Đi, cũng để quay về

TIẾN ĐẠT| 15/02/2018 06:00

Các nước phát triển sử dụng tỷ lệ du khách để đánh giá chất lượng cuộc sống cộng đồng. Được trải nghiệm du lịch là một trong những nhu cầu quan trọng của cuộc đời mỗi người. Làm chủ hành trình luôn mang lại những giá trị nhiều khi ngoài dự tính. Đi, không chỉ để đến.

Đi, cũng để quay về

Hoàng hôn trên sông Tiền

1. Bạn bè thường hỏi, bạn có 20 năm làm việc trong ngành du lịch, có cơ hội lang bạt nhiều nơi, vậy hãy định nghĩa sự khác và giống nhau giữa lữ khách (tiếng Anh: Traveller) và du khách (tiếng Anh: Tourist)?

Với tầm hiểu biết khiêm tốn, tôi chỉ có thể trả lời, sự giống nhau của lữ khách và du khách thuộc phạm trù được đi, được khám phá, nôm na trải nghiệm cõi ta bà tứ xứ. Sự khác nhau, cơ bản ở phương thức tổ chức chuyến đi. Nhiều người đã có chuyến trải nghiệm một tuyến điểm khác nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng không có nghĩa tất cả đều là du khách.

Lữ khách thì sự trải nghiệm tự do hơn, ngẫu hứng hơn, nhưng cũng dễ gặp rủi ro hơn. Trong khi du khách là những người đi theo hành trình của đơn vị lữ hành tổ chức, vừa khỏe, vừa an toàn.

Trải nghiệm ngẫu hứng như lữ khách hay theo hành trình như du khách không quan trọng bằng cảm nhận trong hành trình và cảm xúc đọng lại sau khi kết thúc chuyến đi.

Cho dù lữ khách hay du khách đã trải qua năm châu bốn biển, mòn vẹt gót giày bao cung đường thì cũng chẳng bao giờ trả lời thuyết phục trước câu hỏi: Điểm đến nào quyến rũ nhất?

Link bài viết

Điểm đến quyến rũ nhất, phải chăng là điểm chưa bao giờ được đặt chân đến, khi mà lòng ham muốn trải nghiệm luôn không có điểm dừng?

2. Tài sản của lữ khách không chỉ là sự đếm được của hành trình, sự cộng dồn số lượng tuyến điểm, sự tiệm cận giá trị lịch sử, sự cảm nhận các nền văn hóa, sự tiếp cận người dân bản địa hay sự thưởng thức hương vị ẩm thực mà nhiều khi đơn giản là muốn thông qua việc đi xa để không phải đối diện với những lo toan đời thường hay để bản thân không bị chi phối bởi thế giới ảo, thứ đang ngày càng khiến cho con người rời xa nhau và thậm chí làm họ trở nên ích kỷ.

Nhưng rất nhiều người đã tự đánh mất cơ hội khám phá các cung đường, dù có dư điều kiện (tiền bạc, thời gian, sức khỏe), để khi nhìn lại, luôn nuối tiếc.

Càng có tuổi, người ta càng chiêm nghiệm để cảm nhận mọi thứ không bao giờ cũ, kể cả khi đứng ở một góc trời cố định nào đó để ghi lại khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn.

Cảm xúc về dĩ vãng của lữ khách rất khó tả, vừa thực vừa mộng và cũng là yếu tố khiến nhiều người muốn phiêu bạt trên các cung đường trong thế giới bao la. Thật khó cưỡng lại cảm giác lần hồi vào hình ảnh ngày xưa của chính mình, để lại có dịp được tung tẩy trên các ngả đường đã từng lang bạt với gia đình, người thân, hay chỉ là bạn đường thoáng chốc.

Khi lữ khách đóng vai trò tổng biên tập trang cá nhân trên mạng xã hội, cũng là lúc ngành du lịch được hưởng lợi. Qua khảo sát của dân kinh doanh du lịch, trên 95% du khách đi tour đều chia sẻ chuyến đi qua mạng. Được đi, được chia sẻ thông tin, xem như quyền lợi khó có thể bỏ qua.

Trải nghiệm du lịch thì phải nhập cuộc bằng các giác quan, nếu phải thông qua thế giới ảo của người khác thì chỉ có ý nghĩa được dung nạp thông tin (chưa đầy đủ) và dĩ nhiên không có ý nghĩa về mặt thỏa mãn các giác quan.

Nhà đá thôn Khuổi Ky, Cao Bằng

Nhà đá thôn Khuổi Ky, Cao Bằng

3. Lữ khách hay du khách đều tìm kiếm điều mới lạ của tuyến điểm. Mỗi tuyến điểm bất kỳ nào cũng có hương vị riêng, như xạ hương gốc của từng người phụ nữ.

Thiếu hương vị riêng, tuyến điểm trở nên vô hồn, nhàn nhạt, khó thu hút và khó giữ chân khách. Hương vị của tuyến điểm toát ra từ giá trị của nơi ấy. Như khi đặt chân đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nếu chú ý sẽ cảm nhận mùi đặc trưng sông nước. Lang bạt các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc sẽ là mùi của núi rừng, hay khi đến phố cổ Hội An sẽ là mùi của một thị trấn xưa cũ...

Sau Tết Âm lịch 2017, tôi có dịp ghé thăm thôn Khuổi Ky, xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lữ khách lang thang qua thôn nhỏ vùng biên, cũng vừa lúc hít thở mùi vị rất riêng toát ra từ núi đá. Thôn nhỏ lưng dựa núi, mặt hướng sông Quây Sơn, nằm giữa thác Bản Giốc hùng vĩ và động Ngườm Ngao huyền ảo.

Khuổi Ky còn khoảng 20 ngôi nhà tường đá, mái ngói âm dương và ngôi nhà sàn sinh hoạt chung cũng bằng đá. Di sản của thôn là đá. Người Tày Cao Bằng quan niệm sinh ra từ đá và mất đi từ đá. Với họ, đá mang linh hồn, cũng là tường lũy bảo vệ trước khắc nghiệt thiên nhiên và kẻ thù.

Kiến trúc và phương thức xây dựng nhà đá của người Khuổi Ky vừa là nét văn hóa bản địa vừa nặng tâm linh, kích thích sự hiếu kỳ của lữ khách. Dân Khuổi Ky đón lữ khách rất tự nhiên và thân thiện. Đá và người, người và đá tạo hồn riêng, hương riêng khó cưỡng.

4. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, công việc thường gắn với những chuyến lang bạt, cho dù trong năm có bôn ba qua nhiều ngã đường xa gần thì cũng đều có sự giống nhau trong chuyến khởi hành đầu năm và chuyến đi cuối năm.
Chuyến đi cuối cùng của năm là chuyến quay về nơi mình sinh ra.

Hành trang không khác mấy các chuyến xê dịch khác trong năm, nhưng cảm xúc đong đầy nhất. Trước ngày khởi hành, dậy lên mùi lưu cữu không gian, không khí Tết quê. Cũng thật trùng hợp, chưa có đêm nào trước ngày về ngủ tròn giấc. Luôn bồi hồi không khác mấy mấy chục năm trước còn là cậu bé nôn nao đón Tết. Đó là kết quả quá trình tích tụ mùi Tết truyền thống.

Tuyến điểm quan trọng nhất, đẹp nhất, không thể nào khám phá hết, luôn là ngôi nhà, là quê cha đất mẹ của lữ khách. Và, thời điểm khởi hành thú vị nhất của chuyến đi, cũng đồng nghĩa chuyến quay về, phải là cuối năm, dịp đoàn tụ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi, cũng để quay về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO