Chơi nhà cổ

BÍCH HỒNG| 31/12/2018 00:00

Cách nay 20 năm, người chơi nhà cổ thường dựa trên những tin đồn, lần mò theo chỉ dẫn đến một vùng quê xa lắc nào đó để tìm, tìm được rồi chưa chắc đã ưng ý. Nhưng chơi nhà cổ bây giờ thì tùy theo sở thích của mỗi người.

Chơi nhà cổ

Những biệt phủ với cả chục ngôi nhà cổ trên đồi ở tỉnh này tỉnh khác không còn là chuyện lạ. Nhưng tháo dỡ nhà cổ đem bán đã làm cho những vùng nông thôn mất đi một phần bản sắc văn hóa.

Ở Hội An, khu du lịch đầu tiên sử dụng nhà cổ để tạo chuỗi nhà hàng là của một "đại gia" ngành thủy sản, vốn xuất thân từ một làng chài heo hút. Đó là bà Nguyễn Thị Thương ở số 101 đường Cửa Đại. Năm ngôi nhà rường cổ được bố cục chặt chẽ nằm trong khuôn viên một khu vườn đẹp. Bà Thương mở nhà hàng Phố Trăng chủ yếu để thoả mãn đam mê nhà cổ.

Bà đã cất công đi lại trong nhiều năm, hết ra Huế lại vào Tây Ninh, vừa bằng kiến thức của mình, vừa dựa vào người môi giới để mua cho bằng được những ngôi nhà cổ ưng ý nhất. Việc dựng năm ngôi nhà rường này, từ khâu chọn mua từng căn nhà trên 100 năm tuổi có giá trị về kiến trúc, chạm trổ tinh xảo bởi nghệ nhân các làng mộc nổi tiếng, đến khâu phục chế các chi tiết bị hư hỏng đều kỳ công.

Chủ thầu được tin cậy giao phó phục chế một phần bộ rui mè đã mối mọt, phải mời nghệ nhân ở các làng mộc đã làm ra ngôi nhà đến làm việc, rồi lại phải đi tìm những ngôi nhà cũ đổ nát không sử dụng được nữa mót những cây gỗ cùng chủng loại, cùng niên đại để thay thế.

anh-chinh-4434-1545273245.jpg

Trong khoảng 20 năm qua, trào lưu chơi nhà cổ bùng nổ khắp cả nước. Theo trào lưu ấy, Hội An bây giờ quá nhiều khu du lịch, quán cà phê theo "phong cách nhà cổ”, thậm chí cả một ngôi làng nghề mới được dựng lên bằng những căn nhà cổ có phong cách kiến trúc nhất quán Quảng Nam. Và những người bán nhà cổ đều cảm thấy được an ủi khi họ đến khu du lịch này, nhìn thấy căn nhà xưa của cha ông nay được trân trọng như vậy.

Chính nhu cầu chơi nhà cổ đã phát triển mạnh, nên tại Quảng Nam, một gia đình chuyên làm nghề buôn bán, sưu tập và sửa chữa nhà cổ đã tạo lập được một bảo tàng nhà cổ mang tên Vina House. Được đưa vào hoạt động ngày 13/6/2013, Không gian nhà Việt được xây dựng với quần thể 18 nếp nhà cổ độc đáo nhất và 15 công trình kiến trúc được phục dựng trong diện tích 11.000m2.

Khu du lịch nhà cổ Việt Nam được chia thành không gian bảo tàng, không gian làng nghề truyền thống và không gian văn hóa ẩm thực. Mỗi không gian là một màu sắc riêng, gợi nhớ về những nếp nhà Việt xưa cũ. Khi đến đây, du khách được xem các kiểu nhà cổ của các vùng miền, dân tộc, như nhà cổ Quảng Nam ngũ gian nhị hạ, phủ đệ theo lối kiến trúc cung đình Huế, nhà bánh ú Quảng Trị, nhà rường một gian, hai chái hiên Quảng Bình, nhà mái lá Bình Định, nhà tứ giác, lục giác Nam bộ, nhà một gian, hai chái Bắc bộ...

Các bảo tàng tư nhân nổi tiếng ở Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP.HCM đều sử dụng nhà cổ có lý lịch, phong cách kiến trúc rõ ràng để tăng thêm giá trị văn hóa khu trưng bày cổ vật.

Người chơi nhà cổ có rất nhiều cách thỏa mãn đam mê riêng. Nếu có nhiều tiền, và có kiến thức, họ tham gia vào quá trình tìm kiếm, thẩm dịnh, phục chế một ngôi nhà cổ, và đó là hành trình làm cho kiến thức và tình yêu kiến trúc cổ Việt Nam tăng lên.

Ông Lê  Văn Tăng - một người chuyên phục chế nhà cổ ở Quảng Nam có 40 năm hành nghề, chia sẻ: "Chơi nhà cổ công phu và đắt đỏ, đã mua được xác nhà còn phải tốn nhiều tiền phục chế. Không ai chấp nhận một chi tiết mới nào lọt vào ngôi nhà cổ. Tại các trung tâm phục chế nhà, ngôi nhà rường có thể được thay một viên ngói đồng niên, một viên đá lót chân cột cũng phải cùng niên đại.

Chưa kể cột kèo, rui mè bị mối mọt, phải tìm những chi tiết còn tốt của những xác nhà cùng thời gian, đã hỏng không phục hồi được, để thay thế. Chính yêu cầu đó làm cho việc phục chế một ngôi nhà rường cổ hiện nay khó gấp bội phần. Mua được xác nhà, phải tìm cái bình phong phù hợp cũng là một hành trình mà kết quả dựa vào "duyên" hơn "tiền".

IMG-9073-6494-1545273245.jpg

Bây giờ dù không thiếu tiền, các đại gia vẫn không thể tiếp cận được những ngôi nhà cổ mình ưng ý để trực tiếp mua. Định giá về văn hóa kiến trúc thì dễ dàng hơn, nhưng định giá bằng tiền thì chính chủ nhà cũng hoang mang, không thể biết rõ ngôi nhà thực sự trị giá bao nhiêu.

Vẫn có những người rất may mắn. Trên sườn núi Sơn Trà, Đà Nẵng có hai căn nhà cổ, mà chủ nhân là anh Đoàn Huy Giao - một đạo diễn phim tài liệu đã có công tìm kiếm nhà cổ xây dựng Bảo tàng Đồng Đình  từ 30 năm trước. Người khác mất cả tỷ đồng mới đem được một cái xác nhà cổ về dựng trong vườn, thì ông chủ này chỉ cần vài chục triệu đồng vào năm 1990 vẫn lựa được một căn nhà rường kiến trúc đặc thù nhà nông thôn Quảng Nam.

Đối với người sưu tầm có văn hóa như đạo diễn Đoàn Huy Giao, sau khi dựng căn nhà trên mảnh vườn, không có lời khen nào làm anh sung sướng bằng câu "Cái nhà hình như còn mùi trầu thuốc của các cụ ngày xưa"!  Bởi vì ngôi nhà này với ông chủ, nó có giá trị văn hóa và trải nghiệm, chứ không phải giá trị vật chất. Đó cũng là một tâm thế chơi nhà cổ mà Đoàn Huy Giao muốn gửi gắm đến khách tham quan.

Nhưng tháo dỡ nhà cổ bán đã làm cho các vùng nông thôn mất đi một phần bản sắc văn hóa. Ở mỗi vùng đều có những dòng họ danh gia vọng tộc, giàu có để xây dựng nên những ngôi nhà bề thế, có giá trị kiến trúc đặc trưng. Chúng tôi cảm nhận điều đó rất rõ khi đến đảo Lý Sơn nhìn thấy hàng chục ngôi nhà cổ nằm trong khu vườn đẹp của những gia đình ngư dân ba đời để lại cho con cháu.

Trong những nhà cổ còn có tủ sách cổ, những biểu dụ của triều đình Huế được lưu giữ. Những ngôi nhà cổ đó còn rất tốt, và chính nó đã giúp cho du khách cảm nhận được chiều sâu lịch sử  hòn đảo giữa biển khơi. Cũng may mắn nhà cổ nằm ngoài đảo nên đã thoát khỏi bao trận "càn quét" của những người chơi nhà cổ. Nhưng nay đi lại dễ dàng hơn nhiều, cũng không thể biết rồi các chủ nhân có đủ sức từ chối số tiền vài tỷ đồng cho cái xác nhà rường, mà với cuộc sống ngày nay, người trẻ thấy không có tiện nghi chút nào.

Quảng Nam có ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, rất nổi tiếng vì tin đồn thập niên 1950, một người muốn mua ngôi nhà này tặng ông Ngô Đình Diệm. Giới săn lùng nhà cổ cả nước đều biết đến giá trị kiến trúc của ngôi nhà rường 200 năm tuổi này và đều "bó tay" trước lời từ chối kiên quyết của cụ Anh và con cháu.

Vượt qua bao năm khó khăn mới giữ được ngôi nhà quý giá, ngôi nhà ba gian hai chái theo phong cách tam đại kẻ truyền nay vẫn còn nguyên giá trị, được dòng họ bảo vệ, giữ gìn. Nhiều lần đến vùng này, chúng tôi cảm nhận ngôi nhà như một biểu tượng cho vùng quê trù phú ở vùng trung du, và thu hút du khách tận mắt nhìn những nét đẹp đến từ phong cách kiến trúc nhà rường Quảng Nam thế kỷ XIX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chơi nhà cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO