Đa Mai của thời chiến tranh giữ nước

DIỆP BĂNG| 18/03/2016 06:35

Phong trào may áo, vá áo cho chiến sĩ của những người mẹ làng Đa Mai là một truyền thống rất đỗi tự hào.

Đa Mai của thời chiến tranh giữ nước

"Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc quần nhau với giặc. Áo con rách thêm nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo...”

Đọc E-paper

Đó là những người mẹ vá áo chiến sĩ ở Đa Mai được khắc hoạ trong bài hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Những bà mẹ ấy đã dần khuất bóng, nay chỉ còn lại duy nhất một mẹ trường thọ cùng thời gian để kể cho con cháu nghe những câu chuyện về thời chiến tranh giữ nước.

“Phong trào may áo, vá áo cho chiến sĩ của những người mẹ làng Đa Mai là một truyền thống rất đỗi tự hào. Nó là biểu hiện cao đẹp của tình quân dân, mối quan hệ của hậu phương và tiền tuyến gắn bó keo sơn”. Đó là lời ông chủ tịch UBND phường Đa Mai Nguyễn Mạnh Thái.

Khi tôi có ý định muốn đến thăm một vài bà mẹ tiêu biểu của phong trào vá áo năm đó, thì ông chủ tịch phường trầm ngâm nói: “Chỉ còn lại duy nhất một bà mẹ tham gia phong trào vá áo chiến sĩ năm xưa còn sống đến hôm nay. Đó là mẹ Nguyễn Thị Dy ngoài 90 tuổi”.

Theo chân chủ tịch phường men theo con đường đê sông Thương ngoằn ngoèo gần 2km, tôi đã đặt chân tới thôn Sẫu, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang. Trong căn nhà tuềnh toàng nằm giữa thôn có một người mẹ mà tôi mong ước được gặp.

Nghe có tiếng cười nói, mẹ Dy lẳng lặng từ trong buồng bước ra. Mẹ không chống gậy, đầu quấn khăn đen, tay ve vẩy chiếc quạt lá cọ, tiếp chúng tôi. Chưa kịp chào mẹ thì mẹ đã hỏi: “Các chú làm ở đâu?”. “Nhà ở đâu?”.

Mẹ Dy kể chuyện thời chiến tranh giữ nước

Mẹ Dy còn khoẻ, rất minh mẫn. Tôi biết chắc điều đó khi tiếp xúc với mẹ, qua ánh mắt và cử chỉ, lời nói. Mẹ đoán ngay được mục đích đến đây của chúng tôi. Chỉ cần nghe đến vài từ như “vá áo năm xưa” của chủ tịch phường, mẹ đã kể chuyện về cái thời mưa bom bão đạn.

Những người trẻ như tôi chỉ biết chuyện vá áo ngày ấy qua bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nghe mẹ kể, tôi cảm nhận và tưởng tượng ra những hình ảnh ngày xưa. Chúng tôi gọi mẹ Dy bằng một tiếng “mẹ” thiêng liêng, mẹ của nhân dân, của bộ đội và cũng là mẹ của nhạc sĩ trong bài hát.

Mẹ kể: “Làng Đa Mai xưa thuộc tỉnh Hà Bắc, nằm ven sông Thương. Làng mẹ gần sát với chiến địa cầu sông Thương vô cùng ác liệt. Bom Mỹ không ngừng trút xuống cây cầu này từ cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 để cắt đứt đường vận chuyển lương thực, quân trang, quân dụng ra chiến trường của quân dân miền Bắc”.

Cầu sông Thương những năm bom đạn ấy được ví như cầu Hàm Rồng thứ hai trên đất này. Chính vì là điểm trọng yếu như vậy nên quân đội phải điều một lực lượng pháo binh về đây chiến đấu để giữ cầu. Làng Đa Mai năm đó không chỉ đào hầm hào làm nơi trú ngụ, che chở mà còn tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Những năm đó bộ đội “quần nhau với giặc” phải chịu thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo, lương thực, thuốc men, vì vậy, được sự vận động của các cấp chính quyền, làng Đa Mai đã thành lập Hội Mẹ chiến sĩ để giúp đỡ bộ đội.

Mẹ Dy khi đó là một thành viên tích cực của Hội. Mẹ đã vận động những bà mẹ, những cô gái trong làng tham gia Hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có gần 100 bà mẹ, cô gái là hội viên của Hội. Hội Mẹ chiến sĩ Đa Mai đêm đêm làm bánh, nấu cơm mang ra chiến địa tiếp tế cho bộ đội, ban ngày thì tranh thủ vá những chiếc áo rách, quần rách cho chiến sĩ.

Thương bộ đội như chính con cháu trong nhà, các mẹ đã không quản gian khó giúp đỡ họ. Họ chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này nên các mẹ coi họ là con, là cháu.

“Nước ta thời chiến nghèo lắm, bộ đội ta khổ lắm, quần áo thiếu thốn, nếu bị rách mà vứt đi thì không đủ mặc”. Mẹ Dy trầm giọng nói thế. Vì vậy Hội Mẹ chiến sĩ Đa Mai đã có thêm nhiệm vụ khâu vá quần áo cho chiến sĩ.

Mẹ Dy cùng các mẹ trong làng ngày ngày ra các đơn vị bộ đội thu gom những bộ quân phục rách mang về khâu vá. Không chỉ có ở trận địa cầu Sông Thương, mà nhiều nơi khác cũng chuyển quần áo rách về Đa Mai cho các mẹ vá.

Những chị, những mẹ vá áo chiến sĩ của làng Đa Mai

Tôi hỏi mẹ Dy thời ấy có máy may không, mẹ cười: “Máy may ư? Lấy đâu ra máy may hả con! Đến kim chỉ còn hiếm nữa là. Ngày ấy có mẹ chưa biết chiếc máy may là gì. Các mẹ chỉ khâu vá bằng tay thôi, nhưng đường kim múi chỉ đẹp lắm, hết cái áo này sang cái quần khác. Có ngày các mẹ vá được cả trăm cái áo, cái quần cho bộ đội. Nếu tính cả quãng thời gian từ năm 1966 - 1973 thì Hội Mẹ chiến sĩ Đa Mai đã khâu vá được hàng nghin bộ quần áo cho bộ đội.

Không những khâu vá quần áo, các mẹ còn tết mũ rơm, áo rơm, quần rơm để đưa ra các trận địa pháo. Khi tôi có ý định muốn xem kỷ vật, nhất là những cái kim, chiếc áo được vá thì mẹ cho biết: “Người ta đã nhiều lần về đây xin hết để trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.

Nhưng trong căn nhà của mẹ vẫn còn những tấm ảnh đen trắng chụp cảnh vá áo năm xưa. Đặc biệt có một bức ảnh với dòng chữ “Đoàn đại biểu từ thủ đô Hà Nội về thăm Hội Mẹ chiến sĩ vá áo năm xưa”.

Những năm đó các mẹ đã từ 40 đến 70 tuổi, nên giờ đây chỉ còn lại duy nhất mẹ Dy cũng là điều dễ hiểu. Tôi được gặp người mẹ cuối cùng của “làng vá áo” cũng là một vinh dự, một sự may mắn.

Ngồi nghe mẹ Dy kể chuyện các mẹ, các chị chung tay đánh giặc giữ nước bằng những công việc tưởng chừng đơn giản, càng cảm phục những con người một thời vì nước quên thân và hình dung được phần nào việc làm đậm nghĩa tình quân dân của các mẹ, các chị.

Mẹ Dy cũng như bao bà mẹ chiến sĩ năm xưa tuy không được phong Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng vẫn là những bà mẹ của bộ đội Cụ Hồ, bà mẹ kháng chiến đáng khâm phục và kính yêu muôn đời.

>Tâm tình người gác đèn biển Trường Sa

>Nữ điệp báo Tám Thảo - tiểu thư thông minh, sắc sảo

>Tìm về ký ức thảo nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đa Mai của thời chiến tranh giữ nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO