Nghẹt thở vỡ òa... trên cánh dù

XUÂN ANH| 23/06/2012 06:11

Dù lượn được xem là môn thể thao của giới trẻ thích chinh phục độ cao và mạo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, môn thể thao này đã và đang khiến nhiều người “lớn hơn giới trẻ”, trong đó có một số không ít là doanh nhân, chú ý đến.

Nghẹt thở vỡ òa... trên cánh dù

Dù lượn được xem là môn thể thao của giới trẻ thích chinh phục độ cao và mạo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, môn thể thao này đã và đang khiến nhiều người “lớn hơn giới trẻ”, trong đó có một số không ít là doanh nhân, chú ý đến.

Đọc E-paper

Cứ ngỡ đấng mày râu chiếm trọn diễn đàn này nhưng thực tế, chị em phụ nữ cũng rất “máu me” với trò chơi này. Doanh Nhân Sài Gòn trò chuyện với chị Huỳnh Mỹ Linh, nữ phi công của môn dù lượn vừa đoạt giải “Hạ cánh chính xác dù lượn” ở núi Hoàng Trường - Thanh Hóa.

Cùng với bay khinh khí cầu, dù kéo, diều lượn, dù lượn là những môn thể thao bầu trời được nhiều người ưa thích.

Những tên tuổi của làng dù lượn ở Việt Nam phải kể đến như: Long Loco, Tạ Văn Tuấn, Lưu Minh Hoàng Sơn, Lưu Hoàng Hà, Phạm Quang Tuấn, Đặng Thành Chung, Long Hoàng, Nguyễn Việt Hà... và một nhân vật luôn có mặt trong mỗi lần bay cùng các anh, đó là chị Huỳnh Mỹ Linh.

Lần gần đây nhất tại giải “Hạ cánh chính xác dù lượn” ở núi Hoàng Trường - Thanh Hóa (từ 1-3/ 6), chị là phi công nữ duy nhất tham dự và giành giải nhì.

Nữ phi công đầu tiên của đội Vietwings Sài Gòn

Làm quen với dù lượn từ năm 2004, thời điểm đó dù lượn vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là nữ. Chị đã từng vác ba lô từ Sài Gòn lên đỉnh Langbiang bay một mình trên núi. Gắn bó với môn thể thao này trong suốt nhiều năm, với nhiều giải đấu quốc tế, ở nhiều nước trên thế giới như: Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Nepal...

Đội Vietwings Sài Gòn của chị những ngày đầu chỉ có 8 người, trong đó 7 người là nam. Vì là nữ duy nhất nên mỗi lần đi bay chị luôn đảm nhận thêm vai trò hậu cần, lo chuyện ăn uống cho cả nhà.

Đội thường tranh thủ đi bay vào những ngày cuối tuần, di chuyển từ Sài Gòn ra Phan Thiết, hay lên Đà Lạt. Đi trong đêm và về cũng trong đêm, thường thì tối thứ Sáu sẽ đi, đến địa điểm bay là sáng thứ Bảy, dựng trại, ăn uống, gặp lúc thời tiết tốt là bay luôn...

Tối chủ nhật cả đội sẽ rồng rắn trở về Sài Gòn để kịp sáng thứ Hai làm việc. Thói quen này cho đến nay vẫn được duy trì trong nhiều đội nhóm của Vietwings.

Ngày đầu làm quen với dù lượn chị phải học 6 tháng mới có thể cất cánh bay được vì rất nhiều lý do như kỹ thuật, thời tiết... Có khi cả đội vác ba lô đi bay rồi nhưng thời tiết lại làm gián đoạn, phải nằm trong lều ăn và ngủ.

Là nữ duy nhất trong đội Vietwings Sài Gòn cũng là một lợi thế, vì chị luôn được các anh quan tâm, lo lắng, giúp đỡ trong quá trình tập luyện và đi bay.

Nhớ lại những lần vác ba lô lên núi bị trượt ngã gãy chân, rồi do thời tiết xấu chưa kịp tiếp đất lại đáp trên ngọn cây, anh em trong đội phải trèo lên mới có thể đưa chị xuống... người ngoài nghe kể, hay nhìn vào đều thấy ái ngại cho chị nhưng điều đó vẫn không làm giảm đi niềm đam mê của chị với bộ môn dù lượn, ngược lại chị xem đó là những bài học, giúp mình cất cánh, tiếp đất tốt hơn cho chuyến bay sau...

Vì thế, cái tên Huỳnh Mỹ Linh đã trở nên nổi tiếng trong làng dù lượn Việt Nam về kỹ thuật, phong cách sống, nhiệt tình chơi hết mình bằng lòng can đảm và tinh thần trách nhiệm.

Đi bay là để thả hồn với gió núi mây trời

Trong mắt mọi người, từ trước đến nay dù lượn vẫn là môn thể thao mạo hiểm, không an toàn, nhưng khi bạn đã được học tất cả các kỹ năng cần thiết để cất và hạ cánh thì đó lại là một môn thể thao rất an toàn, nhất là với các phi công nữ, chị Huỳnh Mỹ Linh cho biết.

Phi công nữ học lý thuyết thường tiếp thu chậm hơn so với nam giới, nhưng trong khi bay lại rất tuân thủ nguyên tắc, ít khi mạo hiểm và rất kiên nhẫn..., đây là một ưu điểm nhỏ “dễ thương” mà phi công nữ có phần nổi bật hơn phi công nam trong lĩnh vực dù lượn.

Lý giải về niềm đam mê của mình, chị chia sẻ, nếu như có người thích lên rừng, xuống biển để thám hiểm thế giới thì với chị, tham gia chơi bộ môn dù lượn này như một hoạt động giải trí.

Chính những lúc đi bay là khoàng thời gian chị được đi chơi, thư giãn, gặp gỡ mọi người, biết thêm nhiều câu chuyện và điều quan trọng là được leo lên các đỉnh cao rồi phóng mình vào khoảng không lộng gió, bay như những cánh chim trời thả hồn với gió núi mây trời.

Đi bay cùng con

Phụ nữ Việt Nam phần lớn khi có gia đình, con cái rồi sẽ phải gác lại nhiều thú vui, sở thích riêng của mình. Với chị thì khác, chị vẫn duy trì, dung hòa những thói quen, sở thích của mình cùng với con để được bay lượn.

Những buổi chiều cuối tuần, hai mẹ con chị Linh đều đặn có mặt tại “điểm tập kết”. Lúc con trai Khoai Tây mới 4 tháng tuổi, chị đã cùng con ra Phan Thiết dựng lều cắm trại để đi bay..., 6 tháng thì lên đỉnh Langbiang... Từ đó đến nay, trong mỗi hành trình bay của chị, mọi người trong đội đã rất quen với sự có mặt của thành viên nhỏ xíu này.

Chị nói, ngày trước, mỗi lần đi bay về chị lại có thêm nguồn sinh khí mới để tiếp tục hăng say làm việc và chờ đợi những chuyến bay tiếp theo... Còn bây giờ, niềm vui của chị là Khoai Tây sẽ biết thêm nhiều điều trong mỗi chuyến đi bay cùng mẹ.

Chúng ta cùng bay

Dù lượn Việt Nam có từ bao giờ?

Dù lượn Việt Nam (Vietwings) được thành lập năm 2002, do Phạm Duy Long (Loco) khởi xướng. Sau nhiều năm bay đơn độc anh đã có những người cùng đam mê bầu trời với mình qua CLB này.

Dù lượn đơn giản chỉ là một chiếc cánh, người bay sẽ dùng chuyển động của dù trong dòng không khí tạo ra lực nâng không khác gì đôi cánh của loài chim trời. Nó hoàn toàn khác với các hình thức bay lượn khác mà nhiều người đã từng biết trước đây (bay khinh khí cầu, dù kéo, diều lượn).

Ai sẽ bay được dù lượn?

Học dù lượn không khó. Theo anh Phạm Quang Tuấn, huấn luyện viên CLB dù lượn Hà Nội, người bay chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn bay, luật bay, theo sát sự điều khiển của các huấn luyện viên.

Đến với môn này, người chơi phải có lòng đam mê chinh phục bầu trời. Mọi người đều có khả năng trở thành phi công và quá trình huấn luyện, bay mới “phê”.

Vì sao dù lượn được nhiều người yêu thích?

Hiện nay trong cả nước có khoảng hơn 80 phi công dù lượn. Các học viên đến với CLB Vietwings Hà Nội từ những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: kinh doanh, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư, kiến trúc sư, hướng dẫn viên du lịch, sinh viên, tất cả đều có chung một niềm đam mê là độ cao và bầu trời.

Khi được hỏi điều gì làm các bạn say mê môn thể thao này đến thế, tất cả đều trả lời: “bạn hãy thử cảm giác mình được là cánh chim bay giữa trời một lần xem sao”.

Những thiết bị khi chơi dù lượn cần phải có

Các thiết bị gắn liền với người phi công dù lượn gồm: dù, dù phụ, đai, mũ, giày. Ngoài ra còn các thiết bị như radio, định vị…, người chơi dù có thể sắm từ từ.

Giá trung bình của một bộ dù lượn hiện nay khoảng từ 3.000-5.000USD. Mỗi bộ dù lượn thường bay được khoảng 250-300 giờ nắng. Sau thời gian này các phi công nên nghĩ đến việc thay dù mới.

Điều kiện gia nhập VietWings và tham gia khóa học dù lượn

Có thể tham khảo thêm thông tin tại địa chỉ:
www.vietwings-hpg.com, hoặc Facebook: Vietwings Hanoi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghẹt thở vỡ òa... trên cánh dù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO