Được, mất du lịch di sản

BÍCH HỒNG| 16/06/2017 06:44

Nhìn lại, có thể thấy các di sản văn hóa đang chịu áp lực của việc khai thác quá mức.

Được, mất du lịch di sản

Festival di sản lần thứ 6 với chủ đề "Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản" chính thức khai mạc vào đêm 9/6 tại biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ và bế mạc vào đêm 14/6 tại đô thị cổ Hội An. Nhìn lại, có thể thấy các di sản văn hóa đang chịu áp lực của việc khai thác quá mức.

Đọc E-paper

Một nhà đầu tư ở Hội An nói: "Tôi có cảm giác mỗi tuần nơi này có thêm một khách sạn mới. Mỗi ngày vào phố cổ tôi lo ngại khi thấy cảnh khách đông như ong vỡ tổ, người bán hàng rong bưng đồ chạy tán loạn khi công an trật tự đến".

Du lịch Huế tăng trưởng chậm, may hay rủi?

Năm 2016, Huế đón xấp xỉ 3 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 900.000 lượt, chỉ tăng 3%. Những con số này nếu so với các trung tâm du lịch khác như Đà Nẵng hay Nha Trang thì mức tăng trưởng không đáng kể. Ví dụ ở Nha Trang, khách Nga đã tăng 111% và khách Trung Quốc tăng 311%, Đà Nẵng đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng 33,6% so với năm 2015.

Du lịch Huế tăng trưởng như vậy là tốt hay chưa đạt mong đợi? Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết quán lẩu tự chọn ở đường Phạm Ngũ Lão đã được quảng bá mạnh nhằm vào khách du lịch trung lưu nay phải trả mặt bằng. Một quán lẩu cua đã được khách hàng nói nhiều vì ngon nổi tiếng nhưng chưa đến chục khách ăn tối. Và dọc bờ sông Hương, tàu đậu lững lờ nhưng không thấy ai đến mời chào đi thuyền nghe hát như cách nay vài ba năm. Chỉ có một đoạn đường Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão làm dịch vụ cho khách nước ngoài nhìn còn có chút khí sắc với quán bar, quán ăn, quầy đổi ngoại tệ, bán tour...

Một điều lạ là cửa hàng lưu niệm rất ít.

Nhìn hiện tượng đó, chúng tôi có cảm giác vừa mừng, vừa tiếc cho Huế.

Nhưng bề ngoài ấy không chứng tỏ khách du lịch đến Huế ít. Du khách đến Huế đa số là khách đoàn đi theo lịch trình khép kín của các công ty lữ hành, và việc mua sắm của khách cũng là ở những địa điểm đã định sẵn.

Ông Lê Hữu Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: "Tỉnh sẽ mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn du lịch biển với du lịch cộng đồng, với du lịch làng nghề, du lịch MICE".

Xu hướng đó là nhằm vào khách nước ngoài ưa trải nghiệm văn hóa. Du lịch Huế ngày càng chuyên nghiệp và cao cấp, nên người dân đầu tư nhỏ lẻ khó có thị trường. Những làng nghề thủ công có khả năng đón du khách châu Âu là những điểm được phát triển chuyên nghiệp, trình độ sản xuất cao, sản phẩm có chất lượng tốt như những gì chúng tôi thấy tại cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ pháp lam đang thu hút du khách Pháp, Úc.

Hơn nữa tại Huế, 2 năm một lần có festival văn hóa, festival làng nghề là những lễ hội đặc sắc và có giá trị nhờ trình độ tổ chức tốt. Chỉ chưa đến 1 triệu lượt khách nước ngoài, nhưng nguồn thu du lịch của Huế khá cao.

Trong bối cảnh này cần nhắc đến một yếu tố, khách Trung Quốc chưa đến Huế và có khả năng không đến. Văn hóa Huế không thu hút khách Trung Quốc, chính vì vậy ngành du lịch và văn hóa Huế có thời gian, có định hướng để khai thác thị trường châu Âu, và một phần khách nội địa. Huế được các tổ chức nghiên cứu và bảo tồn đầu tư giúp đỡ trùng tu di tích văn hóa, lịch sử, tư vấn về lễ hội và phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Và mỗi năm, con số du khách có thể không đạt như Đà Nẵng, Nha Trang, nhưng về bản chất phát triển du lịch, đó là mức tăng trưởng bền vững và đi đường dài. 

Hãm đà phát triển du lịch Hội An?

Di sản văn hóa Hội An đã là một thương hiệu, một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.

Mỗi tuần Hội An có thêm một khách sạn mới, có thể đó là cách ví von, nhưng nhiều nhà đầu tư cho biết, thực tế có resort lúc nào phòng cũng đạt 80% công suất nhờ chất lượng phục vụ, nhưng cũng không ít khách sạn mở ra chỉ đứng sựng ở công suất 35% do vị trí không thuận lợi, xa biển và xa phố.

Tuy nhiên khách sạn, nhà nghỉ, homestay vẫn ngày càng áp sát trung tâm phố cổ. Lượng khách Trung Quốc và khách trong nước tăng đột biến vào mỗi mùa hè. Quy hoạch du lịch Hội An dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 3 triệu du khách, nhưng mới năm 2016 đã có 2,6 triệu lượt du khách. Điều đó đã làm cho Hội An có những thời điểm giống như một "cái chợ họp xổi" ở khu Chùa Cầu, khu chợ đêm và dọc 2 con phố cổ.

Khách Trung Quốc tràn vào Hội An tạo ra một thị trường mua sắm sôi sục khiến người nhập cư kéo đến thuê nhà mở cửa hàng, đội quân bán rong tràn khắp các con phố.

Những điểm "tham quan làng nghề" giả mạo mọc lên rất nhanh. Nhiều nhà đầu tư vào làng mua đất, mua dụng cụ sản xuất, thuê mướn một hai nghệ nhân ngồi làm hàng, rồi mở ra đón tour và nắm chắc phần thắng so với những làng nghề thật sự, bởi thợ thủ công nông dân không có tay nghề làm du lịch. Hàng giả và hàng thật chen nhau theo nghĩa như vậy.

Những ai từng đến các địa điểm du lịch khu vực Đông Nam Á sẽ biết hàng "giá rẻ Trung Quốc" tràn ngập. Những khăn lụa, túi xách, đồ chơi trẻ em bằng vải và hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm của Hội An giống hệt hàng chở chợ đêm phố Hàng Ngang, Hàng Đào Hà Nội, giống hệt hàng bày bán trên chợ nổi ở Bangkok, Phuket (Thái Lan) và Siem Riep (Campuchia) dành cho du khách nghèo. Cà phê, trà, xà phòng được du khách mua về làm quà phần lớn là hàng chất lượng kém, lại bị chặt chém.

Không ít ngôi nhà cổ trong phố cổ đắc địa nhất lọt vào tay những nhà đầu tư đến từ nơi khác. Ẩm thực Hội An cũng là một thương hiệu, nhưng lượng khách đông đảo đã làm xuất hiện quán ăn tạm bợ nhan nhản.

Tình trạng đó tạo ra đà phát triển du lịch "ăn xổi" đáng lo ngại.

Một du khách Trung Quốc - anh Liang Chen đến từ Tô Châu chia sẻ: "Tôi sẽ không quay lại đây. Mọi thứ ở đây không gống như tôi nghĩ và kỳ vọng. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khách sạn ở Hội An không ổn. Tôi mong các bạn thay đổi, nếu không Hội An có giá trị như vậy nhưng cuối cùng chỉ là nơi "ăn theo", nơi buộc du khách phải đến trong tour đi Đà Nẵng".

Dư luận không hoan nghênh khách Trung Quốc, mặc dù chính dòng khách này đang nuôi sống Hội An, nhưng chính dòng du khách này cũng sẽ không bền vững vì được phục vụ kiểu "ăn xổi" như vậy. Còn khách châu Âu đến Hội An phần nhiều là dòng khách ít tiền, thường được gọi là "Tây ba lô" ưa trải nghiệm. Đó là lý do khách sạn 4 sao của Hội An chỉ có giá phòng 700.000 - 800.000đ mỗi đêm. 

>>Cùng sống và làm du lịch với di tích, di sản

>>Những "ông chủ nghèo" của di sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Được, mất du lịch di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO