Ba trăm năm Hà Tiên

NGÔ MINH| 20/05/2009 05:11

Đến Hà Tiên rồi bạn sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình, đặc biệt là lịch sử mở cõi của ông cha để tạo nên dáng hình đất Việt hôm nay.

Ba trăm năm Hà Tiên

Về mảnh đất văn vật Hà Tiên, ngoài những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đa phần dân chúng ít người biết, vì tài liệu có hạn, lại xa xôi cách trở. Nhưng đến Hà Tiên rồi bạn sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình, đặc biệt là lịch sử mở cõi của ông cha để tạo nên dáng hình đất Việt hôm nay.

Ngắm tượng đài Mạc Cửu, tôi mường tượng về Hà Tiên 300 năm trước...

Tượng đài Mạc Cửu ở thị xã Hà Tiên

Mạc Cửu là người đã lập nên trấn Hà Tiên thuộc Đại Việt vào năm 1708. Ngày 7/9/2008, tỉnh Kiên Giang đã kỷ niệm trọng thể 300 năm trấn Hà Tiên và khánh thành tượng đài Mạc Cửu bằng đá, cao 15 mét, một tay tỳ đốc kiếm, tay kia cầm cuốn thư văn, mắt nhìn ra biển tây lộng gió. Dựng tượng đài Mạc Cửu ở thị xã Hà Tiên là một nét mới trong nhận thức lịch sử.

Trên núi Bình San, một trong 10 thập cảnh Hà Tiên, lăng mộ của Cửu Ngọc hầu Tổng binh Hà Tiên có hai tượng lính đừng hầu hai bên, có hai con nghê chầu trước mặt. Các thế hệ dòng dõi họ Mạc tiếp sau mộ nằm ở các tầng thấp dần. Người giới thiệu lăng Mạc Cửu cho biết, về phía con trai, đến đời thứ bảy thì họ Mạc không còn nữa. Bây giờ chỉ có con cháu hậu duệ bên ngoại sinh sống ở các tình đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày giỗ tổ thì kéo nhau về Hà Tiên.

Theo sách “Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các” của Hà Văn Thùy và một số tư liệu khác, thì giữa thế kỷ XVII, người Mãn chiếm Trung Quốc, diệt nhà Minh, lập nên triều Mãn Thanh, nhiều sĩ phu, tướng thần nhà Minh bỏ nước ra đi. Thời kỳ này nhiều nhóm người Hoa đến nước ta, được Đại Việt cho định cư ở Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Huế), Hội An (Đà Nẵng). Năm 1679, Trần Thượng Xuyên, Lương Ngạn Địch, Tổng binh Long Môn Quảng Tây đem 300 người trên 50 chiếc thuyền cập bờ cửa Tư Dung (Thừa Thiên - Huế) xin chúa Nguyễn cho làm dân Đại Việt. Chúa Nguyễn cho phép nhập cư và hướng dẫn họ vào cửa Cần Giờ, trú ở Biên Hòa, Mỹ Tho...

Trong dòng người Hoa chạy “giặc Mãn” có Mạc Cửu. Mạc Cửu sinh năm 1655 ở huyện Hải Khang, phủ Lê Châu, Quảng Đông. Năm 1671, khi 17 tuổi, ông đã cùng gia đình lên thuyền vượt biển xuống phía Nam, rồi khai khẩn vùng đất Mang Khảm không ai quản lý. Bằng tài nghệ của mình, Mạc Cửu đã biến vùng đất hoang sơ Mang Khảm thành thương cảng sầm uất, khuyến khích tàu buôn nước ngoài vào buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Thời kỳ này, theo lệnh chúa Nguyễn, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã lập phủ Gia Định, huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên tại Biên Hòa, thành lập huyện Tân Bình (gồm đất Sài Gòn, Chợ Lớn, Long An).

Qua trải nghiêm mấy chục năm quan hệ lân bang, Mạc Cửu nhận ra đất Hà Tiên linh khí có thể dựng nên nghiệp lớn, nhưng phải đi với một vương triều mạnh mẽ, chính danh. Tháng 8-1708 (Mậu Tý) tính chuyện tồn tại lâu dài thì không thể không đi với Đại Việt, thế là ông cử cận thần mang lễ vật quý đến thành Phú Xuân dâng biểu xưng thần, xin được làm Hà Tiên trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu, với sự mẫn cảm chính trị, tầm nhìn xa trông rộng, đã rất vui mừng đón nhận vùng đất mới và đặt là trấn Hà Tiên và phong Mạc Cửu tước Cửu Ngọc Hầu, chức Tổng binh.

Từ đó Mạc Cửu và 30 năm sau là con trai cả Mạc Thiên Tích (từ năm 1736) đã xây dựng Hà Tiên có cảng quốc tế, có cung điện Phương Thành, đồn lũy Giang Thành, có thủy quân bảo vệ thương thuyền qua lại cảng. Quân đội của họ Mạc thường xuyên tuần tra mặt biển nên chúa Nguyễn rất yên tâm về biên thùy phía Nam. Đặc biệt đến đời Mạc Thiên Tích, văn chương thơ phú phát triển nổi bật, thu hút nhiều nhân tài từ nhiều miền đất nước, cả Trung Hoa, tham gia xướng họa, làm cho danh tiếng Hà Tiên vượt ra ngoài bờ cõi An Nam...

Theo Hà Văn Thùy trong sách đã dẫn, Mạc Thiên Tích, sinh năm 1706, tháng 3, con của bà vợ người Việt của Mạc Cửu là Bùi Thị Lẫm, quê ở Đồng Môn, trấn Biên Hòa. Mạc Thiên Tích được học chữ Hoa, chữ Việt, được nghe người mẹ Việt hát ru, nên ngoài việc thay cha mưu lược quân cơ, phát triển kinh tế, chính trị, ông đặc biệt giỏi thơ phú. Vào năm 1736, lúc 30 tuổi, Mạc Thiên Tích lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Đây là Tao đàn đầu tiên ở miền Nam và là Tao đàn thứ hai của đất nước, sau Tao đàn Hồng Đức. Thơ Tao đàn Hồng Đức là thơ xướng họa ca ngợi, xưng tụng vua, còn thơ Tao đàn Chiêu Anh Các là tình yêu nước non, tình người thôn dã.

Đó là một sự kiện văn hóa lớn (Hội Văn nghệ Kiên Giang đã lấy tên Chiêu Anh Các đặt tên cho tạp chí văn nghệ của Hội là với ý nghĩa lớn lao đó). Mạc Thiên Tích đã làm thơ xướng Vịnh 10 thắng cảnh Hà Tiên, in thành tập “Hà Tiên thập cảnh vịnh”. Cảnh đẹp thì nơi nào cũng có, nhưng cảnh đẹp mà được nhà thơ làm thơ vịnh, được phổ biến rộng rãi thì đẹp bội phần, nên mới đi sâu vào lòng người. Mạc Thiên Tích vịnh bằng thơ chữ Hán rồi lại làm thêm Hà Tiên Quốc âm thập cảnh vịnh bằng chữ quốc ngữ, thể song thất lục bát. Hãy đọc một đoạn bài vịnh đảo Kim Dự: Kim dự lan đào: Nhất đảo thôi ngôi diện bích liên/ Hoàng lưu kỳ thắng tráng Hà Tiên/ Ba đào thế tiệt đông Nam hải/ Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên. Bài Kim dự lan đào bằng quốc ngữ lại có đến 34 câu ngâm song thất lục bát và một bài thơ bát cú.

Nữ sĩ Mộng Tuyết (Lâm Thái Út) trong bài ký “Đường vào Hà tiên” viết: “Không biết Thiên thai có hay không? Nếu có, thì Thiên thai đẹp như thế nào? Chứ Hà Tiên quyết là Thiên thai của Út đó. Nhà thơ Đông Hồ đã lấy một thắng cảnh Hà Tiên trong Hà Tiên thập vịnh là Đông Hồ Ấn Nguyệt để đặt bút danh của mình. Và tài thơ của ông đã không hổ với danh thơm quê nhà.

Mạc Thiên Tích viết trong lời tựa tập thơ Hà Tiên thập vịnh: “Do đó biết núi sông nhờ được phong hóa của tiên quan mà thêm phần tráng lệ, lại được các danh sĩ phẩm đề mà thêm vẻ tinh tú. Thơ này chẳng những chỉ cho chốn ven biển thêm phần tươi đẹp, cũng là một trang sử của Hà Tiên vậy…”.

Đó là tấm lòng và ý chí hun đúc cho một Hà Tiên nên danh sông núi 300 năm và mãi mãi... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ba trăm năm Hà Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO