Kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh - Ủy viên BCH CLB Doanh nhân Sài Gòn| 19/10/2019 05:00

Sau khi giao kết hợp đồng, các bên buộc phải tuân theo các cam kết đã thỏa thuận. Vì vậy, giám sát việc thực hiện hợp đồng không chỉ xác định phần nghĩa vụ của đối tác mà còn chính nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN) với đối tác.

Kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng

Tùy vào quy mô và cách thức vận hành của DN mà DN có phương án giám sát thực hiện hợp đồng riêng. Thông thường, những công ty nhỏ không phải đối mặt với những vấn đề này vì người quản lý luôn giám sát chặt chẽ quá trình thực thi hợp đồng. Nhưng một công ty lớn và số lượng hợp đồng lớn, sẽ rất cần thiết lập một quy trình chặt chẽ. DN có thể chia ra cho các phòng ban và sẽ có những người thực hiện chính trong từng giai đoạn khác nhau, nhưng cũng rất cần một người duy nhất giám sát toàn bộ quá trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Quan trọng nhất là phải đảm bảo giám sát tất cả khía cạnh của hợp đồng. Việc hiểu rõ những rủi ro thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẽ giúp DN hạn chế tốt nhất thiệt hại xảy ra.

1. Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng

Khi đối tác vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, tức không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ phần nghĩa vụ mà mình có trách nhiệm phải thực hiện, DN cần rà soát các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đối với các vi phạm tương ứng, từ đó có hành động thích hợp để giải quyết vấn đề.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định các chế tài khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như sau: Cầm giữ tài sản, buộc thực hiện đúng hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm, lãi suất chậm trả. So với BLDS thì Luật Thương mại không có chế tài đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, thay vào đó là chế tài đình chỉ hợp đồng, và bổ sung thêm chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng để các bên linh động thực hiện. Tương ứng với mỗi chế tài, pháp luật quy định các trường hợp áp dụng khác nhau. 

Vì vậy, khi áp dụng các bên phải nắm rõ các quy định pháp luật để lựa chọn chế tài phù hợp và có lợi nhất, hoặc các bên phải quy định rõ điều kiện để áp dụng các chế tài trong hợp đồng. Đồng thời, khi áp dụng thì DN phải thông báo đối với bên vi phạm, để tránh tình trạng DN vi phạm nghĩa vụ thông báo đối với bên đã vi phạm trước đó.

2. Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng

Một vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng là xác định thời điểm chuyển rủi ro. Nghĩa là xác định thời điểm nào, bên bán phải chịu những mất mát, hư hỏng của hàng hóa, từ thời điểm nào những hư hỏng, mất mát đó được chuyển cho bên mua. 

Trừ trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro cụ thể trong hợp đồng, thông thường thời điểm này chính là thời điểm các bên giao nhận hàng hóa. Theo Điều 441 BLDS quy định thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm giao nhận tài sản, hoặc là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Ngoài ra, Luật Thương mại quy định chi tiết hơn trong từng trường hợp, đối với hợp đồng không có địa điểm giao hàng cụ thể, thì thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Trường hợp hàng hóa được giao cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển, rủi ro được chuyển cho bên mua trong các trường hợp bên mua nhận được chứng từ sở hữu hoặc bên mua xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa, và một số trường hợp đặc biệt khác. 

Tuy nhiên, Luật Thương mại cũng quy định trách nhiệm của các bên trong một số trường hợp mà không phụ thuộc vào thời điểm chuyển rủi ro như: Trường hợp khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh trước thời điểm chuyển rủi ro, nếu bên mua đã biết hoặc phải biết về khiếm khuyết đó thì bên mua phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp bên mua không biết hoặc không phải biết thì bên bán phải chịu trách nhiệm đối với khiếm khuyết này. Nhưng bên mua chỉ có một thời gian 3, 6 hoặc 9 tháng (tùy trường hợp) để khiếu nại đối với khiếm khuyết của hàng hóa. Ngoài thời hạn khiếu nại này, bên bán được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro, nhưng nguyên nhân do bên bán vi phạm hợp đồng thì bên bán phải chịu trách nhiệm. 

3. Rủi ro do sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Theo quy định tại Điều 351 BLDS: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Trừ trường hợp các bên thỏa thuận mặc nhiên một sự kiện xảy ra là bất khả kháng, thì việc chứng minh một sự kiện có phải là bất khả kháng hay không rất dễ xảy ra tranh chấp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên. 

Ví dụ, một vụ hỏa hoạn xảy ra nếu xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của con người, do DN không đáp ứng được các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, thì sự kiện này không phải là sự kiện bất khả kháng vì xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và là hậu quả trực tiếp từ ý thức phòng ngừa kém. 

Trường hợp khác, nếu bên vi phạm nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên bị vi phạm, thì bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm về những thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng do bên thứ ba vi phạm nghĩa vụ vì sự kiện bất khả kháng. Bên thứ ba thường là bên cung cấp nguyên liệu, hàng hóa, hoặc DN logistics. Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm do bên thứ ba vi phạm nghĩa vụ vì sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề các DN thường hay gặp phải vì quan hệ kinh doanh hiện nay là theo chuỗi cung ứng, các bên chỉ là một mắt xích trong đó, đặc biệt là trong các mối quan hệ độc quyền, DN không thể tìm phương án thay thế. 

Vì vậy, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ nên soạn thảo kỹ lưỡng các điều khoản miễn trách, dự liệu trường hợp thực tế có thể xảy ra, thỏa thuận một cách rõ ràng chi tiết nhằm giảm thiểu tối đa tranh chấp phát sinh thay vì trông đợi hoàn toàn vào pháp luật.

4. Rủi ro do sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng dài hạn, sẽ có trường hợp các bên không thể dự liệu được những tình huống, mà khi xảy ra nó làm thay đổi căn bản quyền và nghĩa vụ của các bên. 

Hiện nay, Điều 420 BLDS quy định về các điều kiện để áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản như sau: Do nguyên nhân khách quan; các bên không thể lường trước; hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu biết trước các bên sẽ không giao kết hoặc giao kết với nội dung hoàn toàn khác; việc tiếp tục thực hiện sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; bên bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu ảnh hưởng. Trường hợp này, pháp luật cho phép bên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nếu các bên không thể thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng, các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi nội dung hợp đồng để cân bằng quyền lợi của các bên. 

• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

• Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO