Cuộc gặp gỡ bên ngã ba sông Mê Kông

BÍCH HỒNG| 18/06/2010 09:23

Năm 1989, tôi mới có thâm niên làm báo ba năm. Mơ ước một chân trời rộng mở cho nghề nghiệp, tôi luôn mong đợi một chuyến đi đặc biệt để có thể tạo ấn tượng với mọi người.

Cuộc gặp gỡ bên ngã ba sông Mê Kông

Năm 1989, tôi mới có thâm niên làm báo ba năm. Mơ ước một chân trời rộng mở cho nghề nghiệp, tôi luôn mong đợi một chuyến đi đặc biệt để có thể tạo ấn tượng với mọi người. Thế rồi dịp may đã đến: Tổng biên tập Báo Quảng Nam Đà Nẵng, khi ấy là ông Hoàng Trà, đồng ý cử một phóng viên duy nhất là tôi, một cô gái trẻ, sang Campuchia để viết bài về sự kiện rút quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Quân tình nguyện VN rút khỏi Campuchia năm 1989 - Ảnh: Tư liệu

Stungtreng năm 1989 nhỏ bé và yên tĩnh kỳ lạ, dù cả bộ máy quân sự của Mặt trận 579 lẫn lực lượng quân đội của Chính phủ Cách mạng Nhân dân Campuchia vùng Đông Bắc đều tập trung tại đây. Trung tâm Stungtreng dọc ngang và qua lại đúng hai ngã tư, ở giữa là một quảng trường nhỏ, đóng vai trò là trung tâm văn hóa. Quảng trường lát gạch xám, vắng tanh, duy nhất một tiệm chụp hình được phép nằm ở giữa. Trong cái nắng chang chang, tiệm chụp hình kiên nhẫn trụ ở đấy như quyết tâm tạo một mảng sống thời bình.

Dưới những tán cây rừng, trong Bộ Tư lệnh Mặt trận, không khí rất khẩn trương, bận rộn. Đại tá Phạm Bân, Phó tư lệnh Mặt trận 579 nói chuyện với chúng tôi một lúc về kế hoạch rút quân tình nguyện, sau đó ông quay lại với những cuộc họp. Đại tá bảo, cuộc chiến đấu này có rất nhiều điều kỳ lạ, các cô hãy tự tìm hiểu. Lúc ấy, tôi chỉ hiểu ý ông một phần, tới khi kết thúc hành trình rút quân vào ngày 28/9/1989, tôi mới hiểu sâu thêm.

Sáng ngày 28/9/1989, tại Stungtreng diễn ra lễ rút quân tình nguyện Việt Nam về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với đất nước anh em Campuchia. Hàng chục nghìn người lính trong bộ quân phục mới tinh, chiếc khăn rằn quấn cổ còn vương vấn mùi chiến trận. Trên cổ tôi cũng có chiếc khăn càma và trong balô còn gần hai chục chiếc khác. Chiếc khăn là quà tặng thể hiện tình cảm của người Khơme.

Sáng ấy có một chiếc trực thăng đổ xuống một nhóm phóng viên quốc tế đến vùng Đông Bắc để theo dõi cuộc rút quân. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một nữ nhà báo người châu Âu mặc chiếc áo sáu túi trông rất hầm hố. Cô ta cầm một lúc hai chiếc máy ảnh và gần chục ống kính ngắn, dài đủ cỡ. Điều lạ lùng thứ hai là cô ta lại thấp bé hơn tôi.

Còn mấy anh chàng cùng nhóm thì trông rất phong trần. Họ nhanh chóng chiếm ngay những vị trí thuận lợi để chụp ảnh. Tôi cũng chen chúc cùng một số nhà báo của các hãng Reuters, AP trên nóc một chiếc xe quân sự. Đột nhiên, một anh chàng tóc vàng quay sang “tấn công” tôi: “Tôi là Mike, cô làm việc cho hãng thông tấn nào?”. Tôi cũng vui vẻ giới thiệu về mình.

Angkor Wat

Họ quan sát đoàn quân đang diễu hành qua khán đài, rồi tất cả cùng nhìn tôi. Vẫn anh chàng tóc vàng lên tiếng trước: “Cô có tin là họ rút quân thật không?”. Sáng hôm ấy, nghe câu hỏi của Mike tóc vàng, Trưởng đại diện của Hãng thông tấn Reuters tại Thái Lan, tôi chợt hiểu, người đàn ông phương Tây đối diện mình trên nóc chiếc xe quân sự đang nghi ngờ sự hiện diện của người Việt Nam trên mảnh đất Chùa Tháp đến tận phút chót.

Tôi thật sự căng thẳng bởi vốn từ của mình không đủ theo kịp những cảm xúc trào lên khi đã được nén chặt, nén đến thắt lòng trong những chuyến đi sâu vào những cánh rừng vùng Đông Bắc hoang dại, và bắt gặp một căn chòi đơn sơ chứa hàng trăm chiếc sọ người được gom lại từ một hố chôn tập thể, từ một nhà kho cũ của công xã kiểu Khơme Đỏ.

Chỉ vào gương mặt trẻ trung của những người lính Việt Nam đang tận hưởng niềm vui được trở về quê hương, tôi giận dữ hỏi anh bạn đồng nghiệp: “Có phải từ sáng đến giờ anh nghĩ rằng mình đã ghi hình những gương mặt biết nói dối chăng?”.

Rồi tôi lại chỉ vào những người Khơme, người Lào sinh sống rất đông ở ngoại ô Stungtreng đang ném lên xe, gởi theo bộ đội Việt Nam những vòng hoa, những món ăn giản dị gói trong chiếc khăn càma và hỏi: “Phải chăng anh nghĩ những người dân này cũng đang dối lòng? Ai bắt buộc được họ đến đây tặng người lính Việt Nam chiếc khăn càma mà theo phong tục, người Khơme chỉ dành tặng cho người thân?”.

Và đột nhiên sau nửa tiếng đồng hồ nói liên miên không dứt, tôi chợt nhận ra giống như mình đang mở một cuộc họp báo, với tư cách một người lính tình nguyện, ngay trên nóc chiếc xe quân sự cũ ấy. Các đồng nghiệp nước ngoài thích thú chụp ảnh tôi, hoặc ghi chép những điều tôi nói vào cuốn sổ tay của họ.

Vào lúc ấy, tôi có cảm giác như mình cũng từng sống trong những cánh rừng bỏ hoang suốt mười năm, cũng từng có mặt ở điểm cao đền Preah Vihear suốt chiến dịch trong những thời điểm ác liệt nhất của những năm 1983-1985, cũng cảm thấy cơn khát nước đốt cháy cổ họng khi kể cho họ nghe về chiến dịch mùa khô năm 1982-1983 xua đuổi bọn tàn quân ra khỏi vùng đồng bằng Kratie, vùng Battambang và Preah Vihear.

Cũng vào sáng 28/9/1989, tôi quyết định kể cho những đồng nghiệp đến từ các hãng thông tấn lớn nhất thế giới câu chuyện của một người lính đã vào sinh ra tử trong các chiến dịch chiếm điểm cao 547 sát biên giới. Họ đã ngồi lại trên nóc xe để nghe hết câu chuyện: Tôi gặp Tân trong chuyến xe chở thương binh sắp rời Stungtreng. Những thương binh cuối cùng của cuộc chiến sắp về nước. Đó là những chuyến trở về rất buồn, rất lặng lẽ vào thời điểm gần cuối cuộc chiến tranh.

Tân lục balô đưa cho tôi xem cuốn sổ tay vẽ bối cảnh một ngôi đền có phong cách kiến trúc lạ lùng. Cùng những cánh quân đầu tiên tiến lên đỉnh đồi, Tân đã đứng lặng trước một kiệt tác kiến trúc vĩ đại. Ngôi đền cổ chứa đầy tượng nhạc công thổi kèn và vũ nữ bị chặt đầu bằng đá, lính Pol Pot xô ngã những bức tượng rồi dùng làm bếp lò nấu ăn.

Bọn chúng còn phá tượng tìm vàng. Khắp nơi đều thấy cảnh đổ nát. Trước khi rút lui, lính Khơme Đỏ đã cài mìn dày đặc khắp nơi, nên việc đầu tiên bộ đội phải làm là gỡ mìn trong khu vực đền. Có một điều kỳ lạ là khi trái mìn phát nổ, Tân không ngất lịm, anh nằm trên mặt đất, đau đớn nhìn Mặt trời chiếu những tia sáng chói lọi lên đỉnh ngọn tháp, anh đang ở nơi những người bạn cùng quê với anh hầu hết đã nằm xuống.

Trẻ em Campuchia

Những ngày nằm dưỡng thương, Tân bắt đầu vẽ ngôi đền cổ và chính ý nghĩ về ngôi đền Preah Vihear một nghìn năm tuổi của người Khơme được quân tình nguyện Việt Nam cứu thoát khỏi sự tàn phá, đổ nát đã làm cho Tân cảm thấy dễ chịu. Dưới con mắt của một sinh viên ngành kiến trúc, Tân hiểu quân tình nguyện đã gìn giữ được một di sản văn hóa. Mắt Tân sáng rực khi nói về những điều đó.

Buổi chiều, ngồi bên Tân lắng nghe câu chuyện của anh, tôi cảm nhận được rằng, hình như Tân không hề ân hận, dẫu mất mát nhiều nhưng anh vẫn tự an ủi là đã làm hết sức mình để lịch sử của một dân tộc còn vẹn nguyên với di sản văn hóa vô giá có thể được nhân loại biết đến sau này. Lúc Tân nói như thế, tôi tưởng như nhìn thấy ở anh một vầng sáng, thứ ánh sáng thánh thiện tỏa ra trên gương mặt gầy gò chớm phong trần.

Buổi sáng hôm ấy, khi chúng tôi cùng leo xuống từ nóc chiếc xe quân sự, phóng viên Báo Bangkok Post đến đứng bên cạnh tôi và nói, anh ta có nghe kể về ngôi đền cổ Preah Vihear, vì người theo đạo Phật ở Thái Lan cũng có đến thắp hương ở ngôi đền này. Nếu nó vẫn còn nguyên vẹn, thì đó quả là điều kỳ diệu. Mike tóc vàng nói với tôi trước khi chia tay: “Tôi tin lời cô và tôi sẽ sớm tìm cách đến Preah Vihear”.

Tôi mỉm cười khi những đồng nghiệp chúc tôi giữ được niềm tin trong cuộc sống. Thì ra chính họ cũng thấy được niềm tin của Tân, người lính trẻ đã truyền niềm tin ấy cho họ, và mỗi người sẽ tự tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Niềm tin là thứ vô cùng quý giá và người ta chỉ có được niềm tin khi tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc gặp gỡ bên ngã ba sông Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO