Doanh nghiệp lại kiến nghị về Nghị định 116

MINH HÀO| 30/12/2017 06:20

Đến nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã lần thứ 4 gửi văn bản kiến nghị đến Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về Nghị định 116 - nghị định được cho là khiến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô gặp nhiều khó khăn cũng như người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp lại kiến nghị về Nghị định 116

Lần này, ngoài yêu cầu sửa đổi những điểm được cho là bất hợp lý, các doanh nghiệp thuộc VAMA muốn hoãn thi hành Nghị định 116 thêm 6 tháng so với thời điểm quy định là ngày 1/1/2018.

Lý giải cho việc lùi thời gian thi hành Nghị Định 116, các doanh nghiệp cho rằng, quá trình từ khi đặt hàng, sản xuất, vận chuyển ô tô từ nước xuất khẩu đến Việt Nam sẽ mất không ít thời gian. Thêm vào đó, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng cần thêm thời gian để xin giấy phép nhập khẩu ô tô theo yêu cầu của Nghị định 116.

Bởi, "để có giấy phép này, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp", Toru Kinoshi - Chủ tịch VAMA cho biết.

Bên cạnh đó, có rất nhiều điểm quy định trong Nghị định 116 gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí là bất hợp lý. Cụ thể, rất khó cho các doanh nghiệp khi phải đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu bởi quy định này làm tăng thời gian chờ đợi thêm 2 tháng và chi phí tăng thêm 10.000 USD để thử nghiệm đối với kiểu loại xe trong một lô hàng. Quan trọng là "yêu cầu này không có ý nghĩa về mặt quản lý”.

Về giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài đối với nhà nhập khẩu ô tô, VAMA cũng kiến nghị sửa đổi. Các doanh nghiệp VAMA mong muốn Chính phủ chấp nhận giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi ô tô như một phương án thay thế. Lý do là hầu hết các thành viên VAMA không thể tìm được giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Nghị định 116 yêu cầu 100% xe sản xuất ra phải chạy thử trên đường thử nhưng các doanh nghiệp VAMA cho rằng như vậy là không thể. Vì hiện nay, các doanh nghiệp không có đủ đất để xây dựng đường thử mới hoặc mở rộng đường thử như tiêu chuẩn nghị định đưa ra. Việc thuê cũng không khả thi do chi phí thuê và vận chuyển rất cao.

Vào ngày 13/12, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có buổi đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.

o-to-5-2160-1514268632.jpg

Tại đây, sau khi nghe phản ảnh những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Bộ Công Thương đề nghị áp dụng quy định kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo hướng kết quả kiểm tra đó sẽ được thay thế chấp thuận cho loại xe đó trong vòng 6 tháng, thay vì kiểm tra theo từng lô hàng như quy định. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đồng ý cho rằng cần xem lại quy định trên. Bộ trưởng cũng đề nghị nên lùi thời hạn áp dụng Nghị định để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.

Trong khi chờ kết quả của kiến nghị, hầu hết các hãng xe đều tạm dừng nhập khẩu. Cụ thể, Ford Việt Nam tạm dừng việc nhập hai dòng xe Ford Ranger và Explorer. Toyota Việt Nam ngưng nhập ba mẫu Fortuner, Yaris và Wigo, còn với Honda Việt Nam là dòng CR-V.

Theo đại diện Công ty Ford Việt Nam, Công ty đã yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng hai mẫu xe Ford Ranger và Explorer vì hãng chưa có đủ nguồn cung và vì quy định ngặt nghèo về nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Công ty không thể dự đoán được các mẫu xe này sẽ được nhập về thế nào trong quý 2 và 3 năm 2018.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết là chưa thể nói trước về thời điểm những lô CR-V tiếp theo về nước. Theo vị đại diện này, nếu những quy định chi tiết tại Nghị định 116 được làm rõ ngay cuối năm 2017 thì ít nhất đến tháng 3/2018 công ty mới có hàng.

Trong khi đó, nhiều đại lý Toyota đã phải đàm phán lại với khách đặt cọc các mẫu xe mới do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan. Vì thế mà Toyota Việt Nam cũng chưa thể đưa Wigo hay Fotuner bản máy dầu, số tự động về Việt Nam vào đầu năm 2018. Một số hãng xe khác có nguồn xe nhập từ Thái Lan cũng cho biết vì vướng mắc giấy tờ liên quan đến Nghị định 116 nên hoạt động nhập khẩu vẫn đang "án binh bất động".

Khi các doanh nghiệp lớn tạm ngưng nhập khẩu thì số lượng xe nhập về nước cũng giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2017, chỉ có 590 chiếc xe các loại được nhập về, so với hơn 6.700 chiếc nhập cùng kỳ.
Theo quy luật, đáng lý vào thời điểm này, thị trường ô tô sẽ rất sôi động nhưng thực tế ngược lại.

Số liệu của VAMA cho thấy, chỉ có 15.316 xe được tiêu thụ trong tháng 11/2017, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Toyota Việt Nam bán ra 5.374 xe, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện tại, mọi động thái của các nhà kinh doanh đều trông chờ sự phản hồi từ các cơ quan quản lý về Nghị định 116.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lại kiến nghị về Nghị định 116
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO