Đàn Viên: Làng đèn trước gió

HẢI DƯƠNG| 21/08/2015 06:40

Cái nghề làm đèn kéo quân để bán chỉ kéo dài khoảng 20 năm rồi biến mất. Mấy năm trở lại đây, ngoài một số nhà còn làm đèn ông sao thì không có gia đình nào làm đèn kéo quân nữa.

Đàn Viên: Làng đèn trước gió

Đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù, từ bao đời nay đã trở thành thứ đồ chơi hấp dẫn mỗi dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán về. Ở Hà Nội đã từng có nhiều làng nghề làm đèn kéo quân nhưng hiện nay, theo chúng tôi tìm hiểu, chỉ sót lại hai nghệ nhân còn gắn bó với nghề này.

Đọc E-paper

1. Về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, phải hỏi một số người cao niên, chúng tôi mới tìm được nhà nghệ nhân làm đèn kéo quân Vũ Văn Sinh.

Chúng tôi khá bất ngờ khi biết nghệ nhân Vũ Văn Sinh là người đã từng giữ kỷ lục làm ra chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam mùa Trung thu năm 2006 với chiều cao 6,7m, đường kính 2,7m, với kinh phí cả chục triệu đồng. Nhưng rồi đèn cũng chỉ để địa phương đăng ký kỷ lục guinness Việt Nam.Sau khi xác lập kỷ lục, đèn bị vứt ngoài trời mặc cho mưa nắng. Cuối cùng nghệ nhân Sinh và người làng đành đem về làm củi.

Nói về đèn kéo quân, ông Sinh tâm sự: "Thuở chúng tôi còn bé tí đã được bố mẹ, ông bà chỉ bảo cách làm đèn kéo quân bằng tre, nứa, dây chỉ, giấy màu, cây nến. Lũ trẻ con nghèo ở miền quê chúng tôi phân công nhau, đứa nào khéo tay thì làm, đứa nào vụng thì đi kiếm nguyên liệu. Làm xong cả lũ đợi trăng rằm tháng 8 là rước đèn khắp xóm trên làng dưới, vui lắm".

Thế hệ bố mẹ, ông bà của nghệ nhân Sinh là những người làm đèn kéo quân với đủ kích cỡ, màu sắc. Ngày ấy người ta làm đèn để chơi, hoặc biếu nhau, cùng lắm ai thích thì mang vài kí thóc đến đổi. Thời mở cửa nền kinh tế, nhiều người ở Đàn Viên đã mạnh dạn mua nguyên liệu về làm đèn kéo quân, đèn ông sao bán dịp Trung thu.

Nhưng theo ông Sinh, cái nghề làm đèn kéo quân để bán chỉ kéo dài khoảng 20 năm rồi biến mất. Mấy năm trở lại đây, ngoài một số nhà còn làm đèn ông sao thì không có gia đình nào làm đèn kéo quân nữa.

Nghệ nhân Sinh và chiếc đèn kéo quân cỡ lớn

Cũng chỉ vì lòng đam mê và tiếc nuối những chiếc đèn kéo quân mà ông Sinh và một người anh họ vẫn cố giữ lấy nghề.

Đêm nay rằm tháng Tám
Mẹ thắp đèn kéo quân
Khi đèn vừa cháy sáng
Bao bóng người chạy theo
A các chú bộ đội
Đuổi theo một lũ Tây...

Sau khi đọc bài thơ về chiếc đèn kéo quân, ông Sinh than thở: "Bây giờ làm gì còn mấy ai chơi đèn kéo quân. Cứ đến mùa Trung thu, cơ quan văn hóa lại tổ chức ở bảo tàng hay một số lớp học làm đèn, kiểu phong trào, không đi vào đời sống dân chúng, không tạo được thích thú cho bọn trẻ cùng làm cùng chơi thì chẳng ăn thua".

Theo nghệ nhân Sinh, làm đèn kéo quân không khó, chỉ cần học vài ngày. Điều quan trọng nhất là phải biết tính toán không khí đối lưu bên trong và bên ngoài đèn, sao cho khi đốt nến là chiếc đèn tự động quay.

Hiện nay đèn kéo quân bằng khung gỗ, giấy màu cỡ lớn đang được nghệ nhân Sinh làm theo đơn đặt hàng của một số quán cà phê. Theo ông Sinh, một chiếc đèn kéo quân vợ chồng ông làm ba ngày mới xong, giá tầm 2 - 2,5 triệu đồng.

Còn những chiếc đèn kéo quân đơn giản bằng khung tre, cỡ nhỏ thì một người thợ có thể làm trong ngày, giá bán khoảng 150 ngàn đồng. Nhưng vấn đề ở chỗ chẳng còn ai mặn mà chơi đèn kéo quân nữa nên người Đàn Viên không thể sống được với nghề này.

2. Người anh họ của ông Sinh là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Ông Quyền năm nay 75 tuổi, đã có trên 60 năm gắn bó với nghề này. Thấy mấy người trẻ tìm mình, ông Quyền rất vui. Ông bỏ cả bữa trưa để làm đèn kéo quân cho chúng tôi xem.

Ông bảo: "Ngày xưa làm gì có tiền ra Hà Nội mua đồ chơi Trung thu nên lũ trẻ chúng tôi cùng nhau đi kiếm tre, giấy bỏ đi để làm đèo kéo quân. Vậy là thành nghề”.

Không chỉ làm đèn kéo quân rất "siêu" mà ông Quyền còn biết làm nhiều loại đồ chơi dân gian. Nghệ nhân lấy ngay một thứ đồ chơi biểu diễn cho chúng tôi xem. Ông cho biết: "Đây là con lật đật, nhưng bây giờ tôi gọi nó là xà đơn, xà kép. Các cô chú thấy hay không?".

Quả thực khi vừa được ông "biểu diễn", cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã mượn để chơi thử. Đồ chơi này chỉ làm bằng mấy thanh tre đơn giản nhưng khi chơi, quả thật rất thú vị.

Có được niềm vui trong giây lát khi mấy người trẻ tìm về với mình, ông Quyền lại buồn bã kể cho chúng tôi nghe chuyện đèn kéo quân thời nay. Ông bảo: "Chả còn ai sống được bằng nghề làm đèn kéo quân nữa. Cả làng tôi bỏ nghề hết rồi. Năm nay gia đình tôi được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặt 50 chiếc, trong đó làm hoàn chỉnh 20 chiếc, mang nguyên liệu của 30 chiếc lên Hà Nội dạy học sinh".

Ông Quyền nói: "Nhiều em hào hứng học, nhưng được một buổi rồi lại thôi. Thậm chí bọn trẻ ở làng này cũng chẳng còn đứa nào muốn làm đèn để chơi nữa. Mai này tôi mất đi chắc nghề làm đèn kéo quân cũng thất truyền".

Nghệ nhân Quyền làm đèn kéo quân đã 60 năm

Là một người đam mê nghề, làm được rất nhiều loại đồ chơi dân gian và đã từng đi truyền dạy cách làm đèn kéo quân cho các em nhỏ ở nhiều nơi, nghệ nhân Quyền tâm sự:

Đèn kéo quân trông đơn giản thế thôi, nhưng nó có nhiều ý nghĩa. Như chuyện dân gian kể, ngày xưa, gần Tết Trung thu, dân chúng đua nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức, một hôm nằm mơ thấy một vị thần hiện ra, phán rằng: “Ta là Thái thượng Lão quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng rất hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn mà thiên hạ không ai có”.

Hôm sau, theo lời dạy của thần, Lục Đức lấy những thân trúc trắng và giấy màu để làm chiếc đèn. Khi chiếc đèn làm xong, ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng.

Khi vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời thần tâu rằng: “Thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, đèn quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, hờn, buồn, vui. Đèn quay nhờ ánh nến soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức”.

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem và từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Trước đây, người ta làm đèn kéo quân cho trẻ con chơi là nhằm dạy các em về lịch sử, cũng như giáo dục lòng yêu nước. Chính vì thế hình ảnh dán trên đèn kéo quân thường nói về việc nghĩa, hoặc những đoàn quân xung trận (nên mới có tên gọi là kéo quân).

Về sau tranh dán trang trí trên đèn kéo quân đã được mở rộng, đa dạng nội dung hơn. Người ta có thể trang trí tranh trạng nguyên vinh quy bái tổ, mục đồng chăn trâu, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, thậm chí là Tôn Ngộ Không, mèo máy Doraemon...

Nghệ nhân bảo rằng, vẫn đi dạy lũ trẻ cũng để mong níu kéo một chút nghề có tính văn hóa truyền thống và giúp các em xa rời những đồ chơi bạo lực đang tràn lan thị trường.

>Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

>Trắng đêm với "rồng đất"

>Du mục trên quê hương mình

>"Chợ đẩy" dọc sông Tiền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàn Viên: Làng đèn trước gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO