xem.

Anh bạn họa sĩ Thân Văn Huy là cây cọ rất ấn tượng của Huế, nhưng anh lại về “ẩn dật” trong mảnh vườn và ngôi nhà rường của mình ở Thanh Tiên bên kia đập La Ỷ. Anh đứng ra tổ chức lễ hội và triển lãm tranh ngay ở vườn nhà mình.

Ngắm hoa giấy Thanh Tiên được sắp đặt thành những bồn hoa, lẵng hoa khắp vườn nhà, tôi thấy mình như sống lại thời thơ ấu ở làng cát biển, nơi mấy anh em tôi chụm đầu làm hoa giấy mỗi khi Tết về. Nhìn những cánh hoa rực rỡ sắc màu, đẹp như thật mới thấy sự kỳ tài của bàn tay người Thanh Tiên...

Một làng quê nổi tiếng khác ở huyện Hương Thủy là làng Thủy Thanh Chánh với di tích Cầu ngói Thanh Toàn. Từ khi có Festival Huế tới nay, năm nào ở đây cũng có chương trình “Chợ quê ngày hội”.

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu có mái giống như Chùa Cầu ở Hội An. Ở làng quê nông nghiệp mà có một chiếc cầu như thế thật lạ.

Nghe nói chiếc cầu là do một người phụ nữ giàu có hơn trăm năm trước bỏ tiền ra làm để ghi nhớ công ơn của người làng đối với gia đình mình.

“Chợ quê ngày hội” đã được tổ chức 4 kỳ Fetival xung quanh cây cầu có mái này. Khách ta, khách Tây đến xem đông đúc, họ say mê nhìn ngắm, quay phim, chụp hình những vật dụng gia đình nhà quê như giỏ bắt cua, oi nơm cá, thúng, mủng, giần sàng, rổ rá, liềm, hái, lưỡi cày, guồng đạp nước, cối xay lúa, cối giã gạo...

Điều lý thú là du khách có thể tham gia vào việc xay lúa, giã gạo, đập đe thợ rèn, làm nón, làm thợ mộc...

Trong Festival, hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế cũng đổ về làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền cách Huế gần 40 cây số về phía bắc để tham dự lễ hội “Hương xưa làng cổ”.

Cả làng Phước Tích ở trong những ngôi nhà rường cổ kính, ở dưới vòm lá cổ thụ xanh tốt như một bảo tàng văn hóa, giữ gìn hồn quê Việt đặc biệt. Làng Phước Tích là một “bảo tàng nhà rường”, “bảo tàng đồ gỗ cổ, cây cổ”.

Ở đây còn nguyên vẹn 27 ngôi nhà rường cổ từ 70-180 tuổi, có diện tích nhà từ 70-130m2, nằm trong một sân vườn hàng ngàn mét vuông, trong đó có tới 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm. Mỗi nhà vườn đều có cổng vào còn nguyên vẹn.

Giữa làng Phước Tích có một hồ sen rộng, như là một tấm gương của làng. Những ngôi nhà rường này có kiến trúc gỗ rất tinh tế, chạm trổ tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng Cung triều Nguyễn.

Cái chất hồn quê trầm tích, tâm linh quê được khơi dậy trong 5 kỳ Festival Huế vừa qua không chỉ thể hiện qua các lễ hội kể trên, mà ta còn bắt gặp bất ngờ trong những trò diễn, những tranh, tượng ở một góc vườn Huế nào đó.

Đó là triển lãm trang phục các dân tộc Việt Nam và tượng gỗ “Oan hồn” của nữ họa sĩ Tô Bích Hải tại Festival Huế 2008. Bà là người dân tộc Tày, học và làm nghệ thuật ở Thuỵ Sĩ, thành danh ở Pháp, về nước tham dự Festival Huế với hai triển lãm nói trên ở công viên trước Cung Thiếu nhi Huế.

Hàng trăm bức tượng gỗ cắm trên cỏ bên bờ sông Hương ấy được tạc trên những cột, kèo, xuyên, trếng của những ngôi nhà rường xứ Huế đã bị mối mọt gặm nhấm, mục ruỗng mà chủ nhân đã vứt bỏ.

Những thứ vứt đi ấy vào tay Tô Bích Hải đã trở thành những oan hồn sống động, nói với ta bao điều về tâm linh, về thân phận với bao trầm luân, thương tích.

Bà nói: “Sở dĩ tôi chọn chất liệu gỗ cho những tác phẩm của mình bởi tôi yêu những ngôi nhà rường cổ kính và tĩnh mịch Huế. Nó chính là nhân chứng của nỗi khổ đau qua bao thời đại”.

Tượng Tô Bích Hải đã góp cho Huế một sức mạnh văn hóa trầm tích, giúp cân bằng sòng phẳng với văn hóa từ các quốc gia 5 châu lục về tham dự Festival.

Văn hóa hồn quê trầm tích ngàn năm đã được khơi dậy, như là thước đo sức mạnh, sức thu hút, sức lan tỏa của văn hóa Huế. Văn hóa chân quê ấy chính là cội nguồn của sức sống Huế mà ta cần gìn giữ, khơi dậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Festival Huế: Hồn quê trầm tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO