Khó đoán thị trường ô tô Việt

HỒNG NGA| 30/06/2018 03:35

Đã nửa năm kể từ khi thuế nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN về 0% nhưng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn trồi sụt thất thường, thậm chí nhiều hãng vẫn không có xe để bán.

Khó đoán thị trường ô tô Việt

Ảnh: T.LINH

Thị trường ô tô khó đoán hơn, và doanh nghiệp đã phân thành 2 thái cực rõ rệt: hoặc là chuyển hướng với xe nhập khẩu hoặc là tiếp tục sản xuất.

Đã hết nửa năm 2018 nhưng thị trường ô tô vẫn chưa ổn định, nhiều hãng xe như Toyota, Ford vẫn chưa thể có xe nhập để giao khách hàng dù đơn hàng đã được đặt từ đầu năm. Nguyên nhân được lý giải là do vướng Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Khi nguồn cung xe nhập giảm sút thì xe lắp ráp trong nước bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Rất nhiều dòng xe ăn khách như Mazda CX-5, Honda City, Hyundai, Santa Fe hay Hyundai Grand l10 gần như không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Doanh số bán hàng của hầu hết các dòng xe lắp ráp trong nước của Honda, Toyota, Ford, Thaco tăng trưởng mạnh mẽ.

Thị trường ô tô biến động, hoạt động của doanh nghiệp cũng được chia thành 2 thái cực. Một số doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh xe nhập khẩu, số còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Cụ thể, từ cuối năm 2017, "đón lỏng" thị trường khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực về 0%, các hãng xe lớn như Toyota, Honda đã chuyển sang nhập khẩu.

Link bài viết

Hiện nay, 4/5 dòng xe đang kinh doanh của Honda Việt Nam là xe nhập khẩu từ Thái Lan. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Honda Việt Nam, dù rất muốn sản xuất cả 5 dòng xe mà Hãng đang kinh doanh nhưng vì linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu với giá cao, hơn nữa số lượng tiêu thụ chưa đủ lớn khiến giá thành xe cao hơn các nước.

Tương tự, Toyota đã nhập khẩu đến 7 trong số 11 dòng xe đang kinh doanh tại Việt Nam. Và từ đầu năm đến nay do không có xe nhập để bán nên dù sức mua của xe lắp ráp trong nước tăng cao nhưng tổng sản lượng bán ra của Toyota Việt Nam đã giảm mạnh so với năm trước. Riêng trong tháng 5/2018, doanh nghiệp này bán ra thị trường 4.752 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại với những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, các doanh nghiệp như Thaco, Hyundai, Ford... lại tăng cường sản xuất xe. Ford Việt Nam là một điển hình. Song song với các dòng xe nhập khẩu, tháng 3 vừa qua, Công ty Ford Việt Nam đã đánh dấu sự kiện 20 năm hoạt động bằng việc xuất xưởng chiếc Ford EcoSport được sản xuất tại nhà máy Hải Dương.

Ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, để đáp ứng kế hoạch sản xuất EcoSport, nhà máy Ford Việt Nam đã trang bị robot ở xưởng thân xe để dập vào đột lỗ vuông trên phần đầu xe, 20 máy hàn và hàng trăm thiết bị lắp và siết bulon.

Được đánh giá là doanh nghiệp đầu ngành, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2017, Thaco đã khởi công nhà máy Thaco Mazda sản xuất, lắp ráp xe thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 có công xuất 50.000 xe/năm) với tổng vốn 12.000 tỷ đồng. Nhà máy xây dựng trên diện tích 35ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động hồi cuối tháng 3 năm nay.

Cùng với đó, Thaco đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải Fuso với Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) và Daimler (Đức), ký hợp đồng phân phối xe du lịch thương hiệu BMW, Mini Cooper với Tập đoàn BMW của Đức.

Với sự đầu tư này, Thaco đã trở thành doanh nghiệp duy nhất sản xuất, lắp ráp và phân phối đầy đủ các chủng loại xe, gồm xe du lịch, xe bus, xe tải và xe chuyên dụng với đủ phân khúc, từ trung cấp, cao cấp, hạng sang của các thương hiệu KIA, Mazda, Peugeot, BMW, Thaco Bus, Mitsubishi Fuso, KIA tải, Foton... Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco, Công ty đang hướng đến một tập đoàn đa ngành, trong đó công nghiệp ô tô là lĩnh vực then chốt.

2-3795-1529994095.jpg

Nhóm doanh nghiệp trong nước còn có sự tham gia của Vinfast - một công ty con của Vingroup. Doanh nghiệp này đang xây dựng một tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Trong tổ hợp này có khu công nghiệp hỗ trợ với 8 nhà máy sản xuất linh kiện và các nhà máy sản xuất xe máy điện, ô tô.

Các nhà máy Vinfast tự động hóa cao, trong đó xưởng hàn tự động 100% với hơn 1.200 robot. Triển khai tổ hợp này, Vinfast đã ký kết với nhiều doanh nghiệp nước ngoài để thành lập các liên doanh sản xuất, và mới đây là thành lập nhà máy dập và hàn các chi tiết vỏ xe với vốn đầu tư 60 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, đây là liên doanh đầu tiên trong tổ hợp công nghiệp hỗ trợ của Vinfast hướng tới xây dựng hoàn chỉnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Việc thành lập nhà máy liên doanh này đặt nền tảng cho việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước nâng cao "hàm lượng Việt" trong sản phẩm của Vinfast.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Năm 2017, thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc là Hyundai đã đầu tư vào Việt Nam thông qua liên doanh với Tập đoàn Thành Công.

Trong giai đoạn đầu, liên doanh Hyundai - Thành Công tiếp tục vận hành nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình với công suất 60.000 xe/năm, đồng thời xây dựng thêm một nhà máy sản xuất ô tô sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Hyundai, trong đó các công đoạn lắp ráp, sản xuất đều sử dụng robot tự động, bán tự động.

Lĩnh vực ô tô của Việt Nam vẫn đầy tiềm năng và cơ hội phát triển vì giờ đây không còn bó hẹp ở thị trường trong nước mà mở rộng ra hơn 600 triệu người của khu vực ASEAN. Mazda chọn xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam, hợp tác với Thaco sản xuất các mẫu xe du lịch vì đến nay mới chỉ có một nhà máy nhỏ tại Thái Lan sản xuất xe bán tải.

Chiến lược của Hyundai cũng tương tự thế. Liên doanh với Thành Công được Hyundai Motor xem là cơ sở để thương hiệu này mở rộng thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ gần đây, xe lắp ráp và các hãng xe lắp ráp vẫn là đối tượng ưu tiên nên thị trường ô tô sẽ rất khó đoán. Bởi thế mà Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã không đưa ra bất dự báo nào cho thị trường ô tô năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó đoán thị trường ô tô Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO