Đến Cần Giờ nhưng không ghé biển

BÁCH HỢP| 17/08/2009 05:12

Tôi từng đến Cần Giờ nhiều lần, với gia đình hay cùng bạn bè, để tắm biển và dạo chơi đảo khỉ. Ấn tượng trong tôi về Cần Giờ chỉ là hình ảnh vùng ngoại ô nghèo, biển không sạch mà khỉ cũng chẳng xinh...

Đến Cần Giờ nhưng không ghé biển

Qua bến phà Bình Khánh là đến địa phận huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Tôi từng đến Cần Giờ nhiều lần, với gia đình hay cùng bạn bè, để tắm biển và dạo chơi đảo khỉ. Ấn tượng trong tôi về Cần Giờ chỉ là hình ảnh vùng ngoại ô nghèo, biển không sạch mà khỉ cũng chẳng xinh.

Tuy nhiên, trong chuyến công tác tình nguyện do báo Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC tổ chức ngày 15/8/2009 tại rừng phòng hộ, tôi đã được chứng kiến bức tranh sinh động, cụ thể về con người, cảnh vật nơi đấy, và có những cảm nghiệm thú vị, đa dạng sắc màu.

Chuyển quà xuống vùng sâu cho bà con nghèo - Ảnh Phương Quyên

Được biết, đây là lần đầu tiên có đoàn tình nguyện đến phân khu I, II và III sâu trong rừng phòng hộ này. Chỉ có 200 phần quà (gạo, mì gói, thuốc men, bữa cơm chất lượng cao) nhưng, cũng đỡ phần nào những thiếu thốn vật chất tại vùng duyên hải nghèo. Khi được hỏi ngoài những nhu yếu phẩm đã phân phát hôm nay, người dân nơi đây có cần thêm gì khác không, thì các mẹ, các chị mong: “có quần áo, sách, tập cho con em”.

Bên cạnh những thiếu thốn vật chất, thì hạn chế trong kiến thức nuôi và chăm con, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cũng là điều làm đau đầu những bà mẹ trẻ vùng rừng xa nước sâu này. Vậy nên, việc chị em phụ nữ nội thành đã gặp gỡ, trò chuyện, và chia sẻ bí quyết với các chị tại địa phương là một hoạt động tự phát có ý nghĩa của chuyến tình nguyện lần này.

Trao quà cho người nghèo - Ảnh Phương Quyên

Song song với tài trợ nhu yếu phẩm, đoàn thiện nguyện còn tổ chức trồng đước cho rừng ngập mặn. Ba trăm trái đước được trồng ven rừng, gần ruộng muối. Mỗi trái cách nhau nửa mét, ghim sâu xuống chừng 3cm. Đối với người thành phố, rừng là lá phổi xanh, là bộ lọc không khí khổng lồ. Còn đối với những người dân trực tiếp sinh sống thì rừng còn là nhà, là ao, là vườn mà nhờ đó họ có thể đánh bắt tôm cá kiếm thêm thu nhập gia đình.

Tham gia trồng rừng - Ảnh Phương Quyên

Xoay quanh việc bảo vệ rừng ngập mặn, anh Lê Văn Hậu (37 tuổi), có kinh nghiệm công tác 15 năm tại phân khu III trực thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ kể về công việc của mình: ”Hằng ngày, đi tuần bằng ghe máy từ bốn đến năm giờ, mỗi tuần trực đêm một lần… Phân khu III của chúng tôi có bốn nhân viên và mười hộ gia đình, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ 2.500 ha rừng”. Lực lượng các anh là “bán vũ trang”, tức là không được giữ súng bên mình mà phải báo cáo và nhận chỉ thị từ Ban quản lý trong tình huống gặp bọn săn trộm. Khi nguy cấp, các anh bên lực lượng kiểm lâm và Thanh niên Xung phong sẽ tiếp ứng”.

Khám bệnh cho trẻ em - Ảnh Phương Quyên

Hoạt động từ thiện lần này chỉ mới đáp ứng được nhu cầu cho 80% người dân trong ba phân khu I, II và III, trong tổng số sáu phân khu của toàn khu rừng. Hơn thế nữa, chỉ 50% số trái đước được trồng có thể sống sót và phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, mỗi đoàn thể góp chút của, mỗi cá nhân góp chút công, cộng lại, hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện: hãy hỗ trợ rừng xanh Cần Giờ nhằm góp phần bảo vệ môi trường thành phố.

Đơn vị tài trợ:

- Công ty bất động sản Phát Đạt
- Công ty cổ phần giao thông vận tải Đồng Nai 
- Karaoke Nice

-ThS Nguyễn Thanh Tân- Giám đốc điều hành BrainMark Việt Nam
- Tài nguyên SeaFood
- Công ty cổ phần dược phẩm OPV
- Công ty Phan Thị
- Tủ sách Thần đồng Đất Việt
- Đoàn bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ

- Tham gia đoàn tình nguyện gồm: báo Doanh nhân Sài Gòn, Tổ hợp truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC, nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh, đoàn bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Từ Dũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến Cần Giờ nhưng không ghé biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO