Vượt đèo an toàn: Thực hiện 4 không

08/09/2014 03:29

Đường đèo là 1 đặc điểm điển hình giao thông miền đồi núi.

Vượt đèo an toàn: Thực hiện 4 không

Đường đèo là 1 đặc điểm điển hình giao thông miền đồi núi. Có những đường đèo dài dằng dặc hàng chục km lên dốc quanh co liên tục, mới đến đỉnh đèo (gọi vắn tắt là hàng chục km lên dốc); rồi lại từ đỉnh đèo xuống dốc quanh co liên tục hàng chục km nữa, mới tới chân đèo (gọi vắn tắt là hàng chục km xuống dốc).

Vì vậy, để vượt đèo an toàn đòi hỏi những người lái xe ô tô (tài xế) phải thực hiện 4 không:

Thứ nhất, không vi phạm tải trọng của xe ô tô. Đặc biệt đối với xe khách, không được chở quá số người cùng trọng lượng hành lý theo quy định, để bảo đảm tải trọng giới hạn.

Bởi vì nếu xe ô tô vi phạm tải trọng, khi xuống dốc đường đèo (đổ đèo) sẽ gia tăng lực quán tính, ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống thắng-phanh.

Những khúc cua liên tiếp trên đèo Ngoạn Mục (đèo sông Pha) tại Ninh Thuận - Ảnh minh họa

Riêng đối với những xe ô tô khách giường nằm 2 tầng (hiện nay nước ta đã có 4553 xe khách giường nằm 2 tầng), sau khi đăng kiểm xong, tài xế và chủ xe tuyệt đối không được lợi dụng các khoảng trống trong ô tô để lắp đặt bổ sung thêm giường, thêm ghế vi phạm tải trọng, gây mất cân bằng, mất ổn định ô tô.

Thứ hai, không vi phạm tốc độ xe chạy. Vừa để hạn chế lực quán tính (không ảnh hưởng đến phanh), vừa để khi xe vào cua hạn chế lực ly tâm, không “hắt” xe ô tô xuống vực (đối với trường hợp lưng đường cua về phía vực).

Thứ ba, không uống rượu, bia. Cái không thứ ba này, chẳng hề thừa, nhất là đối với tài xế lái xe ô tô khi vượt đường đèo. Bởi lẽ uống rượu bia dẫn đến tài xế cảm giác không chuẩn, thí dụ khi những người lái xe ô tô đang chạy với tốc độ 50 km/h, mà họ chỉ có cảm giác như 20 km/h.

Hoặc thậm chí, họ có thể đạp pê-đan phanh nhầm vào pê-đan ga, dẫn đến “lái xe điên”… Cho nên tài xế uống rượu bia lái xe ô tô, sẽ rất nguy hiểm, không bảo đảm an toàn giao thông.

Thứ tư, không vi phạm thao tác lái xe ô tô. Cái không thứ tư này, các tác giả, cùng những chuyên gia khác đã nêu khá chi tiết, đầy đủ trên phương tiện thông tin đại chúng. Tôi chỉ nêu thêm, đối với đội ngũ tài xế ai chả biết quy trình thao tác lái xe. Và khi họ điều khiển xe ô tô vượt đường đèo, phải tuân thủ thực hiện đúng thao tác.

Chẳng hạn khi lái xe ô tô xuống dốc đường đèo (đổ đèo), cũng phải cài số tiến thấp (đối với xe số sàn) như khi lên dốc đường đèo. Thao tác này cần phải hiểu thật cặn kẽ: Khi lái xe ô tô xuống dốc, chính là dốc ấy, vẫn với độ dốc không đổi ấy (độ dốc của đường, tính bằng tang an-pha). Bởi vì thực tế thật dễ hiểu đối với đường đèo 2 chiều, cũng 1 “con” dốc ấy khi đi lên dốc; khi về thành xuống dốc.

Chứ không hiểu “đúng bao la, rồi tung hỏa mù” như một vài bác tài xế già, đã được nêu trên các báo: Mỗi dốc mỗi khác, không thể cùng 1 độ dốc, nên không thể cài cùng 1 số được…

Hoặc đối với xe ô tô số tự động (chủ yếu là các xe con, hiếm khi là xe ca), khi vượt đèo, lúc cần thiết tài xế sẽ gạt cần số sang chế độ điều khiển bằng tay (bán tự động), chứ không để xe tự chọn số thích hợp như người đi “ăn búp-phê”…

Để vượt đường đèo an toàn, ngoài việc các tài xế phải tuân thủ thực hiện 4 không nêu trên ra; đối với đường đèo trở thành “đường đèo đen, nhiều tai nạn giao thông”, các cơ quan chức năng cần mở đường lánh nạn, bố trí Trạm nghỉ (ở 2 phía chân đèo) để kiểm tra, bảo dưỡng xe ô tô trước khi vượt đèo, cùng với cả Trạm y tế sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

Cộng với lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương, tích cực tuần tra kiểm soát (ở 2 phía chân đèo) để phát hiện, xử lý người lái xe ô tô vi phạm tải trọng, vi phạm kỹ thuật an toàn phương tiện… nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường đèo.

>Những thói quen cần tránh khi lái xe qua đèo
>Đi giày chuẩn, lái xe “ngon”
>
Lái xe an toàn trong mùa mưa
>Để lái xe an toàn hơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vượt đèo an toàn: Thực hiện 4 không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO