Cái duyên với trái cau, lá trầu

ÁNH XUÂN/DNSGCT| 30/12/2013 09:26

Một khu chợ vô cùng độc đáo, chỉ bán một thứ hàng hóa đặc biệt – trầu cau, người bán chủ yếu là những cụ, những bà đã bước sang lứa tuổi “thất thập” dân Bà Điểm, Hóc Môn.

Cái duyên với trái cau, lá trầu

Một khu chợ vô cùng độc đáo, chỉ bán một thứ hàng hóa đặc biệt – trầu cau, người bán chủ yếu là những cụ, những bà đã bước sang lứa tuổi “thất thập” dân Bà Điểm, Hóc Môn.

Đọc E-paper

Với họ, bán trầu cau như một nghề truyền thống, một nét duyên “truyền đời” vì họ đã gắn bó với trái cau, lá trầu từ khi còn là những thiếu nữ…

Độc đáo chợ trầu cau giữa Sài Gòn

Chẳng biết chính xác từ bao giờ ở ngay đường Lê Quang Sung, phường 2, quận 6 (đoạn cắt từ đường Chu Văn An đến đường Nguyễn Hữu Thận, đối diện bến xe Chợ Lớn) đã hình thành nên một khu chợ chỉ chuyên bán trầu cau phục vụ chuyện cưới hỏi, lễ lạt, cúng tế, và đương nhiên dành cho cả những người “ghiền” món ăn “biểu tượng của sự giao tiếp” này…

Theo các cụ, các bà ngồi bán ở khu chợ này vui vẻ kể lại thì những năm đất nước còn chiến tranh cho đến khoảng những năm 1990 là thời kỳ chợ trầu cau buôn bán nhộn nhịp nhất. Cả khu chợ có khi lên tới hàng trăm gánh trầu cau của tiểu thương tứ xứ đổ về, hàng được lấy từ xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) – địa danh nổi tiếng cả nước với 18 thôn vườn trầu, đây cũng là nơi cung cấp trầu cau chủ yếu cho các chợ.

Vào thời ấy, người bán là những cô, những chị gái duyên dáng, thướt tha trong chiếc áo bà ba mộc mạc, ngồi san sát nhau, hàng bày chật ních cả chợ, có khi còn bày tràn xuống đường. Chợ bắt đầu họp từ 3 giờ sáng và kéo dài cho gần hết ngày… Ngày đó, nhờ nghề buôn bán trầu cau, nhiều người có thể làm giàu, có tiền lo cho con cái, cuộc sống gia đình mình ổn định.

Một góc chợ trầu cau

Ngồi nhắc lại thời hoàng kim của khu chợ, đôi mắt nhiều cụ, nhiều bà bỗng ánh lên niềm vui, sự tự hào về cái nghề đặc biệt của mình một thời. Cụ Nguyễn Thị Lên thường gọi là cụ Sáu Lên, quê ở ấp Năm Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, dù năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn rất linh hoạt, nhanh nhẹn, đặc biệt cụ rất vui tính, hay chọc cười khách mua hàng. Hằng ngày cứ gần 5 giờ sáng cụ lại đi xe buýt từ Bà Điểm tới chợ mất hơn một tiếng đồng hồ, bán hàng tới 5 giờ chiều mới về nhà.

“Tôi bán trầu cau ở chợ này từ hồi trước giải phóng tới giờ, cũng là thừa kế nghề của bà, của mẹ tôi thôi. Thời kỳ trước và những năm đầu sau giải phóng, việc bán trầu cau còn ngon lành, thu nhập tốt, vì hồi đó các tỉnh đều lên đây mua hay lấy trầu cau về bán…

Nhất là vào dịp cuối năm – thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội, giỗ chạp, đám cưới hỏi thì lượng khách rất đông đến mua hàng”, cụ Sáu Lên cười bỏm bẻm hồi tưởng về thời cực thịnh của khu chợ.

Và cũng như cụ Sáu Lên thuở nào, một số những cô, những chị chủ gánh sạp bán trầu cau ngày xưa vẫn bám trụ, theo đuổi cái nghề đặc biệt của mình cho đến ngày nay, mặc cho bao khó khăn, vất vả vì thời cuộc thay đổi.

Bởi theo năm tháng, hiện khu chợ trầu cau ngày càng bị thu nhỏ, vì nhu cầu của người tiêu dùng không còn được như xưa nữa và tất nhiên cũng chẳng có cảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của hàng trăm gánh sạp trầu cau, thay vào đó chỉ còn lác đác trên dưới 10 gánh sạp rời rạc. Dù vậy, chợ vẫn họp vào các ngày trong tuần, và đông nhất là vào thứ 6 mỗi tuần.

“Bây giờ rất ít người còn thói quen ăn trầu nên việc buôn bán may ra cũng chỉ đủ lo cho bản thân mình. Vậy nhưng nói nhiều người không tin chứ chúng tôi buôn bán không phải do lời lãi mà chủ yếu vì đây là nghề truyền thống của gia đình, hơn nữa là cái duyên, là tình yêu đối với trái cau, lá trầu”, cụ Sáu Lên giãi bày mà cứ như đang tự sự với chính mình.

Cũng ở Bà Điểm, Hóc Môn và cũng đi bán trầu cau ở chợ này từ trước giải phóng, cụ Nguyễn Thị Anh 72 tuổi vui vẻ góp chuyện:

“Hồi đó tôi ở Bà Điểm cau trầu nhiều lắm, lớn lên tôi theo bà ngoại, theo mẹ đi bán trầu cau, rồi từ đó theo nghề này luôn. Vì thế, tôi yêu thích nghề này từ nhỏ. Dù biết là bán buôn thì phải có lời, nhưng tiền lời một tháng cũng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ đủ tiêu xài nếu biết gói ghém tằn tiện một chút. May mắn là giờ tôi không phải nuôi ai cả vì con cái trưởng thành hết rồi, chúng tự lo cho bản thân được, trong khi đó chồng tôi thì có gì mấy đứa con sẽ lo”.

Nghe cụ Anh nói về chuyện lời lãi, cực nhọc, cụ Đinh Thị Cúc (70 tuổi, ngụ Bà Điểm, Hóc Môn) cũng chép miệng than thở: “Nghề này với tôi cũng chẳng nhẹ nhàng gì vì phải tự mình làm mọi thứ, từ chuyện đi mua hàng tới chuyện phải đi mấy lượt xe mới tới nơi bán, rồi chiều lại lục tục thu dọn mọi thứ, tiếp tục phải lên xuống mấy lượt xe mới về tới nhà.

Đó là chưa nói tới chuyện phải ngồi hằng ngày ngoài nắng mưa bán hàng, trong khi đó lời lãi lại chẳng bao nhiêu. Bởi trung bình một ngày bán được khoảng 40kg trầu, cau thì một thiên (khoảng 1.300 trái), giá bán thì tùy theo chất lượng hàng, một ký trầu từ 40-50 ngàn đồng, còn cau cũng vậy từ 10-15 ngàn đồng/chục…

Hồi xưa bán thì có thể nuôi cả bầy con ăn học, chứ bây giờ ít người mua chắt bóp lắm cũng chỉ đủ nuôi mình thôi. Hơn nữa, trong năm thì chỉ bán được mấy tháng “cao điểm” có nhiều lễ hội, cúng kiếng, cưới hỏi, chứ mấy tháng còn lại cũng chỉ bán cầm chừng”.

Những nỗi niềm đau đáu với nghề

Cũng chính vì việc buôn bán của các cụ, các bà chẳng lời lãi bao nhiêu nên cơ quan chức năng địa phương cũng không nỡ thu một khoản thuế nào. Thời gian trước có tin là chợ này sẽ bị giải tỏa nhưng cho đến giờ mọi người vẫn chưa hề thấy có động tĩnh gì. Cụ Anh bộc bạch:

“Chắc là không giải tỏa đâu mà nếu có đi chăng nữa thì chúng tôi cũng bán lòng vòng ở đây thôi chứ cũng không thể đi chỗ nào khác được vì mấy chục năm qua người dân đã quá quen với nơi mua bán trầu cau này rồi. Và nếu có đuổi thì chúng tôi cũng chẳng biết sẽ đi đâu, mà vô sạp hàng ngồi thì tiền đâu đóng thuế”.

Quả đúng là như cụ Sáu Lên, cụ Anh đã nói thì dù phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả, nhưng cái duyên đối với trái cau, lá trầu đã đi vào tâm thức, tình cảm của những người bán ở đây sau biết bao năm gắn bó. Vì thế mà khu chợ này khác hẳn với những khu chợ khác vì sự yên bình, nhẹ nhàng của nó, hầu như hiếm khi nào có sự tranh giành khách hàng hay cãi cọ giữa những người bán, họ như những người bà con thân thuộc hay những người bạn cùng giúp nhau buôn bán, làm ăn.

Trong khi đó, những người khách đến đây mua hàng phần nhiều cũng là những người đang sống vui vẻ, hạnh phúc hay thành tâm cúng kiếng, do đó với nhiều người khu chợ này như một không gian văn hóa, một nét duyên lắng đọng chút hồn quê giữa lòng thành phố đô hội mỗi khi tìm tới hay có dịp đi qua hướng mắt nhìn vào.

Dì Hai: “Tôi chọn nghề này vì thấy phù hợp với mình”

Một trong những người bán được coi là “trẻ nhất” ở đây cũng đã 63 tuổi là dì Huê. Theo dì Huê thì công việc bán trầu cau ở chợ này đã mang lại cho dì những niềm vui khó nói thành lời. “Một mâm trầu cau làm lễ vật ngày ăn hỏi thường có 60 trái cau và mười bó trầu dắt quanh, trên mỗi quả cau được dán chữ “hỉ”, gắn nơ hồng và dắt thêm các nhánh hoa cau.

Thường thì các đám cưới miền Nam thích chọn các buồng cau nhỏ (khoảng 60 trái) vì theo cách hiểu của người miền Nam thì buồng cau 60 trái hàm ý chữ thọ, sống lâu. Trong khi đó, người miền Bắc, miền Trung lại thích buồng cau to, đủ 105 trái với hàm ý trăm năm hạnh phúc…

Chúng tôi bán mặt hàng này cũng thấy vui vui vì có thể nói đó là những vật phẩm góp phần xây dựng hạnh phúc cho những đôi bạn trẻ, hay những người mua trầu cau đi cúng lễ, đến khi họ làm ăn may mắn phát tài, nhiều người đã tới tận nơi nói chuyện và cảm ơn chúng tôi nữa đó”, dì Huê tỏ rõ sự mừng vui.

Cụ Sáu Lên sẽ đi bán trầu cau đến lúc nào không thể bán được nữa mới thôi

Cũng theo dì Huê thì hiện tại, chợ thường bán hai loại cau, giống tròn gọi là cau sung, giống dài, có đầu nhọn gọi là cau vú bò; với trầu thì trầu xanh cuống dài (còn gọi là trầu lương) thường bán nhanh hơn các loại khác. Đặc biệt, ngoài việc bán trầu cau, điều khiến người mua cảm thấy hài lòng và yên tâm là khi tìm tới chợ này, họ sẽ được người bán tư vấn cách chuẩn bị mâm quả, nên mua những loại vật phẩm nào, cách sắp xếp, bưng bê, đặt để ra sao…

Đúng là trái cau, lá trầu đã trải qua một thời gian dài gắn bó thắm nồng thủy chung với người dân Việt. Song cũng chính thời gian và cuộc sống hiện đại đã làm thu hẹp dần sự hiện diện của miếng trầu trong đời sống thường nhật, và dĩ nhiên tục ăn trầu cũng dần bị mai một đi, có chăng hầu như chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Ngay như địa danh Mười tám thôn Vườn trầu nổi tiếng hàng trăm năm nay, bây giờ cũng chỉ còn rất ít vườn trầu và diện tích ngày càng bị thu hẹp thêm.

Theo cụ Nguyễn Thị Anh, chợ này không thu một khoản thuế nào

Nhìn những cụ, những bà tuổi đời “thất thập cổ lai hy” ngồi bán giữa nắng gắt, cứ thấy có điều gì đó chạnh lòng, đượm buồn bởi chẳng bao lâu nữa tuổi cao sức yếu này họ cũng sẽ không thể tiếp tục với nghề, lúc đó khu chợ trầu cau này sẽ ra sao, dù bây giờ các cụ, các bà cùng với các gánh sạp trầu cau vẫn ngồi đấy như những người trung thành níu giữ cái duyên “truyền đời” đối với quả cau, lá trầu của một thời không thể lãng quên.

Nhưng đúng như lời cụ Sáu Lên giãi bày: “Nhiều người lo lắng cái chợ này rồi sẽ giải tán, nhưng tôi nghĩ chừng nào người ta còn cưới hỏi, cúng kiếng mà không cần trầu cau nữa thì chắc chợ này mới phải dẹp bỏ. Riêng tôi, sẽ đi bán đến lúc nào không thể bán được nữa mới thôi”.

Thì ra, dù đã không còn phổ biến như xưa nhưng trầu cau sẽ vẫn là vật phẩm không thể thiếu trong việc hiếu hỉ, kết thân, lễ tế… bởi miếng trầu đã gắn liền với đời sống của người Việt, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt từ bao đời nay. Thật khó tưởng tượng nếu trong một lễ cưới hỏi, cúng kiếng lại thiếu đi những lá trầu, trái cau. Và, sẽ tiếc và buồn lắm thay, nếu một ngày nào đó khu chợ này không còn nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái duyên với trái cau, lá trầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO