Đại Bái: Ngôi làng của bóng đêm

NGÔ TRẦN HẢI AN| 24/10/2014 06:43

Toàn Vĩnh Châu có hơn 1.000 người mù thì chỉ riêng ấp Đại Bái B, với khoảng 300 dân, đã có đến gần 100 người bị mù, chiếm 1/3 số dân trong ấp.

Đại Bái: Ngôi làng của bóng đêm

Toàn huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có hơn 5.000 ha trồng hành tím cung cấp gần 50.000 tấn hành cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Indonesia và Nhật Bản. Với khối lượng sản phẩm khổng lồ như vậy nên phần lớn các hộ dân ở đây đều làm nghề trồng hành mà nhiều nhất có lẽ là ấp Đại Bái B, xã Lạc Hòa. Song bên cạnh điều đáng mừng đó thì đây cũng là nơi gánh chịu một tai họa lớn: toàn Vĩnh Châu có hơn 1.000 người mù thì chỉ riêng ấp Đại Bái B, với khoảng 300 dân, đã có đến gần 100 người bị mù, chiếm 1/3 số dân trong ấp.

Đọc E-paper

Trước con số thống kê khủng khiếp như vậy, đã có rất nhiều tổ chức y tế về Đại Bái để nghiên cứu và tìm hiểu, thế nhưng đến nay, nguyên nhân vẫn là điều bí ẩn. Không ai dám khẳng định mù là do làm hành, song đó được xem như là nguyên nhân lớn nhất.

Theo nhiều thông tin, hành sau khi thu hoạch, để có thể bảo quản lâu dài, người dân thường lấy đất sét trắng tán thật nhuyễn trộn với thuốc Mipcin rồi quét lên hành, trong thành phần hóa học của Mipcin có hoạt chất gây hại methyl parathion.

Methyl parathion được sử dụng làm thuốc trừ sâu rất mạnh, thuốc cực động với người và động vật, hiện nay đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia. Trong quá trình làm việc, người dân thường lấy tay quệt mồ hồi hoặc quệt lên mắt, làm thuốc tác động lên mắt lâu ngày gây viêm nhiễm dẫn đến mù lòa.

Những ai đã đến Đại Bái đều không tưởng tượng được "vương quốc hành tím" lại tiêu điều, hoang tàn và ghê lạnh đến vậy. Trong những ngôi nhà lụp xụp, trống hoác là những đôi mắt thất thần, u buồn. Nhịp sống sôi động của thế giới bên ngoài dường như bất lực, không thể chạm vào được nơi này.

Người dân e ngại tiếp xúc với người lạ, cố gắng rất nhiều tôi mới có thể gặp được những người dân bị mù ở Đại Bái B. Bà Huỳnh Thị Huyền, 61 tuổi, bị mù đã hơn 30 năm. Lúc còn trẻ bà làm hành tím, theo thời gian mắt cứ giảm dần thị lực rồi sau đó mù một mắt, còn một mắt thì lòa, nhìn không rõ.

Bà giải thích nguồn cơn dẫn đến bệnh mù lòa của mình: "Khi bị hơi hành làm cay mắt, tôi sơ ý lấy tay quệt mắt, sau đó thì mắt nhức, lâu dần bị lòa rồi mờ hẳn". Trường hợp cụ Kim Thị Lan cũng vậy, bị mù hai mắt từ khi còn trẻ. Nhà cụ có truyền thống trồng và làm hành truyền đời.

Cụ cũng theo nghiệp gia đình, những năm đầu làm hành mắt thường rất mỏi, hay bị chảy nước mắt, rồi sau đó mắt thường bị nhức và đau, sau nhiều năm thì cụ bị mù hẳn.

Cụ Kim Thị Hiêm cũng bị hỏng một mắt sau nhiều năm làm hành, hiện nay cụ sống trong một căn nhà lá dột nát chỉ chờ sập. Trong nhà không có thứ gì đáng giá. Cụ quá già yếu, không còn sức lao động.

Có rất nhiều người dân mù ở Đại Bái sống ở vùng sâu, vùng xa, khi mắc bệnh không có tiền chữa, cắn răng chịu đựng nên lâu dần bệnh càng nặng. Đến khi phát hiện thì không còn chữa trị được, họ phải vĩnh viễn sống trong mù lòa và chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Khi còn trẻ, ông Thom là một thanh niên khỏe mạnh và đi làm hành thuê cho người khác. Sau một thời gian dài, mắt ông cũng bị lòa và cuối cùng phải bỏ một mắt.

Theo người dân chia sẻ, sau khi thu hoạch hành phải đợi lái thu mua, song nếu để lâu hành sẽ bị hỏng, vì vậy cần phải pha hóa chất cùng bột đất để bảo quản, tùy theo thời gian bảo quản mà hàm lượng hóa chất sẽ nhiều ít khác nhau. Quá trình trộn hóa chất làm cho mắt rất ngứa và chảy nước mắt rất khó chịu, lâu dần mắt bị lòa hoặc mù hẳn.

Theo ni sư Như Huệ ở Tịnh xá Ngọc Châu, cứ vào mùa làm hành thì nguy cơ bị mù của người dân là cao nhất. Nhưng nguyên nhân do hành thì chưa chắc chắn, khi bị hành làm cay, đau mắt, người dân không biết cách vệ sinh mắt đúng khoa học mà thường hái một loại lá cây giã nhỏ bọc vào khăn rằn rồi đắp lên mắt.

Đây cũng có thể là nguyên nhân làm tổn thương mắt, dẫn đến mù lòa. Cụ Danh Thị El, 84 tuổi, cùng con trai Thạch Huol, 60 tuổi, cũng bị mù từ mấy chục năm trước.

Theo gia đình thì không phải do làm hành, mà do khi đi biển bị gió thổi cát bay vào mắt, thường lấy tay dụi, lâu ngày bị xướt giác mạc mà lại không biết cách chữa trị nên bị mù vĩnh viễn.

Hiện nay chính quyền huyện Vĩnh Châu cho đặt khắp nơi các thông báo khuyến cáo người dân tự bảo vệ mắt khi làm hành để ngăn chặn nguy cơ gây mù từ loại thực phẩm này.

Dù không thể khẳng định, hành là nguyên nhân, song cũng không thể phủ nhận đây là yếu tố lớn nhất làm cho mắt dễ bị tổn thương và gây mù.

Bên cạnh đó, sự thiếu kiến thức về việc bảo vệ mắt cũng như sự vô tâm của gia đình khiến cho trẻ thơ là nạn nhân của thảm họa này. Vì thế, chính quyền cần có các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ tốt hơn để cuộc sống trong bóng tối không còn ám ảnh người dân Đại Bái.

>Ở nơi ít có nụ cười
>Khói buồn làng than
>
Nuôi con chữ từ chân sóng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại Bái: Ngôi làng của bóng đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO