Ấm lòng cơm trưa 2.000 đồng

XUÂN LỘC/DNSGCT| 15/12/2012 02:38

Được mẹ cho 2.000 đồng tiền quà sáng, đứa trẻ tiểu học phụng phịu không muốn nhận. Ra chợ đưa 2.000 mua rau dưa, cô hàng rau tỏ ý khó chịu không muốn bán...

Ấm lòng cơm trưa 2.000 đồng

Được mẹ cho 2.000 đồng tiền quà sáng, đứa trẻ tiểu học phụng phịu không muốn nhận. Ra chợ đưa 2.000 mua rau dưa, cô hàng rau tỏ ý khó chịu không muốn bán. Nhìn thấy tờ 2.000 đồng rơi trên đường đi, một người có thể sẽ ngần ngại không muốn nhặt. Nhưng một người nghèo có thể mua một bữa cơm trưa với giá chỉ 2.000 đồng ở những “quán cơm 2.000” tại TP. Hồ Chí Minh.

Đọc E-paper

Cơm giá 2.000 – khách hàng vẫn là thượng đế

Chưa đến 11 giờ trưa, khâu chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ thực khách

Gần 11 giờ trưa, nhân viên quán cơm xã hội Nụ Cười (đường Hồ Xuân Hương, Q.3) gần như đã hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ các thực khách. Hơn 200 khay ăn đơm đầy cơm, mắm chưng, rau xào, được xếp ngăn nắp trên giá.

Dãy bàn dành cho người bị bệnh và người tàn tật bên phía tay trái đã đặt những khay ăn gồm cơm, thịt kho trứng và đậu hủ, rau xào và canh. Như thường lệ, người mua cơm đã ngồi đợi sẵn ở hai bên đường gần quán chờ đến đúng 11 giờ – thời điểm bắt đầu bán cơm.

Lối vào được ngăn đôi, phía bên trái là lối vào thoải mái dành cho người bị bệnh và người tàn tật. Phía bên phải, những người còn khỏe mạnh xếp thành hai hàng dài chờ mua vé và tự đến bếp lấy suất ăn của mình.

Quán Nụ Cười được thành lập từ tháng 10/2012, do Quỹ Tình thương TP. Hồ Chí Minh tài trợ, phục vụ từ thứ Hai đến thứ Bảy. Đặc biệt, thứ Năm quán bán hủ tiếu, bún hoặc phở với giá 1.000 đồng. Như một thói quen, không cần sự hướng dẫn của nhân viên, các thực khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng ngay ngắn từ trong quán ra ngoài đường chờ mua vé.

Khách ăn cơm thoải mái vì cơm đã chuẩn bị sẵn ở mỗi bàn

Một người lao động trẻ tuổi nhường vị trí của mình cho một cụ già đứng sau. Anh chàng phục vụ nhanh nhẹn cõng một người tàn tật từ ngoài cửa vào bàn ăn đã có sẵn khay cơm.

Khi những bàn trong quán đã kín người, mọi người vẫn im lặng đứng chờ khách phía trong ăn xong mới vào. Bàn tay người bán vé đặt nhẹ nhàng lên tay người khách đang cầm tờ 2.000 đồng như một sự chia sẻ, cảm thông.

Ngồi đầu dãy bàn giữa, chị Hiền bán đậu hủ ở đường Trần Quốc Toản, Q.3, vừa ăn vừa vui vẻ nói: “Trước đây, buổi trưa tôi chỉ dám ăn bánh mì hay xôi vì cơm trưa ở khu vực này rất mắc. Từ ngày có quán cơm Nụ Cười, tôi vừa được ăn cơm ngon vừa tiết kiệm được hơn 10.000 đồng”.

Vợ chồng chị Hiền từ Bình Thuận vào đây đã hơn hai năm. Hằng tháng, hai vợ chồng đi làm để dành dụm tiền gửi về nuôi hai con đang nhờ bà nội chăm sóc ở quê nhà.

Ngồi cùng dãy bàn với chị Hiền, chị Nga, đang chuyển bớt phần thức ăn của mình cho bà Mười ngồi cách chị một bàn. Cả hai đều là nhân viên tạp vụ tại một trường tiểu học ở Q. Bình Thạnh.

Niềm vui thể hiện trên khuôn mặt thực khách khi họ có nhiều thức ăn để chia sẻ cho nhau

Chị Nga cho biết: “Sáng nay bà Mười chưa ăn gì nên tôi chia bớt phần thức ăn của mình. Cơm trưa chỉ có giá 2.000 đồng nhưng thức ăn rất nhiều còn cơm thì được ăn thoải mái”.

Sau đó, chị và nhóm bốn người ngồi cùng vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Câu chuyện xoay quanh chuyện con cái, công việc dường như “dễ thở” hơn trong không khí mát mẻ của quán.

Ông Nam Đồng là một nhà báo nổi tiếng nay là chủ quán cơm Nụ Cười cho biết thành phần khách đến ăn cơm có khoảng 30% là người bán vé số, xe ôm, người nhặt ve chai, phụ hồ, 30% là học sinh, sinh viên, 25% là người bị bệnh, người tàn tật và thân nhân nuôi bệnh và 5% là các thành phần khác. Khách là người bị bệnh và người tàn tật bên dãy bàn đặc biệt được phục vụ khay ăn tận bàn và tận nơi thu tiền.

Ở thành phố này, ngoài quán cơm Nụ Cười thì còn nhiều nơi không cùng tên nhưng niềm vui thì lúc nào cũng hiện rõ trên khuôn mặt những thực khách, đó là quán Cơm 2.000 trên đường Ngô Quyền, Q.5 và Cơm 2.000 trên đường 281, Q.11.

Thực khách kiên nhẫn xếp hàng để mua vé

Hai quán này đều được một nhóm các thành viên của diễn đàn Người Tôi Cưu Mang (một diễn đàn từ thiện với khoảng 3.000 thành viên) và nhiều mạnh thường quân khác tài trợ. Quán Cơm 2.000 đường 281 thành lập vào tháng 8-2008, phục vụ vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần. Đây là quán cơm bán với giá 2.000 đồng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh.

Khi mới thành lập, quán hoạt động trên một mặt bằng thuê lại ở đường số 3, cư xá Lữ Gia, Q.11, chủ yếu phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên. Về sau, quán mở rộng phục vụ cho tất cả các đối tượng khó khăn.

Cách đây hơn một năm, do phải trả lại mặt bằng nên suốt ba tháng liền, hơn mười thành viên bán quán cơm phải chuẩn bị cơm trong hộp giấy và đứng bán ngay trên đường gần nhà thờ Tân Phước (Q.11). Ông Hai, chạy xe ôm ở nhà thờ này cho biết: “Giai đoạn đó, có những buổi trưa trời mưa, tôi vẫn mua được cơm hộp 2.000 đồng do nhân viên quán vừa cầm dù vừa bán trên đường.

Lượt khách đến sau đứng chờ lượt khách bên trong quán ăn xong mới vào

Những người chạy xe ôm chúng tôi rất cảm động khi nhận suất cơm này”. Đến nay, quán đã ổn định trên một con hẻm ở đường 281, phục vụ khoảng 450 suất cơm/buổi.

Quán Cơm 2.000 trên đường Ngô Quyền, Q.5 thành lập vào tháng 9/2009, phục vụ các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần. Quán do anh Nguyễn Hồng Ánh điều hành, phục vụ khoảng 400 suất cơm/ngày.

Cứ đúng 11 giờ trưa, người đến ăn cơm xếp thành một hàng dài từ ngoài ngõ vào trong quán. Hai quán Cơm 2.000 này đều dự trữ nhiều thùng mì gói để phục vụ cho những người đến muộn. Đôi khi nhân viên quán còn phải chạy đi mua thêm cơm cho những người khách tàn tật.

Những tấm lòng thầm lặng

Mọi người thường biết đến người đưa ra ý tưởng về quán Cơm 2.000 ở đường 281 và Ngô Quyền là Maianh (tên trên diễn đàn Người Tôi Cưu Mang) chứ ít ai biết mặt chị.

Bữa cơm giá 2.000 đồng đảm bảo vệ sinh và chất lượng

Người quản lý quán cơm đường 281 cho biết: “Cô ấy không muốn ai biết về mình để tránh làm những người mua cơm phải bận tâm”. Còn anh Nguyễn Hồng Ánh, từng là một doanh nhân nay là bếp trưởng quán cơm Ngô Quyền thì nói: “Cứ gọi chúng tôi là Nhóm bạn bè 6X. Quán cơm 2.000 được xây dựng trên tập thể và hoạt động nhờ vào tập thể nên chúng tôi thường không dùng tên từng cá nhân”.

Thông tin các quán cơm này thường là do truyền miệng được giới thiệu qua trang web. Thấy được mục đích, ý nghĩa của quán, nhiều người đã tự nguyện đến xin làm người chạy bàn, phụ bếp, nấu ăn, giữ xe… Dễ nhận thấy nhất là nụ cười thường trực và mồ hôi ướt đẫm vai áo của những người phục vụ.

Trong số đó không chỉ có sinh viên, học sinh mà còn có chủ một doanh nghiệp xây dựng, giám đốc công ty nội thất, dược sĩ, giáo viên tiếng Anh, tài xế và cả một cô bé lớp tám, được mẹ chở đến giúp lau bàn, rửa chén mỗi ngày.

“Với địa vị của họ (tình nguyện viên) trong xã hội thì thường ngày, họ vẫn được nhiều người phục vụ. Thế nhưng họ vẫn nhiệt tình đến đây, sẵn sàng xắn tay áo lên phục vụ những người lao động nghèo và cõng trên lưng những người bị bệnh không có khả năng đi lại”, ông Nam Đồng nói.

Quán Nụ Cười nằm ở trung tâm Q.3, nơi những bữa cơm trưa bán với giá không dưới 20.000 đồng

Những người đóng góp tiền bạc, thực phẩm đều thực hiện một cách thầm lặng. Quán Nụ Cười cho biết quán vừa mới được phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ủng hộ 50 triệu đồng.

Hỏi ra mới biết, số tiền này được chuyển qua tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị một cách lặng lẽ và chuyến đi của phu nhân cũng không được thông báo trước. Kể về những mạnh thường quân khác, ông Nam Đồng cho biết: “Trước đây tôi đã từng nghe về nhiều cách làm từ thiện khác nhau nhưng chưa bao giờ được chứng kiến những trường hợp cảm động đến thế”.

Rồi ông kể, cách đây gần một tháng, một người Việt tuổi trung niên từ nước ngoài về thăm nhà đã đưa đến một xe chất đầy bột ngọt, đường, nước mắm… trị giá khoảng 12 triệu đồng. Ngay sau đó, quán phải dựng một chiếc kệ sắt phía trước để sắp xếp lô hàng này.

Một thầy giáo ngoài 30 tuổi mang đến quán một bao thư to đựng những tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng, tổng cộng hơn 2 triệu đồng. Anh cho biết: “Đây là số tiền tập thể lớp 5A kính tặng quán Nụ Cười”, hỏi trường nào thì anh ấy chỉ cười không nói.

Hàng dự trữ do một mạnh thường quân ủng hộ quán Nụ Cười

Một cô bé lớp tám đưa cho ông 200.000 đồng và nói: “Mỗi ngày mẹ cho con 20.000 đồng ăn trưa, con ăn ở đây chỉ tốn 2.000 đồng, 3.000 đồng chi phí cho dụng cụ học tập, nay con đã để dành được 200.000 đồng ủng hộ quán”.Được biết, hằng tháng, quán cơm đường Ngô Quyền và 281 đều được một khoản đóng góp đều đặn từ những người trên diễn đàn Người Tôi Cưu Mang và nhiều mạnh thường quân trên cả nước.

Còn quán cơm Nụ Cười thì từ lúc khai trương quán đến nay, quán hầu như chỉ sử dụng nguồn tài trợ chứ chưa phải sử dụng quỹ riêng do chủ quán chuẩn bị. Hơn nữa, gạo được đóng góp nhiều quá, quán còn chia sẻ bớt với những quán cơm từ thiện khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Nhân viên quán cơm Nụ Cười đang chuẩn bị thức ăn cho thực khách

Trao bữa cơm từ thiện để lan tỏa lòng nhân ái

Thực tế, chi phí cho các suất cơm ở quán cơm nói trên là từ 12.000-15.000 đồng/suất. Thức ăn được bảo quản sạch sẽ, các khâu chế biến được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên thực khách an tâm khi bước chân tới quán.

Ngoài phần ăn chính như một món mặn cá, thịt, hoặc trứng còn có canh, rau. Bên cạnh đó còn có thêm phần trái cây tráng miệng là rau câu, thanh long, hoặc chuối, thực khách được phục vụ chu đáo như thượng đế.

Với nguồn tài trợ hiện tại, những quán cơm 2.000 hoàn toàn có thể cấp phát miễn phí. Tuy nhiên, các quán cơm này đều quyết định bán với giá 2.000 đồng/suất để thể hiện sự tôn trọng đối với người ăn.

Anh Hồng Ánh cho biết: “Dù nghèo khó đến đâu, con người cũng có lòng tự trọng. Tôi đã từng gặp những người bán vé số không nhận tiền cho thêm bao giờ. Vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều để đưa ra mức giá 2.000 đồng, vừa không gây khó khăn cho người nghèo mà người ăn cũng không cảm thấy mặc cảm”.

Một người Việt ở nước ngoài về thăm nhà thường xuyên đến ủng hộ quán Nụ Cười

Cùng suy nghĩ như vậy, ông Nam Đồng cho biết: “Dù chỉ mua bữa cơm với giá 2.000 đồng nhưng họ nghiễm nhiên trở thành một khách hàng của quán và được đối xử như thượng đế. Điều đó khiến họ ăn bữa cơm ngon hơn và có quyền phàn nàn khi không được phục vụ tốt”.

Hình thức bữa cơm giá 2.000 đồng dường như có sự tương đồng với nghệ thuật gói quà Furoshiki truyền thống của Nhật Bản. Người Nhật thích tặng quà và món quà thường không cần phải đắt tiền nhưng được gói cẩn thận và đẹp mắt trong một tấm vải nhiều màu.

Hình thức gói quà này thể hiện sự trân trọng tình cảm mà món quà chứa đựng. Bữa cơm 2.000 đồng cũng vậy, không chỉ là một bữa ăn ngon mà còn là cách người thực hiện trao cho những người khó khăn hơn cả tấm lòng, tình cảm của mình.

Một số người vui miệng đã ví những người làm quán cơm 2.000 là “Zorro thời hiện đại”. Trong tiểu thuyết, nhân vật Zorro (anh hùng giấu mặt huyền thoại của Mỹ) thường đánh cắp của cải người giàu để chia cho người nghèo.

Thời nay, những người làm quán cơm 2.000 là cầu nối để người có tiền bạc, sức khỏe chia sẻ cái mình có với người khó khăn một cách tự nguyện.

Khá nhiều sinh viên, học sinh tình nguyện đến làm nhân viên phục vụ và rửa bát đĩa cho quán Cơm 2.000 trên đường Ngô Quyền, Q. 5, TP. Hồ Chí Minh

Người đến ăn có thể nghèo đói thường xuyên hoặc trong một lúc túng quẫn nhất thời. Chủ quán và nhân viên đều không cần kiểm tra xem khách đến ăn có thật sự khó khăn hay không.

Có những khách đến ăn thường xuyên và có những người đã vượt qua giai đoạn gian khổ nhường lại phần cơm của mình cho người khác. Một số người khi trở lại ăn cơm thường mang theo một túi gạo hay mấy trăm ngàn đồng ủng hộ cho quán.

Dường như bữa cơm 2.000 đồng đã làm lan tỏa những tấm lòng nhân ái giữa người với người để người nghèo còn tin tưởng rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt. Ông Nam Đồng chia sẻ: “Làm quán cơm này rồi, tôi nhận ra trong cuộc sống thường nhật có rất nhiều người tốt và sẵn sàng chia sẻ với người khác. Họ như một mạch nước ngầm vậy, chỉ cần khơi đúng mạch thì chúng ta có lực lượng giúp đỡ xã hội vô cùng lớn. Đồng thời khi tình yêu thương và lòng nhân đạo lan tỏa thì xã hội chúng ta sẽ dần xóa đi tệ nạn cướp bóc, giết người… như hiện nay”.

Người bị bệnh được phục vụ cơm và thu tiền tận bàn

Mới đây, trên diễn đàn Người Tôi Cưu Mang, một thành viên ở Bình Dương đã có sáng kiến về việc nhân rộng quán cơm 2.000 đồng ra toàn quốc. Anh cũng đã xây dựng kế hoạch để vừa xây dựng ngày càng nhiều quán cơm 2.000 đồng trên cả nước vừa đưa thương hiệu cơm 2.000 đến với mọi người.

Nhưng ban chủ nhiệm diễn đàn nhất định từ chối vì cho rằng quán cơm 2.000 là biểu tượng của tình thương chứ không phải là một doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xã hội.

Quán cơm không chỉ để giúp được càng nhiều người nghèo càng tốt mà chú trọng hơn đến việc lan tỏa tình thương, giúp mọi người có niềm tin vào lòng nhân ái. Bởi vì hạnh phúc đích thực có được khi mang lại niềm vui cho người khác mà không phải trả thêm một khoản phí nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấm lòng cơm trưa 2.000 đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO