Huyền thoại hip-hop Russell Simmons và triết lý sống "kiểu yoga"

18/02/2017 06:42

Sự mâu thuẫn với Giấc mơ Mỹ” là cách mà Russell Simmons – doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, người được mệnh danh là “huyền thoại hip-hop”– miêu tả về vị đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Huyền thoại hip-hop Russell Simmons và triết lý sống

Nguồn: AP

Không còn thiện cảm với ông Trump

Cách đây nhiều năm, Simmons từng ngồi cùng với Donald Trump trong phi cơ riêng của vị tỷ phú bất động sản này, nhưng hiện tại, họ không còn mấy "thân thiện" với nhau.

“Ông trùm” hip-hop 59 tuổi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phá hỏng những nỗ lực của các nhà hoạt động xã hội trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Đây là mối quan tâm lớn của Russell Simmons vì ông là Chủ tịch Foundation for Ethnic Understanding – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm mục đích tăng cường sự hòa hợp chủng tộc và tôn giáo.

“Donald Trump nghĩ rằng ông ấy đang thực hiện một “cuộc cách mạng” để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng đó thật ra lại là một cách để đẩy mạnh sự phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa chống Hồi giáo và bài Do Thái”, Russell Simmons nhận định trong cuộc phỏng vấn với CNNMoney cho chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York” vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Những động thái của ông Trump ở vài tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đặc biệt là việc ra sắc lệnh hạn chế nhập cư, càng tô đậm thêm mối quan tâm của Simmons.

Ngoài Russell Simmons, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn là Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Mickey Drexler – CEO J. Crew, Howard Schultz – CEO Starbucks và Ursula Burns – Chủ tịch, cựu CEO Xerox. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.

Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.

Ở nhiều nơi trên nước Mỹ, "giấc mơ Mỹ" đã bị đánh mất?

Simmons lớn lên tại vùng ngoại ô Hollis, thuộc quận Queens, thành phố New York. Phần lớn người dân nơi đây là người Mỹ gốc Phi và tầng lớp trung lưu. Ông mô tả nó như một “cộng đồng đi lễ nhà thờ”. Cha mẹ ông đều là những người rất chú trọng các giá trị gia đình.

Tuy nhiên, sự bùng phát vấn nạn heroin ở thành phố New York vào những năm 1970 – 1980 đã dẫn đến nhiều hệ lụy như bạo lực và thương vong. “Nơi này từng là ‘thủ đô heroin’. Lúc đó, ‘văn hóa trại giam’ đã lấn át đi ‘văn hóa nhà thờ’”, Russell Simmons nói.

Ghé thăm khu phố thời thơ ấu, Simmons hồi tưởng lại một một bức tranh ảm đạm: ông từng chứng kiến một bạn học sử dụng heroin vào năm lớp 8, nhiều bạn bè bị vào tù hoặc chết, ông cũng từng bị bắt vì tội buôn bán cần sa khi ở tuổi thiếu niên.

Ngôi nhà Russell Simmons sống thời thơ ấu cách không xa Run-DMC JMJ Way - giao lộ được đặt tên theo nhóm nhạc hip-hop Run-DMC do chính ông "đỡ đầu"

Ngôi nhà Russell Simmons sống thời thơ ấu cách không xa Run-DMC JMJ Way - giao lộ được đặt tên theo nhóm nhạc hip-hop Run-DMC do chính ông "đỡ đầu"

Russell Simmons trao đổi với phóng viên CNNMoney khi đang đứng ở giao lộ 205th Street và Hollis Avenue. Vào năm 2009, góc đường này đã được đặt tên là Run-DMC JMJ Way, dựa theo tên của nhóm nhạc hip-hop Run-DMC. Russell Simmons chính là người “đỡ đầu”, đưa danh tiếng của ban nhạc huyền thoại này lan rộng khắp nước Mỹ. Một trong 3 thành viên của Run-DMC chính là Joseph Simmons (nghệ danh Run) – em trai của Simmons.

Russell Simmons tìm thấy nguồn cảm hứng hip-hop khi đang học tại trường Đại học Thành phố New York (City College of New York). Ông nhận ra việc quảng bá cho các câu lạc bộ và những người chơi nhạc “vui hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn” so với… buôn bán ma túy. Từ đó, ông đã đồng sáng lập ra hãng đĩa hip-hop Def Jam Recordings (năm 1983), tạo ra nhiều dòng sản phẩm thời trang như Phat Farm, Argyleculture, Tantris… và trở thành Chủ tịch kiêm CEO Hãng truyền thông Rush Communications (năm 2009).

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện tại, cách trò chuyện của Russell Simmons được CNNMoney mô tả là giống như một “tín đồ” môn yoga hơn là một “ông trùm” trong làng nhạc. Ông thường trích dẫn những triết lý sống như “nhu cầu là cội nguồn của đau khổ”.

russell-simmons-doanhnhansaigo-8134-9699

Tuy thích cuộc sống yên bình, tĩnh tại nhưng hiện nay, Simmons cho biết vẫn không thể không bày tỏ sự quan tâm đến một hiện trạng mà ông thường nhìn thấy, đó là sự thiếu hy vọng nơi những người trẻ.

“Mọi người nên có cơ hội để đạt đến bất kỳ điều gì. Chúng ta nên được tiếp cận với giáo dục và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, Russell Simmons khẳng định và thừa nhận rằng nước Mỹ đang phải đối diện với sự bất bình đẳng lớn. Theo ông, hệ quả của việc này là “Giấc mơ Mỹ đã bị đánh mất tại nhiều nơi trên đất nước này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huyền thoại hip-hop Russell Simmons và triết lý sống "kiểu yoga"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO