72 giờ điên cuồng ở JAVA

Yone Đỗ Trân| 22/05/2019 06:28

Khi tôi đang ở Cầu Quan, một anh bạn nhắn tin," đi leo núi không nhỏ?". Tôi liền trả lời:" Đi". dù chưa biết là sẽ đi đâu, đi như thế nào, với ai...Chỉ biết, khi động từ " đi" được chia trong câu thì tôi sẽ đồng ý. Vì với tôi, đời có ý ngĩa mỗi khi tôi di chuyển.

72 giờ điên cuồng ở JAVA

Lần đó, chúng tôi bảy người bay đến Surabaya từ những điểm khác nhau nhưng tất cả cùng có chung 72 giờ điên cuồng ở Java, Indonesia, hòn đảo có mật độ dân cao nhất thế giới. Một chuyến đi kỳ lạ, cứ mỗi lần nhắc lại, tôi chỉ muốn thốt lên “Java Express!”. Thật vậy, “tốc hành”, “di chuyển không ngừng” hay chính xác hơn là “liều mạng”, tôi cũng không rõ, chỉ biết, ở bất kỳ nghĩa nào của từ “express” cũng đều đúng với chuyến đi lần ấy.

24 giờ đầu tiên: Hành trình 120 km từ Surabaya đến Probolinggo

39Ijen111-9465-1558517287.jpg

9:00 AM, sau chuyến bay hơn 2000km từ Saigon đi Surabaya và nối chuyến tám tiếng tại Kuala Lumpur, tôi đáp xuống Surabaya.

11:00 AM, bảy người trong nhóm leo núi tập hợp đủ mặt. Sau đó, cả bọn kéo nhau lên chiếc Vans 12 chỗ, di chuyển về Probolinggo. Thời tiết ngoài trời ở Surabaya hôm đó tầm 33 độ và dù không gian trên xe khá hạn chế nhưng tiếng cười giòn tan lúc nào cũng vang lên đều đặn.

13:00 PM, chúng tôi ghé một trạm nghỉ địa phương và dùng bữa trưa. Nếu có một cuộc thi giữa đồ ăn Indo và Việt Nam, tôi nghĩ Indo sẽ thua thê thảm! 

14:00 PM, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.

15:30 PM, điểm đến đầu tiên: Thác nước Madakaripura.

Theo kế hoạch, đây chỉ là một điểm tiện ghé qua trên tuyến đường đến núi Bromo.Thác cao hơn 200 m, thuộc khu công viên quốc gia Bromo-Tengger-Semeru, nằm ở phía Đông của đảo Java. Thác nằm sâu trong một hẻm núi buộc người đến phải thả dốc bằng xe máy3km đường rừng. Sau đó đi bộ men theo sườn núi thêm 1,5 km nữa để vào được đến nơi. Một chút lưu ý là đoạn đi bộ này đường khá trơn. Chúng tôi hơi buồn khi hôm đó chỉ duy nhất có nhóm chúng tôi lang thang vào thác. Mọi người ngờ rằng chắc trong đó chẳng có gì nhưng khi tận mắt chứng kiến dòng thác, chúng tôi gần như bị thôi miên. Tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác khi ấy. Một điều gì đó thôi thúc mãnh liệt buộc tôi cứ muốn đến gần hơn, tiếp tục đến gần, trèo lên và hòa mình vào những đợt nước mát lạnh, tinh khiết, cứ như là từ trên trời đổ xuống. 

18:00 PM, rời thác, đi ăn tối rồi tiếp tục di chuyển về homestay ở làng quê hẻo lánh Cemoro Lawang lúc 20:PM.

39ro-buoc-tham-hiem-ti-Ijen111-6820-1558

24 giờ kế tiếp: Thất vọng Penanjakan, ngỡ ngàng Bromo và vội vã Ijen (230km)

03:00 AM, cả bọn lục đục thức dậy để chuẩn bị ra xe jeep leo dốc cho kịp để đón bình minh tại Penanjakan.

04:45 AM, mặt trời bắt đầu phát tín hiệu từ phía Đông của dãy núi, màu đỏ cam lấp ló trong những đám mây vẫn bị bóng tối bao phủ nhưng chỉ tầm 10 phút sau, bầu trời xanh và sáng hẳn lên. Chúng tôi đã chụp được nhiều ảnh đẹp trước khi mặt trời và toàn bộ dãy núi bị sương sớm bao phủ. Có một chút thất vọng, sườn núi Penanjakan ngắn và có khá đông du khách.

05:30 AM, mọi người lên xe lăn xuống đồng bằng, háo hức sớm được leo lên mảnh sườn của chàng Bromo nhưng một tin đáng buồn là “anh chàng” này đang hết sức “bực mình” nên đã mấy hôm liền cứ liên tục phun khói phẫn nộ. Chính phủ Indo nghiêm ngặt cấm tourist. Vậy là chúng tôi chỉ có thể đứng ở chân núi để ngắm nhìn chàng Bromo từ xa.

06:30 AM, vì không leo núi được, chúng tôi quyết định băng qua thảm thực vật xanh mát ở phía dưới chân núi Bromo để đi ăn sáng! Thời gian có vẻ trôi quá chậm trong những giờ kế tiếp này. Có một khu chợ của người bản xứ ở phía dưới chân núi lửa. Họ bán đủ thứ, từ đồ ăn cho đến khăn tay tự dệt của họ nhưng tuyệt nhiên không bán nước! Chúng tôi đã cố gắng lùng sục khắp nơi trong chợ tìm mua nước suối nhưng chẳng có, cả bọn phải cố nhịn khát để di chuyển về lại Cemoro Lawang.

Buổi trưa, cả nhóm kéo nhau lên xe và tiếp tục hành trình về ljen. Nghe thì có vẻ rất đơn giản nhưng đoạn đường di chuyển từ điểm này đến điểm khác thật sự không yên ả tẹo nào. Địa hình ở Java đa số là đèo đá, dốc và đường rừng. Cứ hết một đoạn đèo, gặp được vài ngôi làng có dân cư thưa thớt, chúng tôi lại lên dốc, băng qua thêm vài chục km đường rừng! Và chuyện bắt gặp khỉ hay sóc đang chuyền cành ăn hoa quả ở dọc đường là chuyện rất thường. Đường thì xa và sâu, quá nhiều thứ hỗn độn nên cảm xúc cũng thay đổi liên tục.

39Tro-vui-dam-maa-leo-nui-Mada-9485-1406

Tầm 19:00 PM, chúng tôi đến Arabica Homestay tại Ijen, vùng núi cao khá lạnh mà trời còn mưa rả rích. Tối đó, cả bọn chúng tôi vừa ăn tối vừa nhìn trời với nỗi lo không biết Ngọn Lửa Xanh huyền thoại có bùng lên nổi không với kiểu thời tiết ẩm ướt khó chịu này.

Sau bữa tối, chúng tôi bảo nhau đi ngủ sớm rồi đặt báo thức lúc 12 giờ khuya với sợi dây kinh nghiệm rút từ hôm qua ở Bromo, chúng tôi muốn đi thật sớm để tránh khách chen lấn.

24 giờ cuối ở Jawa: Quay cuồng với mớ cảm xúc cùng Ngọn Lửa Xanh

Nửa đêm, khi tôi đang còn lơ mơ ngủ thì chị đi cùng nhóm lay tôi dậy. Rồi cứ thế, thu dọn đồ đạc và mắt nhắm mắt mở leo lên xe để đến khu Banyuwangi, Kawan Ijen.

Ijen, hay còn được biết đến là một khu phức hợp rộng khoảng 20km của một nhóm các núi lửa dạng tầng ở khu Banyuwangi, phía Đông đảo Jawa. Ijen thu hút khách du lịch bởi miệng núi lửa trông như hồ nước với bán kính 361m, diện tích bề mặt tầm 410m2, sâu 200m và có thể tích 3.600m3. Hồ nước này trông thì có vẻ rất đẹp với màu xanh ngọc bích đầy thơ mộng nhưng nồng độ axit sulfuric ở đó thì có thể ăn mòn mọi thứ trong vòng một nốt nhạc. Một điều nữa khiến du khách phải liều mạng leo lên Ijen rồi mò xuống tận miệng núi lửa là vì Ngọn Lửa Xanh (Blue Fire) được đốt bằng phốt-pho tự khai thác ngay trong chính mỏ lưu huỳnh tại đó.

01:00 AM, có mặt tại Kawan, trời thì tối mà lại còn mưa rỉ rả không dứt. Cả nhóm cứ lo vì sợ với thời tiết éo le kiểu này thì Ngọn Lửa Xanh sẽ tắt ngúm. Một anh bảo “Nếu hôm nay không ngắm được Blue Fire, mọi người hãy đi tiếp, tôi ở lại chờ xem ngày mai thời tiết có tốt hơn không”, nghe câu đó xong, nỗi lo của cả nhóm lại tăng lên gấp đôi vì không ai muốn tách nhóm cả!

01:30 AM, mỗi người được trang bị một cái mặt nạ phòng hóa, một cái áo mưa và cứ hai người thì có một người có đèn pin. Rồi cả bọn bắt đầu nhập cuộc leo lên Ijen. Thoạt đầu, mưa vẫn tiếp tục rỉ rã, đường lên rất dốc, có đoạn dốc cứ thế mà dựng dứng trước mặt, trời vẫn rỉ rã mưa khiến mặt đường trơn và khó leo hơn nhưng mọi người vẫn tiếp tục di chuyển, càng leo càng cảm nhận mùi axit sulfuric mỗi lúc một nặng hơn.

02:30 AM, leo được 2/3 đoạn đường, chỉ còn năm, hai người đã tuột lại vì họ cần nghỉ hồi phục sức. Có một đoạn, để đến gần hơn nơi Ngọn Lửa Xanh đang cháy, chúng tôi buộc phải di chuyển ngang qua luồng khí axit sulfuric đang bốc lên đậm đặc, mắt mờ đi, nước mũi chảy ra kèm theo nước mắt, tôi cảm giác được sự rát bỏng trên từng tế bào, mọi người phải nắm chặt tay nhau và cố gắng leo nhanh qua đoạn dốc.

03:00 AM, chúng tôi đã đến rất gần với miệng núi lửa Ijen. Ngọn Lửa Xanh bùng lên mạnh mẽ trước mắt, trông chẳng khác gì ngọn lửa trên bếp gas trong bếp của mẹ, nhưng là phiên bản khổng lồ. Chúng tôi vui mừng, ôm nhau trước ngọn lửa xanh, trước khi làm vài kiểu ảnh lưu niệm. Vui vì dù thời tiết đã rất xấu nhưng Blue Fire vẫn xuất hiện và mừng vì sau hai giờ leo vào miệng núi lửa, hít một lượng axit sulfuric đậm đặc  và cả bọn vẫn an toàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
72 giờ điên cuồng ở JAVA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO