Chuyện về đạo Ông Trần

PHƯƠNG HÀ| 25/06/2016 06:40

Đạo Ông Trần là đạo làm người. Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng như một tôn giáo.

Chuyện về đạo Ông Trần

Đạo Ông Trần là đạo làm người. Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng như một tôn giáo.

Đọc E-paper

1. Mời mãi, ông Năm mới chịu cùng tôi ra một lồng bè có dịch vụ du lịch trên đảo Gò Găng. Trước đó tôi đã “dò la” biết ông ăn chay 6 ngày trong tháng (lục chay), nhưng hôm nay không rơi vào mùng 1, 8, 14, rằm, 23, 30. Lồng bè có nhiều món lạ nhưng ông Năm bảo kêu lẩu cá dứa, vừa ngon vừa no, nếu tôi muốn “đưa cay” cũng tốt, còn ông là đệ tử của ông Trần, không có món rượu bia trong thực đơn.

Tôi mời ông Năm ra Gò Găng chỉ cách Nhà Lớn vài kilomet cũng là muốn tìm một nơi còn khá hoang dã để vừa thư giãn vừa nghe ông kể về đạo Ông Trần, nhưng ông nói không có đạo đúng nghĩa trên đảo Long Sơn. Ông kể: “Tổ phụ tôi không phải họ Trần mà họ Lê, Lê Văn Lưu, sinh năm 1855, là nhà doanh điền đã lập nên xã đảo Long Sơn, bắt đầu từ năm 1900. Bảy chục phần trăm trong khoảng 15.000 dân Long Sơn bây giờ là hậu duệ của ông Lê Văn Lưu và con cháu của dân làng Thiên Khánh cùng một số lưu dân Tây Nam bộ”.

Nhìn sang TP. Vũng Tàu cách cửa sông Rạng nơi chúng tôi ngồi chỉ một quãng đầm phá mênh mang rừng ngập mặn xen kẽ lồng bè nuôi hàu, nuôi cá, ông Năm tiếp tục mạch chuyện: “Thuở ấy Bà Rịa và Vũng Tàu, kể cả các đảo, trên đất liền là rừng rậm, dưới nước là đước, sú, vẹt, dân cư thưa thớt lắm. Tôi đọc một số tài liệu thì được biết ở miền Nam có một cuộc di dân ngược, tức dân Đồng bằng sông Cửu Long theo đường biển ra trú ngụ rồi định cư dần dần ven biển Vũng Tàu, Bà Rịa, mà nguyên nhân chủ yếu là trốn tránh sự đàn áp của thực dân Pháp khi các cuộc khởi nghĩa thất bại, và không có gì lạ trong đó có dân làng Thiên Khánh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) của chúng tôi.

“Vậy Ông Trần cũng là dân “di dân ngược...”.

Ông Năm gật gật đầu đồng cảm với tôi: “Tháng 5/1867, một sĩ phu Cần Vương là Ngô Lợi từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Trương Định ở vùng Mỹ Tho, bị Pháp truy đuổi phải chạy xuống Thất Sơn (còn gọi là Bảy Núi, thuộc huyện Tri Tôn, An Giang ngày nay) ẩn thân, sáng lập đạo Tứ ân hiếu nghĩa, lấy việc “tu nhân - học Phật” làm nền tảng hành đạo”.

“Tôi hiểu nghĩa “tu nhân” thể hiện qua việc thờ và phụng sự tứ đại trọng ân là đất, nước, gió, lửa. Tứ trọng ân gồm ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào. Có đúng vậy không?” - Tôi mạn phép ngắt lời ông Năm.

“Tín đồ còn phải hành xử việc hiếu, việc nghĩa, tức hiếu thảo với ông bà, tổ tiên và nghĩa vụ với đất nước, với đồng bào. Học Phật là học những điều Phật giáo hóa chúng sanh”.

Ông Năm dừng lại như để thử kiến thức người đối diện. Tôi vội nói: “Như vậy là rất gần gũi với quan niệm tu nhân tích đức”.

“Phải rồi - ông Năm gật gật đầu - vì thế mà tín đồ đạo Tứ ân hiếu nghĩa có lúc lên đến cả trăm ngàn người, họ coi nhau là thân bằng và có tính cộng đồng rất cao”.

Một trong hàng chục gian thờ ở Nhà Lớn

2.

Tôi càng cảm phục về sự hiểu biết của ông Năm, một người chỉ có bằng đệ nhị cấp trào Ngô Đình Diệm rồi bỏ học ra khơi đánh cá, chán lại về làm muối ở Long Sơn cho đến giờ, khi nghe ông kể tiếp: “Năm 1885, ông Lê Văn Mưu 30 tuổi, tìm đến làng An Định ở chân núi Tượng trong dãy Thất Sơn xin làm đệ tử Ngô Lợi và tham gia phong trào kháng Pháp do ông lãnh đạo. Năm1890, Ngô Lợi mất, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo cũng tan dần. Một năm sau, Lê Văn Lưu cùng gia quyến và khoảng 20 đồng đạo xuống 5 chiếc ghe, từ Hà Tiên vượt biển đến Vùng Vằng - một vũng biển ở đông bắc TP. Bà Rịa để tránh sự truy nã của Pháp. Ở đây ông hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm muối và buôn bán muối.

Số người theo ông Lưu, tức cũng theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa ngày càng đông, sợ nhà cầm quyền để ý, ông phải đưa gia đình và bà con lánh sang ấp Rạch Dừa (nay thuộc phường 10, TP. Vũng Tàu)”.

Tôi sốt ruột: “Thế mà bấy lâu tôi cứ tưởng Ông Trần từ Thất Sơn lên thẳng Long Sơn...”.

Ông Năm vẫn thủng thẳng: “Ở Rạch Dừa một thời gian, lại bị chính quyền gây khó dễ, dù chỉ làm muối, ông và bà con lại lần nữa ra đi. Đảo Long Sơn rộng 92.000 hecta (tính cả Gò Găng), lúc ấy là rừng nguyên sinh, thiếu nước ngọt, đất bằng thì sình lầy, nhiễm mặn, đất núi thì sỏi đá, vậy mà năm 1900, ông Lưu cùng với những người đi theo vẫn tấp ghe vào dựng chòi, khai phá đất đai làm muối, cấy lúa và đánh bắt hải sản, lập nên ấp Bà Trao (nay là xã đảo Long Sơn thuộc TP. Vũng Tàu), đời sống ngày càng khấm khá”.

“Và dân đảo Long Sơn tôn vinh ông Lê Văn Lưu là Thành Hoàng” - tôi lại xen ngang mạch chuyện của ông Năm.

“Bao năm bôn ba làm ăn, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo Tứ ân hiếu nghĩa, nhưng ngay cả khi cuộc sống đã khấm khá, ông Lưu vẫn không lập chùa miếu, không kinh kệ, chuông mõ mà chỉ truyền dạy cháu con và lưu dân theo mình tu nhân - học Phật. Bản thân ông khi thì đánh trần, khi thì vận bà ba đen, đi chân đất, không rượu chè, làm lụng suốt ngày. Vì thế mà dân đảo tôn kính gọi ông là Ông Trần, lâu dần, cái tên Lê Văn Lưu chỉ còn trong trí nhớ của người già”.

Một góc quần thế kiến trúc Nhà Lớn

3.

“Tham quan quần thể kiến trúc đồ sộ của khu Nhà Lớn do Ông Trần xây dựng trên đảo, tôi thấy nhiều nhà giống kiểu đình làng, nhưng không có quy hoạch. Nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, bố cục khác lạ. Nhìn chung, Nhà Lớn là một quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, thể hiện tính quần cư của những người tha hương khi đến đây lập nghiệp. Rồi tôi cứ băn khoăn không biết Ông Trần lấy đâu ra nhiều tiền đến thế để xây cất...”.

Ông Năm khen tôi nhận xét về Nhà Lớn như vậy là chính xác, rồi xin chủ bè ấm trà, nói tiếp:

“Gần 20 năm, bắt đầu từ năm 1910, Ông Trần cho xây dựng quần thể nhà lầu, nhà trệt để dân đảo thờ cúng tổ tiên và Đức Phật, cũng là nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, không phải tất cả đều bằng gỗ quý và lợp ngói như sau này. Khi kinh tế khá hơn, năm 1927, ông lại cho cất hai ngôi nhà khách, xây 5 dãy phố cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp, rồi xây tiếp trường học, kho chứa thóc, bể chứa nước mưa và sau cùng là nhà chợ, năm 1929. Quần thể trên mấy mẫu đất này, dân đảo gọi là Nhà Lớn. (Năm 1991 khu Nhà Lớn được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia). Và vì thế mà Ông Trần còn được gọi là Ông Nhà Lớn.

Sau khi Ông Trần qua đời (1935) và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu vực này có thêm một tên gọi nữa là Đền Ông Trần. Chắc là anh đã chú ý thấy bên trong những ngôi nhà này, trụ cột và xà nhà đều treo câu đối, câu liễn và hoành phi, những bộ bao lam chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, tất cả đều được sơn son thiếp vàng. Ngoài 33 chiếc tủ thờ bằng cẩm lai, gõ đỏ, ông Trần đã sưu tầm được vô số vật dụng của cả ba miền đất nước, giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên từng là của vua Thành Thái.

Hai mươi năm mới có được quần thể kiến trúc khác lạ và những đồ thờ cũng như bao vật dụng quý giá ấy đều là tiền của và công sức tự nguyện của Ông Trần và cư dân Long Sơn theo ông. Từ khi di dân ngược, Ông Trần tổ chức cho dân làm muối, làm ruộng, đánh cá, là một thủ lĩnh thực thụ. Bản thân ông cũng không ngơi tay lao động. Ông Trần và bà con còn chở tôm khô và muối lên bán ở Sài Gòn - Chợ Lớn, bán sang cả Campuchia”.

“Từ đầu câu chuyện, ông nói là không có đạo đúng nghĩa trên đảo Long Sơn. Vậy thì nên hiểu đạo Ông Trần như thế nào?”.

“Sinh thời, Ông Trần chỉ phát huy cái hay cái đẹp của đạo Tứ ân hiếu nghĩa, không theo hình thức cư sĩ, không cần ly gia cắt ái, không quan tâm đến giáo lý mà chú tâm đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên, lấy việc tu nhân làm nền tảng, không ép buộc ăn chay, không có mê tín dị đoan. Tức đạo Ông Trần là đạo làm người. Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng như một tôn giáo.

Ngày nay, người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo bà ba đen (hoặc màu sậm), tóc búi gọn sau gáy, thật thà, hiếu khách và lưu giữ những nét sinh hoạt đậm chất Nam bộ. Nhiều tập tục riêng của Long Sơn do Ông Trần chỉ dạy vẫn còn được tin theo, như đám cưới chọn ngày mùng một hoặc 16 âm lịch, hành lễ vào giờ Thìn (khoảng 8 giờ sáng), đám tang trong vòng 24 giờ, không coi ngày giờ khi chôn cất, xả tang ngay tại mộ, mộ không bia”.

Đúng như ông Năm nói, làm đúng như những gì mà nhà doanh điền Lê Văn Lưu làm đã là một thứ đạo - đạo làm người chân chính...

>Kỳ bí cổ vật Chăm

>Thương hiệu văn hóa từ người sưu tầm ấm trà

>Độc đáo "Chùa Khỉ"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện về đạo Ông Trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO