Bảo vật của làng mộc Văn Hà

H.HÀ - M.NHẬT| 06/02/2016 06:39

Những người thợ tài hoa của làng mộc Văn Hà đã chế tác những bàn "độc xoay" xoay theo ý nghĩ con người, mang lại danh tiếng và nguồn lợi cho làng.

Bảo vật của làng mộc Văn Hà

Người làng Văn Hà gọi đó là bàn "độc xoay", dùng để cúng ngoài sân, xoay được các hướng cho tiện khấn vái. Những người thợ tài hoa của làng đã chế tác những bàn "độc xoay" xoay theo ý nghĩ con người, mang lại danh tiếng và nguồn lợi cho làng.

Đọc E-paper

Làng Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), là một trong hai làng nổi danh nghề mộc từ lâu đời. Từ xưa, nhà nhà làm mộc, đàn ông thanh niên hầu như lấy nghề mộc mưu sinh. Mới đây, những người yêu nghề của làng mộc đã lập nên tổ hợp, đẩy mạnh phát triển làng nghề và được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Làng nghề truyền thống.

Người làm mộc già nhất Việt Nam phải kể đến cụ Đinh Thạch, năm nay đã 94 tuổi. Tuy đã nặng tai, nhưng ngày ngày cụ vẫn cầm đục, cưa, bào để tạo nên những tuyệt phẩm. Đặc biệt, cụ là người góp công lớn nhất làm nên chiếc bàn xoay kỳ bí mà chỉ làng Văn Hà mới có.

Cụ Thạch với chiếc bàn xoay kỳ bí

Anh Phạm Miên - tổ trưởng tổ hợp làng nghề mộc Văn Hà cho biết thêm, làng nghề mộc có từ xa xưa, từ thủa các cụ từ Thanh Nghệ Tĩnh vào. Do đất đai ruộng vườn ít, có chút tài hoa nghề mộc từ trước nên các cụ đã lấy nghề mộc làm nghề chính để nuôi sống gia đình. Từ đó, cha truyền con nối nên người làng Văn Hà tạo nên nhiều sản phẩm mộc hết sức tinh xảo.

Nói về chuyện chiếc bàn xoay kỳ bí, anh Phạm Miên rành rọt kể: "Chiếc bàn xoay, người làng Văn Hà gọi là bàn "độc xoay" (bàn một trụ và xoay được). Mục đích các cụ xưa làm nên chiếc bàn này là để cúng ngoài sân, xoay được các hướng cho tiện khấn vái. Với mục đích như thế, nên chiếc bàn này không dùng cho việc khác. Với làng Văn Hà, xưa nay, chiếc bàn "độc xoay" gắn với tâm linh, đặc biệt với những người làm nghề mộc. Chiếc bàn này chỉ có những gia đình có điều kiện hoặc những gia đình làm mộc lâu năm mới có. Tuy nhiên, những bàn ghế tân kỳ ra đời, thay thế dần những chiếc bàn "độc xoay" kiểu cũ, khiến chiếc bàn truyền thống này cứ mai một dần".

Anh Miên kể thêm, đến năm 1985, ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) một người phát hiện bàn "độc xoay" (do người làng Văn Hà chế tác) tự xoay theo ý nghĩ người đứng bên cạnh. Ngay lập tức có một doanh nghiệp ở Thuận Tình (Hội An) đến mua về với giá rất cao. Thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Đãi còn một bàn nguyên vẹn và tự xoay theo ý nghĩ nên có người mua hai cây vàng, sau đó người này bán lại bốn cây vàng, rồi tiếp tục mua đi bán lại nhiều lần...

Trước thông tin về chiếc bàn "độc xoay" độc đáo, nhiều người đổ về Văn Hà để tìm mua. Nhưng nhiều cái hư hỏng, sửa lại, làm mới... đều không xoay được, kể cả cụ Thạch mày mò thời gian dài vẫn bó tay. Được một thời gian yên ắng thì chiếc bàn "độc xoay" tự xoay lại rộ lên. Đó là khi tổ hợp làng nghề mộc Văn Hà được thành lập.

Anh Miên (bên phải) người kế thừa làm được chiếc bàn tự xoay

Cụ Thạch rất trăn trở về chiếc "độc xoay" kỳ bí, cũng sợ đến tuổi gần đất xa trời, nhỡ có mất đi mà không làm được chiếc bàn "độc xoay" quay theo ý nghĩ nên đã quyết tâm mày mò, thử nghiệm.

Sau đó, cụ Thạch gọi anh Miên và anh Tuấn - hai người được xem là lành nghề nhất nhì trong làng, để hỗ trợ. Sau nhiều tháng thử nghiệm, cuối cùng họ đã làm được chiếc bàn "độc xoay" tự xoay theo ý nghĩ khi chạm nhẹ tay lên bàn. Từ đó đến nay, người làng Văn Hà xác nhận, chỉ có cụ Thạch, anh Miên, anh Tuấn làm được chiếc bàn xoay kỳ bí.

Theo anh Miên, để làm được chiếc bàn "độc xoay", người thợ lành nghề mất khoảng 10 - 15 ngày tùy theo độ tinh xảo, họa tiết. Các công đoạn phải làm thật chuẩn đến từng chi tiết. Bàn chỉ cao 76 - 80cm, cao hơn thì không xoay theo ý nghĩ được, mặt bàn có thể 1 hoặc 3 tấm ván tùy kích thước và giá cả. Tốt nhất vẫn là gỗ mít (vườn) hoặc là sưa vàng, táu, lim, sến.

Anh Miên lý giải, sau khi làm hết mọi công đoạn, đến công đoạn cuối cùng để làm cho bàn tự xoay chỉ cần thêm một ngày.

"Trước đây, chúng tôi nghĩ nó rất phức tạp, nhưng khi làm được rồi thì thấy cũng đơn giản. Nhưng nói thế không phải ai cũng làm được, mà ngoài lành nghề thì phải có tâm linh, chân tôn mà chính bản thân chúng tôi cũng không thể lý giải", anh Miên tâm sự. Theo anh Miên, làm được "độc xoay" là "lộc của làng" nên ai đặt hàng thì cũng đưa vào tổ hợp làm chung.

Để xem chiếc bàn kỳ bí thế nào, chúng tôi dùng thử mọi cách: chạm nhẹ hai tay vào mặt bàn, trong đầu nghĩ hoặc nói ra theo hướng phải, thì nó quay theo hướng phải, nghĩ hoặc nói trái thì nó quay theo hướng trái. Khi nó quay nhanh có đà, lật ngửa bàn tay thì nó dừng và quay ngược khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ!

Điều đáng nói nữa, mùa Hè nắng nóng thì chiếc bàn quay nhanh, nhạy, còn mùa Đông thì quay chậm hơn. Khi có một đàn ông và một phụ nữ thì chiếc bàn không thể nào quay được, nhưng chỉ một trong hai người đưa tay ra thì nó quay. Càng nhiều người thì chiếc bàn càng nhạy, quay càng nhanh.

Bàn xoay độc đáo ở làng mộc Văn Hà

Được biết, chiếc bàn "độc xoay" của làng Văn Hà được giải C tại Hội thi Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014. Hiện chiếc bàn này được Công ty Du lịch Phú Ninh đấu giá 38 triệu đồng và đang trưng bày tại Khu du lịch Phú Ninh. Bàn "độc xoay" người làng Văn Hà sản xuất từ năm 2012 đến nay, đã có hàng chục cái xuất xưởng với giá khoảng từ 15 đến 40 triệu đồng, tùy theo độ tinh xảo, độ khó, loại gỗ.

Nói về việc có hay không chuyện bí ẩn về chiếc bàn, anh Miên tâm niệm: "Trước hết, thợ phải lành nghề, thành tâm, phải làm đúng nguyên lý, nhưng không loại trừ yếu tố bí ẩn mà ngay cả chúng tôi cũng không thể lý giải vì sao mình lại làm được thế và vì sao nó lại quay được như thế”.

"Đây là lộc của làng, không ai dám khoa trương, nhưng chúng tôi nghĩ đây là phúc của tổ nghề, của làng nên càng phải thành tâm, rèn luyện để tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo, đặc biệt là chiếc bàn xoay, giúp làng nghề Văn Hà ngày càng có tiếng vang xa hơn", cụ Thạch tâm niệm.

>Đàn Viên: Làng đèn trước gió

>Mưu sinh dưới đáy biển

>Ngôi làng Pháp trên đỉnh Bà Nà

>Làng tơ lụa sống lại ở Hội An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vật của làng mộc Văn Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO