Ẩn mình chờ khách

VĂN CÔNG HÙNG| 18/12/2009 08:31

Từ 16 - 20/12, trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Buôn Ma Thuột có chủ đề “Huyền thoại voi” với những cuộc đua tài của voi, những triển lãm về loài vật này ở vùng Đông Dương.

Ẩn mình chờ khách

Từ 16 - 20/12, trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Buôn Ma Thuột có chủ đề “Huyền thoại voi” với những cuộc đua tài của voi, những triển lãm về loài vật này ở vùng Đông Dương. Thế nhưng không biết mấy con voi rừng lang thang nơi đâu, còn mấy con voi nhà vẫn loảng xoảng dây xích...

Nhơn Hòa là một xã của huyện Chư Sê, Gia Lai, dân không biết bắt voi, nhưng có nghề nuôi và thuần dưỡng voi. Đây là một làng voi nổi tiếng bởi chỉ có vài ba chục nóc nhà mà có trên dưới chục con voi.

Người Gia Rai Nhơn Hòa mua voi của người Ê Đê Buôn Đôn và của cả người Lào. Cứ nghe nói có người vừa bắt được voi rừng là họ cơm đùm cơm nắm sang mua, ba bốn nhà chung nhau một con chứ ít có con voi nào của riêng một nhà. Ngày xưa, người Nhơn Hòa nuôi voi để kéo gỗ. Và chúng tiếp tục kéo gỗ cho đến thời gian gần đây khi mà... rừng hết gỗ để kéo. Cũng may là du lịch phát triển.

Thời hoàng kim nhất của du lịch Gia Lai, Công ty Du lịch ký hợp đồng với các chủ voi, mở tour du lịch cưỡi voi luồn rừng. Món này hấp dẫn khách du lịch nước ngoài chứ người trong nước ít ham vì vừa đắt mà lại... mệt, người cưỡi mệt hơn voi đi vì kiểu xóc của cưỡi voi rất khó chịu - nó xóc ngang và cũng làm cho người cưỡi say như say sóng.

Ở Dăk Lăk thì Buôn Đôn đương nhiên là "vương quốc" của du lịch lưng voi. Nhưng đến nơi rồi thì thấy nó cũng không nhiều lắm, chỉ có năm sáu con bị buộc chân ở gốc cây, có khách thuê thì voi được cởi xích, đi một đoạn, quay lại, xuống, và hết.

Có một chuyện không giải thích nổi là không hiểu sao voi lại ghét người ngoại quốc: Trên đường chở khách, đoạn nào có đất tơi xốp là thò vòi quơ một nắm xả mù mịt lên lưng. Đây là một cách tắm của voi, nhưng chỉ khi không có người trên lưng. Nếu người Việt cưỡi thì không bao giờ có hiện tượng này. Người ta bảo voi kỵ mùi Tây. Một con voi nếu phục vụ du lịch thì có cả chục người phục vụ: Quản tượng, chăn, cắt cỏ, thuốc men...

Nếu không còn tour nữa, voi đói và người đói theo. Voi đói thì còn thả nó vào rừng tự kiếm ăn, chứ người đói thì phải bán voi thôi! Hai con voi đầu tiên của làng voi Nhơn Hòa được bán ngược sang Buôn Đôn. Con đầu đàn to nhất, khỏe nhất, thông minh nhất được thuê kéo một chiếc xe Kamaz chở đầy gỗ bị lầy. Sau mấy lần kéo thử không được, quản tượng đề nghị “sạc" bớt gỗ xuống, nhưng chủ gỗ không chịu, bảo nếu thế thì ra ngoài thuê xe cẩu luôn. Quản tượng cũng không dám vật nài vì lỡ nó bỏ ra ngoài thuê xe cẩu thật thì mất toi một khoản tiền, mà cả tháng nay lại chả có mối nào cho voi làm. Thế là cố.

Con voi như cũng hiểu lòng chủ và thương chủ. Nó bước vào lần cuối cùng với đôi mắt rất buồn nhưng có vẻ đầy quyết tâm. Nó nhún lùi nửa bước rồi giật ào tới cùng lúc với khói xe xịt mù mịt. Tiếng xe gầm lên rồi trườn qua bãi lầy. Con voi quặp đuôi kéo thêm một đoạn nữa. Khi chiếc xe mấy chục tấn bò qua được vũng lầy thì con voi từ từ gục xuống. Về sau, khi mổ xác voi, người ta thấy ruột nó đứt thành nhiều khúc. Nó đã cố hết sức cho đến đứt ruột!

Thế là mất ba con. Công ty Du lịch Gia Lai quyết định mua hai con voi để chờ thời. Có hai đơn vị du lịch nhỏ cũng mua hai con nuôi để cho khách chụp ảnh. Thế là voi Nhơn Hòa vãn hẳn. Bây giờ còn một hai con cứ thả trong rừng, đến Tết dắt về thành phố Pleiku cho mấy điểm du lịch sinh thái vườn trong phố với mấy ông thợ ảnh thuê. Mà trông những con voi này khi chúng vào phố đứng cho người ngắm và chụp ảnh thì chả... voi tí nào. Mắt thì toét nhoèn, gầy giơ xương, bụng hóp da nhăn, ruồi bâu không thèm đuổi, vòi thõng như mào gà tây, chả có tí nhuệ khí nào. Ấy là tôi nghĩ thế, chứ đối với dân Nhơn Hòa, có người hỏi thuê voi là mừng lắm.

Ở Buôn Đôn thì lâu lắm rồi có ai bắt voi nữa đâu, chỉ được bổ sung mấy con voi Bình Thuận hồi nào. Mà nó cũng chết gần hết rồi. Vừa rồi bắt được một chú voi con, mang ra cho đoàn xiếc Hà Nội chữa mấy năm trời không khỏi cái chân bị mủ, sau phải mời cả bác sĩ Tây hội chẩn rồi mổ nạo vết thương, nghe nói rất tốn kém. Cứ đứng vật vờ thế, đi lại vật vờ thế, chân xích loảng xoảng thế, voi tù túng, sinh bệnh mà chết là phải. Rồi còn bao nhu cầu nữa mà chỉ voi mới giải quyết được, tỉ như vào mùa động đực. Mùa động tình, voi đực voi cái thường kéo nhau vào những khu rừng rất xa, vắng vẻ, quần nhau nhiều ngày đêm liền, nát những khu rừng rộng lớn như vừa qua cơn bão mạnh...

Rồi còn đau ốm. Voi ở rừng chúng sẽ biết tự hái lá để chữa bệnh, còn ở khu du lịch thì voi được người chữa theo cách của người. Nếu cưỡi voi đi trong rừng thì thấy voi rất khôn, nó huơ vòi ra hai bên ngửi liên tục, gặp lá cây nào ăn được là nó cuốn vòi rất nhanh, vừa đi vừa nhai.

Bây giờ thợ săn voi lụt nghề, các chàng trai săn voi Buôn Đôn ngực nở bụng thon đùi ếch cởi trần đóng khố dũng mãnh xưa kia giờ hiền lành ngồi trên lưng voi bị xích, chỉ huy nó đi một trăm mét tới, quay lại, đi một trăm mét về chỗ cũ, quỳ xuống cho khách xuống, nếu có khách thì lặp lại chu kỳ ấy. Vua voi Ama Kông chuyển sang bán thuốc “hạnh phúc gia đình” và thu tiền người chụp ảnh mình và chụp ảnh với mình. Ông giúp cho khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh Dăk Lắk có giải thưởng với kiểu ảnh thổi tù và trước đầu voi...

Thế là ngày qua ngày, những con voi cứ ẩn mình chờ khách. Du lịch càng phát triển thì voi càng gắn chặt với sợi xích hơn. Trộm nghĩ, bỗng một ngày nào đó, du lịch Tây Nguyên không có voi thì sao nhỉ? Nhơn Hòa, Buôn Đôn không còn voi thì sao nhỉ? Người ta bảo, từ khi voi về ở với người, nó ít gầm hẳn đi. Ngày xưa, trong thăm thẳm rừng xanh, thi thoảng có tiếng voi gầm, hùng tráng và kiêu dũng, tự tin và đĩnh đạc, làm cho rừng thâm nghiêm và bí ẩn hơn, lớp lang chủ tớ rõ rệt hơn.

Ấy là voi nhà, còn chuyện voi rừng về phá làng phá rẫy cũng làm đau đầu các cấp chính quyền. Thực ra thì dân chả dám gọi là voi đâu, mà là "ngài", là "ông"... "Ngài" về Bình Thuận thì Bình Thuận tan hoang, tốn rất nhiều đô la mời các chuyên gia người Mã Lai sang "thỉnh" ngài lên Dắk Lắk. Ngài ghé Quảng Nam, Quảng Nam kêu cứu. "Ngài" ngự ở Gia Lai, Gia Lai tan tác...

Xã Ia Piơr, huyện Chư Prông cách thành phố Pleiku 80km, giáp với huyện Chư Sê của Gia Lai và Ia Hleo của Dăk Lăk có thời là tâm điểm của sự kiện... voi về.

Đất ở đây rất tốt, cây trồng chủ yếu của dân là ngô, xanh mướt. Rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp và le. Khi chúng tôi đến thì những rẫy ngô tươi tốt ấy đã tan hoang. Người ta có câu "voi hít bã mía" nhưng chắc người ta chưa thấy voi ăn ngô non thế nào. Đàn voi chừng 15 con, có hai con rất lớn, dấu chân có đường kính hơn 40cm đã ở đây gần nửa tháng, và chúng không có ý định rút.

Chúng tàn phá tất cả những gì chúng gặp, từ nương rẫy đến lều lán, nhà cửa, xoong nồi vật dụng. Dân mang chiêng trống, phèng la ra gõ, chúng phớt lờ. Ai đó phổ biến kinh nghiệm đốt lửa. Thế là hàng loạt đống lửa được đốt lên. Chúng điềm nhiên xông tới, bước qua đống lửa, lại còn thò vòi thổi. Đến nước này thì dân chạy.

Hồi voi về tàn phá Quảng Nam, một lãnh đạo tỉnh quá bức xúc trước việc dân của mình bị giày chết không toàn thây, đã đề nghị được bắn voi để cứu dân. Ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã nói đại ý: Chỉ có ở xã hội mông muội mới bắn thú hoang để cứu người. Còn xã hội văn minh thì con người phải tìm cách chung sống hòa bình với chúng...

Về chủ trương thì đúng là chúng ta đang "nâng như nâng trứng, hứng như hứng... voi", nhưng thực tế thì con người đang buộc voi phải nổi giận, buộc voi phải chống lại con người, coi con người là kẻ thù. Ấy là bởi con người đã tận diệt môi trường sống của chúng. Phá rừng là một cách, săn voi lấy ngà là một cách, và nhiều cách nữa, khiến chúng, vốn khá hiền lành, trở nên hung hăng.

Cũng chả biết mấy con voi rừng bây giờ thế nào, lang thang ở đâu, còn mấy con voi nhà vẫn loảng xoảng dây xích.

Hôm mới rồi, nhân Festival Cồng chiêng ở Gia Lai, ban tổ chức thuê mấy con voi đi tới đi lui đúng bốn vòng cho cả lễ khai mạc và bế mạc, thế là cả người lẫn voi lại có việc làm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ẩn mình chờ khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO