Hàng hiệu thời suy thoái

06/06/2009 09:02

Thời kinh tế thế giới suy yếu trầm trọng, chắc các nhà sản xuất-kinh doanh thời trang cao cấp sẽ bị lỗ nặng và có nguy cơ phá sản? Không phải thế đâu, vì giới sành điệu có thể “mua ít hơn nhưng tiêu nhiều tiền hơn”.

Hàng hiệu thời suy thoái

Thời kinh tế thế giới suy yếu trầm trọng, chắc các nhà sản xuất-kinh doanh thời trang cao cấp sẽ bị lỗ nặng và có nguy cơ phá sản? Không phải thế đâu, vì giới sành điệu có thể “mua ít hơn nhưng tiêu nhiều tiền hơn”.

Một năm khó khăn?

Gần cuối tháng 4/2009, Công ty Kinh doanh Thời trang Valentino Fashion Group (VFG) thông báo tổng doanh thu năm 2008 tăng 3% và nhận định rằng doanh thu năm 2009 sẽ “khó mà dự kiến được trong tình hình đầy thử thách hiện nay”. Nhưng ít nhất là VFG đã có lý do để mừng vì kinh tế Mỹ và châu Âu đã rơi vào suy thoái từ năm ngoái, vậy mà doanh thu vẫn đạt 2,21 tỷ euro (khoảng 2,87 tỷ USD).

Tuy nhiên lợi nhuận cũng đã giảm đến 7%, còn 248,3 triệu euro (khoảng 322,8 triệu USD). VFG là một trong những “đại gia” trong lĩnh vực thời trang hàng đầu thế giới với các thương hiệu rất được giới sành điệu ưa thích, từ Valentino, Hugo Boss đến Marlboro Classics, M Missoni. Từ năm 2008, VFG còn sở hữu 45% cổ phần vốn của nhà thời trang Proenza Schouler mới nổi lên ở New York, một trong bốn cái nôi thời trang cao cấp của thế giới (ba cái nôi còn lại là Paris, Milan và London).

Nhà Ermenegildo Zegna cũng có tin vui. Thương hiệu áo quần thời trang nam sang trọng và đắt tiền này mới đây được Luxury Institute ở New York dành cho danh hiệu “Xuất sắc nhất trong những thương hiệu thời trang xuất sắc nhất toàn cầu”. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà Zegna đạt được danh hiệu cao quý này, qua kết quả cuộc thăm dò người tiêu dùng hàng hiệu cao cấp mang tên 2009 Luxury Brand Status Index (LBSI).

Chẳng phải bất cứ ai cũng là đối tượng thăm dò. Luxury Institute đã chỉ hỏi ý kiến của 608 người đàn ông Mỹ thuộc nhóm những cá nhân giàu có (high-net-worth individuals) với thu nhập trung bình 346.000USD/năm và giá trị tài sản trung bình 3,8 triệuUSD. Nhà thời trang nam cao cấp Ermenegildo Zegna có xuất xứ từ Ý vào nửa sau thế kỷ XIX khi ông Angelo Zegna, một nhà chế tạo đồng hồ
quyết định mở cơ sở dệt len.

Ông có 10 người con nhưng chỉ có chàng trai Ermenegildo, sinh năm 1892, là người tiếp nối sự nghiệp của bố. Sau đó, vào những năm 1960, đến lượt hai con trai của ông là Angelo và Aldo đã phát triển cơ sở dệt len của ông nội thành một công ty thiết kế và kinh doanh áo quần thời trang nam lừng danh thế giới. Trong thương hiệu Ermenegildo Zegna còn có thêm nhiều thương hiệu phụ. Đó là Ermenegildo Zegna Collection (gồm có Couture, Sartoria và Upper Casual); Made-to-Measure; Z Zegna; Zegna Sport; Intimo và Zegna Accessories. Sản phẩm của nhà này hiện được bày bán ở 501 cửa hàng, trong đó có 198 cửa hàng được quản lý trực tiếp bởi gia đình Zegna.

Năm 2009 cũng được xem là một năm khó khăn cho PPR, một tập đoàn đa quốc gia Pháp sở hữu nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, từ Gucci đến Puma, nếu xét về “biến cố” tỷ phú Francois- Henri Pinault, chủ tịch kiêm tổng giám đốc, bị khoảng 50 nhân viên vây kín khiến ông bị kẹt cứng trong taxi suốt một tiếng đồng hồ để phản đối ý định đóng cửa hai cơ sở sản xuất thời trang cao cấp và sa thải một số lao động.

Từ “hào nhoáng” chuyển sang “deluxe bền vững”...

Cách đây vài năm, Stella McCartney, con gái rượu của “Con bọ” Paul McCartney, là một trong những nghệ nhân thiết kế thời trang khôn ngoan thực hành phong cách “thời trang bền vững”, tránh phô trương se sua, hào nhoáng quá đáng và lãng phí. Cô đưa những loại vật liệu, phụ kiện đơn giản, sản xuất ở từng địa phương bởi những thợ thủ công với chi phí rẻ vào các mẫu áo quần thời trang thiết kế cho thương hiệu Gucci.

Và cô đã thành công trước sự ngỡ ngàng của giới chuyên ngành. Bây giờ cô còn là chủ sở hữu một thương hiệu riêng, có giá trị
cao. Đó là Stella. Nay là thời kinh tế suy thoái đi kèm với thực tế ngày càng có nhiều người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm mà họ ăn, uống, mặc, mang, đội… phải là những sản phẩm không gây tác hại đến môi trường cũng như không quá bóc lột sức lực của giới lao động.

Cho nên cụm từ “thời trang deluxe bền vững” (sustainable luxury) xuất hiện nhiều hơn ở các nước công nghiệp thời trang phát triển, từ Ý, Pháp đến Mỹ, Anh và lan xuống Brazil, qua Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông. Và vì thế có thể nói rằng thông điệp mà các nhà kinh doanh thời trang cao cấp gửi đi đã được đổi từ “Bạn hãy tự thưởng mình với món hàng đắt tiền này” sang “Trái đất không thể cho phép bạn tiêu xài ít đi”.

Chính ông Francois-Henri Pinault đưa ra nhận định này. Và Anna Zegna, nữ giám đốc phụ trách quảng bá hình ảnh, phong cách
thời trang của nhà Ermenegildo Zegna Group, cũng phải công nhận bây giờ là “thời hoàng kim của thời trang chậm”. Không còn chuyện mua thật nhiều áo quần, giày dép hàng hiệu đắt tiền và rồi quên béng chúng chỉ sau một, hai lần sử dụng. Bây giờ, mỗi
khi chưng diện, người ta phải nhớ đến công sức của người lao động đã bỏ ra và vì thế phải biết tôn trọng, săn sóc, bảo quản các sản phẩm thời trang đắt tiền đã mua.

Nhà Zegna nay còn là một mạnh thường quân tài trợ chương trình xây giếng nước sạch ở các miền đồi núi Mông Cổ, Peru - những nơi sản xuất các loại len cashmere, vicuda làm chất liệu cho sản phẩm Zegna.

… Và trở về “cội nguồn”

Kinh tế suy thoái, người giàu giảm chi tiêu, người siêu giàu, để tránh sự dè bỉu, chê trách của dư luận, phải chi tiêu chừng mực và kín đáo hơn. Dĩ nhiên họ vẫn có được cảm giác thú vị khi chọn áo quần để mặc. Nhưng thay vì ngày nào cũng đi shopping, thấy bất cứ vật gì vừa mắt cũng mua thì bây giờ họ giảm số lần mua hàng.

Và đây chính là thời cơ cho các thương hiệu thời trang cao cấp tiến hành cuộc trở về với cội nguồn cốt lõi mà tiếp tục đảm bảo được mức “vốn” giá trị thật của mình, ông Nick Foulkes, một nhà phê bình thời trang rất có uy tín mới đây nhận định như vậy trong tuần báo Newsweek của Mỹ.

Theo Foulkes, trước khi trở thành một thương hiệu thời trang deluxe thì Louis Vuitton (LV) là một nhà sản xuất vali ở Paris hồi thế kỷ XIX. Nhưng theo dòng thời gian, LV được gắn lên đủ các loại sản phẩm thời trang mà bán với giá rất cao ở rất nhiều cửa hàng trên thế giới.

Vậy mà gần đây, LV đã phải trở về với cội nguồn của mình. Những vali, túi xách bằng da được thấy đặt bên cạnh những ngôi sao lừng danh thế giới, từ nữ hoàng điện ảnh Pháp Catherine Deneuve qua nguyên tổng thống Nga Mikhail Gorbachev, cặp vợ chồng cựu vô địch sân quần vợt Steffi Graf và André Agassi, bố con đạo diễn Mỹ gốc Ý Francis Ford và Sofia Coppola đến tài tử lão làng người Xứ Wales Sean Connery.

Foulkes cũng nhắc đến sự trở về căn bản cốt lõi của hiệu xe cao cấp Bentley. “Chúng tôi đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bằng cách trở lại với những giá trị ban đầu đã góp phần tạo nên thương hiệu này”, tiến sĩ Franz Josef Paefgen, chủ tịch hãng xe Bentley nói. “Đó không phải là chạy đua phát triển công nghệ, kỹ thuật mà là tiếp tục làm thủ công tạo ra những chiếc xe hoàn hảo theo kiểu xe nào chủ nấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng hiệu thời suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO