Đèn xanh đỏ vẫn nhấp nháy...

PHƯƠNG HÀ| 28/04/2014 07:24

Mỗi lần sắp đến kỷ niệm ngày 30 tháng Tư,...

Đèn xanh đỏ vẫn nhấp nháy...

Mỗi lần sắp đến kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, tôi lại muốn viết về Phân đội Z28 thuộc Lữ đoàn Biệt động đặc công 316 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa và bảo vệ Trung tâm Khai thác an bài điện tử (Trung tâm Điện toán) trong căn cứ này, nhưng rồi lại "gác bút" vì chưa gặp được một nhân vật không thể thiếu trong câu chuyện này...

Đọc E-paper

Nhóm biệt động chiếm giữ Trung tâm Điện toán Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa sáng 30/4/1975. Người thứ hai, từ trái, là tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Hòa

Lần này thì tôi không thể chờ được nữa, vì đã 39 năm trôi qua, nếu không mệnh hệ gì thì viên đại tá ấy đã trên 80 tuổi. Tôi hy vọng ở xứ người, ông đọc được những dòng này, có thể là qua internet, để biết rằng, những người cách mạng chân chính không quên bất cứ ai, dù đó là đối phương, đã góp phần giữ gìn Sài Gòn gần như nguyên vẹn, nhất là cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ cho việc xây dựng đất nước.

...Sau mấy ngày không còn tiếng súng, là phóng viên Báo Giải Phóng - tờ báo cách mạng độc nhất xuất bản hằng ngày tại miền Nam thời đó, tôi dễ dàng gặp các chiến sĩ Z28 đang bảo vệ Trung tâm Điện toán. Những chiến sĩ ấy còn trẻ hơn tôi, trong đó có tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Hòa (nay là tiến sĩ, làm việc trong một đơn vị công nghệ thông tin) thiếu 8 tháng mới tròn 20 tuổi.

Các anh kể rằng, đêm 29 tháng Tư, 12 sĩ quan, chiến sĩ của Phân đội đã bí mật tập kết tại nhà ông Sáu Thợ Mộc, là cơ sở cách mạng, gần chợ Phú Nhuận (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi), để theo kế hoạch, sẽ được xe thiết giáp yểm trợ đánh vào Bộ Tổng tham mưu địch (nay là trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 7), nhưng đợi đến 7 giờ rưỡi sáng ngày 30 vẫn không bắt liên lạc được với đơn vị bạn, Phân đội trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) cho anh em cải trang thành cảnh sát dã chiến Sài Gòn, tiến thẳng vào cổng A.

Nơi đây có ba xe tăng địch án ngữ, lính tráng vẫn ôm súng canh gác. Bảy Vĩnh vừa truyền lệnh cứ ba người đánh chiếm một xe, thì pháo hạng nặng của ta ầm ầm nổ ở căn cứ thiết giáp và pháo binh địch ở Gò Vấp.

Lợi dụng thời cơ ấy, các chiến sĩ biệt động dí AK báng gấp vào những gã lính không còn hồn vía và rút cờ Giải phóng giấu trong ngực phất cao, buộc đối phương lái ba chiếc xe tăng ấy chạy thẳng vào khu nhà Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Đến 9 giờ, toàn bộ căn cứ Bộ Tổng tham mưu đối phương rơi vào tay Quân Giải phóng, trước khi Quân đoàn 2 chiếm dinh Độc lập hai tiếng đồng hồ.

Tiểu đội của Nguyễn Minh Hòa được lệnh chiếm Trung tâm Điện toán sau khi nhóm biệt động đặc công do Bảy Vĩnh chỉ huy đã làm chủ Bộ Tổng tham mưu. Lúc các anh vào đến nơi thì có một người khoảng 40 tuổi và một thanh niên hao hao giống người ấy, dáng vẻ thư sinh, cả hai đều mặc thường phục, ra đón trước cổng Trung tâm, nơi có hai lô cốt kiên cố với những khẩu đại liên sẵn sàng nhả đạn, nhưng lính đã bỏ chạy hết.

Người đàn ông nói rành rọt, như đang báo cáo với thượng cấp: "Tôi là Chu Văn Hồ, đại tá, Chỉ huy trưởng Trung tâm Khai thác an bài điện tử Bộ Tổng tham mưu, đang chờ lực lượng cách mạng để bàn giao". Tiểu đội trưởng Hòa bảo: "Ông không còn là đại tá. Từ giờ phút này ông nằm dưới sự quản chế của chúng tôi".

Viên cựu đại tá bình tĩnh giao toàn bộ chìa khóa các phòng máy và dẫn quân cách mạng đến từng giàn máy đồ sộ, đèn xanh đỏ không ngừng nhấp nháy trong những căn phòng mát rượi bởi hơi lạnh từ máy điều hòa nhiệt độ, giới thiệu: "Đây là hệ thống máy tính hiện đại nhất Đông Nam Á, nó quản lý toàn bộ nhân sự, khí tài, quân dụng, quân trang của 1,2 triệu sĩ quan và binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa - ông ta vừa nói vừa thao tác cho lính Giải phóng xem - Các vị thấy đó, chỉ cần một cái lệnh rồi ấn nút là lấy ra được bất cứ thông số nào bằng loại phiếu đục lỗ”.

Rồi ông ta lại giải thích: "Cỗ máy này của Hãng IBM, Hoa Kỳ, model IBM360/40, đắt tiền lắm, mong phía Giải phóng giữ gìn và bảo vệ để sử dụng lâu dài".

Hòa có học vấn cao nhất nhóm với bằng tú tài, nhưng cũng không chút hiểu biết về giá trị của cỗ máy này, nên đi báo cáo ngay với Phân đội trưởng Bảy Vĩnh và chính trị viên Tư Hiện. Hai vị chỉ huy Z28 này cũng mù tịt máy tính, nhưng vẫn ra lệnh phải canh phòng cẩn mật. Viên đại tá thì tiểu đội trưởng Hòa đã viết giấy cho về thăm nhà hai hôm rồi phải trình diện ngay.

Tôi từng tham gia đánh chiếm Huế năm Mậu thân 1968, nên biết rất rõ tính tò mò và nghịch phá của lính ta. Nếu cỗ máy đồ sộ này mà không được bảo vệ nghiêm cẩn, để lính ta đột kích vào thì chỉ chốc lát, những chi tiết "vui mắt" sẽ bị vặt sạch, vặt để chơi chứ không biết dùng làm gì.

Bằng chứng là chiếc trực thăng HU1A mới cáu của cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, Đại tướng Cao Văn Viên (từ nhiệm ngày 27/4/1975) đậu trong sân Bộ Tổng tham mưu, mà vì hốt hoảng di tản nên bỏ lại, chỉ trong chốc lát, các loại đồng hồ trên bảng điều khiển, hệ thống liên lạc vô tuyến, bóng đèn chớp tắt, la bàn... đã bị lính ta... cho vào ba lô cóc.

Vì thế, khi nghe tiểu đội của Hòa kể mấy lần bị các chiến sĩ một đơn vị bộ binh canh giữ Bộ Tổng tham mưu đối phương định "xin tý huyết" lính biệt động đặc công bảo vệ Trung tâm Điện toán vì các anh kiên quyết không cho vào khu vực cấm, tôi không mấy ngạc nhiên.

Lính ta còn có một thú vui nữa là bắn tivi, vì không biết máy thu hình là gì, cứ tưởng đó là đèn pha tìm Việt cộng trong đêm, khi bị đạn, nó nổ to chẳng khác bộc phá TNT hai lạng! Vặt bất cứ thứ gì thấy thích và cho nổ bất cứ thứ gì nghe vui tai là "thuộc tính" nhất thời của những anh-bộ đội-nông dân khi chiếm được các thành phố và sở chỉ huy của đối phương.

Đúng theo mệnh lệnh, Chu Văn Hồ có mặt tại Trung tâm Điện toán, tỏ ta vui mừng khi thấy các cỗ máy vẫn an toàn, máy lạnh không bị tắt "để tiết kiệm điện".

Ngày 15/5/1975, trong buổi mít tinh chào mừng Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng tổ chức tại khuôn viên dinh Độc lập, tình cờ tôi gặp lại mấy chiến sĩ biệt động đặc công bảo vệ Trung tâm Điện toán Bộ Tổng tham mưu đối phương, các anh cho biết đã bàn giao "trận địa" cho Quân quản Sài Gòn - Gia Định và viên cựu đại tá Chu Văn Hồ cùng một số sĩ quan từng dưới quyền đang hướng dẫn mấy kỹ sư điện toán học từ Liên Xô về cách sử dụng dàn máy này.

Sau này tôi được biết, khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có kế hoạch giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa 1975, Viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc phòng do Đại tá Hoàng Đình Phu làm Viện trưởng đã đề nghị với cấp trên tổ chức các đoàn cán bộ khoa học vào Nam để chuẩn bị tiếp quản những cơ sở khoa học kỹ thuật (lúc đó Viện chưa biết chắc miền Nam có máy tính hay không).

Khi một số sĩ quan của Viện tiếp quản Trung tâm Điện toán Bộ Tổng tham mưu địch, Đại tá Hoàng Đình Phu đề nghị Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định nói chuyện với số sĩ quan từng điều khiển Trung tâm, trong đó có đại tá Chu Văn Hồ.

Thượng tướng Trần Văn Trà động viên số sĩ quan này: "Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quê hương, mau chóng băng bó những vết thương chiến tranh". Buổi gặp gỡ đó thực sự có ích. Số sĩ quan chế độ cũ ở lại làm việc tại Trung tâm yên tâm hơn và đã cùng với anh em ta khai thác máy rất hiệu quả.

Tôi còn được biết, Trung tướng Đồng Văn Khuyên, quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn (chỉ giữ chức được ba ngày) đã ra lệnh cho Đại tá Chu Văn Hồ đặt mìn phá hủy Trung tâm Điện toán, nhưng ông ta chống lệnh, động viên sĩ quan và binh lính dưới quyền bảo vệ để giao cho cách mạng.

Và rồi tôi cũng được biết dàn máy tính này đã được sử dụng để tính toán những kế hoạch phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt đã tính toán thông số kỹ thuật cho Nhà máy Thủy điện Trị An, và từ năm 1987, xử lý các thông số cơ lý hóa các mẫu dầu khí của Liên doanh Dầu khí Vietsopetro.

Các trung tâm điện toán ở miền Nam (ngoài trung tâm ở Bộ Tổng tham mưu còn có Điện toán Tiếp vận, Điện toán Hải quân, Điện toán Không quân và Điện toán Phủ Thủ tướng chế độ Sài Gòn) những năm giữa thập niên 1970 ấy nay đã được thu gọn trong chiếc laptop, nhưng giá trị lịch sử của chúng thì không mất.

Những người "có liên quan" nay đã già mà tôi vẫn không gặp được Đại tá Chu Văn Hồ và con trai ông - người thanh niên cùng cha thức suốt đêm 29 tháng Tư 39 năm trước để chờ bàn giao Trung tâm Điện toán cho lực lượng Giải phóng, để nói rằng, cách mạng không quên công lao của cha con ông cùng những sĩ quan, binh lính dưới quyền trong việc giữ gìn trọn vẹn một tài sản lớn, mà tài sản ấy lại thuộc về lĩnh vực trí tuệ, nên nó vô giá.

Và cứ mỗi năm, khi ngày 30 tháng Tư đến, tôi lại như thấy đèn xanh đỏ vẫn nhấp nháy trong các phòng máy IBM360/40...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đèn xanh đỏ vẫn nhấp nháy...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO