Băng đèo, vượt dốc, cứu trợ đồng bào dân tộc Giẻ Triêng

X.L - ảnh CÔNG TOẠI| 14/12/2009 04:04

Từ ngày 11 – 13/12, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo DNSG cùng Câu lạc bộ DNSG đã tổ chức đi thăm, khám bệnh và tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại xã Đăk Blo

Băng đèo, vượt dốc, cứu trợ đồng bào dân tộc Giẻ Triêng

Từ ngày 11 – 13/12, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo Doanh Nhân Sài Gòn cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức đi thăm, khám bệnh và tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại xã Đăk Blo (tỉnh Kon Tum) và xã Xê Ca Máy (tỉnh Sê Công – Lào).

Đây địa bàn vùng biên giới Việt - Lào, cách TP.HCM hơn 700 km, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng

Theo chương trình Đoàn đã đến thăm 2 đồn biên phòng 665 và 663 đang canh giữ biên giới tại đây. Trung tá Nguyễn Trọng Ngân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 665 cho biết: Xã Đăk Blo là xã giáp biên giới với nước Lào, cách trung tâm tỉnh Kon Tum 160km về hướng Bắc, dốc cao nhất là dốc Cổng Trời, cách mặt biển trên 1.000m.

Toàn xã có 269 hộ, với 1.179 nhân khẩu. Trong đợt bão lũ vừa qua, có 200 hộ bị thiệt hại nặng nề. Việc Đoàn công tác xã hội từ TP.HCM lên giúp đồng bào sẽ tạo điều kiện cho bà con dân tộc Giẻ triêng ổn định cuộc sống, nhất là vào mùa đông tới.

Tại Đăk Blo, Đoàn đã thăm quà tặng quà cho 200 hộ dân, trị giá 400 ngàn đồng/phần, tặng quà cho 100 học sinh và 3.000 tập vở cho học sinh 2 trường học, tổ chức khám bệnh và phát thuốc cho trên 300 bà con.

Sau khi thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 665 và 663, đoàn đã đến thăm bà con xã Xê Ca Máy thuộc nước bạn Lào. Tại đây, đoàn đã tặng 100 phần quà (mỗi phần 400 ngàn đồng) cho nhân dân nước bạn.

Theo các cán bộ chiến sĩ đồn trú tại đây: Mùa đông ở khu vực vùng cao này rất khắc nghiệt, có lúc nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Các cán bộ chiến sĩ tại đây mong doanh nhân Sài Gòn tiếp tục giúp đỡ đồng bào áo ấm, mùng mền… để chống cái rét và các loại côn trùng vùng rừng núi độc hại.

Cảm nghĩ của các phóng viên tháp tùng chuyến công tác:

Hoàng Ngọc Quý – Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam:

- Tôi đã tham gia rất nhiều chuyến công tác xã hội từ thiện, nhưng đây là lần đầu tiên được tháp tùng ban tổ chức Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh nhân Sài Gòn đến với đồng bào vùng cao nơi đây. Qua chuyến đi, tôi được chứng kiến những thiệt hại nặng nề do bão lũ để lại, đồng bào vùng cao nơi đây còn quá thiếu thốn. Tôi nghĩ, đồng bào nơi đây đang rất cần sự giúp đỡ thiết thực của nhiều tổ chức, cá nhân khác trên cả nước.

Nguyên Nhung – Phóng viên Đài Truyển hình cáp VTC:

Phóng viên đang tác nghiệp

- Tôi chưa bao giờ đi tới vùng cao và đi xa như thế này. Đường lên hai xã vùng biên khá hiểm trở, đôi lúc thấy đèo cao, vực sâu thăm thẳm. dốc núi cheo leo tôi cảm thấy rất sợ. Giờ bình tĩnh lại, tôi thấy đây là chuyến đi thực tế rất có ý nghĩa của cả ban tổ chức và các thành viên tham dự.

Phạm Ngọc Chí – Phóng viên Đài Truyền hình Kon Tum:

- Xã Đăk Blo (tỉnh Kon Tum) và xã Xê Ca Máy (tỉnh Sê Công – Lào) là những vùng cao, vùng sâu, điều kiện đi lại của bà con còn rất khó khăn, thiếu thốn. Là người dân sống ở Kon Tum, tôi biết không chỉ người dân xã Đăk Blo cần được sự trợ giúp của doanh nhân, doanh nghiệp TP.HCM mà còn rất nhiều nơi khác ở vùng sâu của tỉnh Kon Tum cũng cần được sự trợ giúp thiết thực. Nhìn vẻ mặt hân hoan của đồng bào khi nhận được quà, tôi mong sao nhiều nơi khác cũng sẽ được Cục Chính trị - Bộ đội Biên phòng và Báo Doanh Nhân Sài Gòn tiếp tục phối hợp để tiếp tục thực hiện những chương trình mang nhiều ý nghĩa như thế này!

Minh Anh – phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng

Sau bão, lũ số 9 rồi lại đến bão, lũ số 11, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp đồng bào miền Trung-Tây Nguyên ruột thịt. Âu đây cũng là quan niệm sống lâu đời của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”. Cá nhân tôi có liên tục 10 chuyến công tác xã hội tại Quãng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định (Việt Nam), Atopu, Champsak (CHDCND Lào) và chứng kiến cái khổ, nỗi thiếu thốn của bà con vùng bão, lũ.

Tuy nhiên đằng sau các hoạt động cứu trợ, phần lớn các đoàn tham gia đều chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” ở các vùng tâm bão, lũ. Sỡ dĩ tôi nói điều này là bởi hầu hết các đoàn công tác xã hội đều có cái tâm, nhưng thiếu thông tin. Vì thế mới có tình trạng “kẹt xe cứu trợ” ở Tuy An, Đồng Xuân (Phú Yên) hay “trăm nguồn đổ về một mối” ở Bình Mỹ, Bình Minh (Bình Sơn, Quãng Ngãi)…

Lần này, được tham gia với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, tôi thật sự xúc động trước cách làm của đồng nghiệp: tổ chức tiền trạm, phối hợp bộ đội biên phòng… đưa hàng đến tận tay dân; đưa thuốc men, y tế đến với người dân trong lúc khó khăn…

Càng thấy việc làm của Báo - tuy chưa phải là to lớn - nhưng tràn đầy ý nghĩa khi đích thân Tổng Biên Tập báo Doanh nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Thanh Minh, trực tiếp tham gia. Các doanh nhân, doanh nghiệp đi trong đoàn vốn dĩ là những người “ngồi máy lạnh, gõ laptop” đã hì hụi khuân vác hàng hóa, ân cần trao cho những người nghèo đang thiếu đủ thứ, đó là hành động rất nhân văn đúng với câu nói của ông bà ta “cách cho hơn của đem cho”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Băng đèo, vượt dốc, cứu trợ đồng bào dân tộc Giẻ Triêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO