Từ 15/8: Các địa phương phải minh bạch thông tin về nhà ở và thị trường BĐS

TN| 26/07/2022 03:33

Từ ngày 15/8 tới đây, tất cả các thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản (BĐS) ở các địa phương đều phải được công khai trên hệ thống thông tin của chính quyền.

Từ 15/8: Các địa phương phải minh bạch thông tin về nhà ở và thị trường BĐS

Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa đầy đủ, hoàn chỉnh - Ảnh: Bình Nguyễn

Ngày 29/6/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định về việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, để triển khai thực hiện Nghị định 44, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 44 cho các Sở, ban, ngành (Xây dựng, TN&MT, KH&ĐT, Cục thuế, UBND cấp huyện, chủ đầu tư dự án, sàn giao dịch BĐS...).

Các địa phương thực hiện quản lý, vận hành máy chủ, thiết bị tin học, mạng máy tính, bảo đảm sự vận hành của hệ thống. Khi hệ thống phần mềm được hoàn thiện có trách nhiệm cấp, giao quyền truy cập cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để kê khai, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường BĐS. Chỉ đạo cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) xử lý thông tin, dữ liệu trước khi được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu và công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định.

Các địa phương cũng có nhiệm vụ bố trí kinh phí hằng năm từ ngân sách để thực hiện một số nội dung như: điều tra, thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu; quản lý, vận hành hệ thống thông tin tại địa phương. Sở Xây dựng bố trí bộ máy, cán bộ để xây dựng và quản lý hệ thống thông tin theo quy định tại Nghị định này.

Cụ thể, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho các Bộ, cơ quan T.Ư để xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác; điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin; Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đảm bảo tuân thủ quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

26-7-22-thi-truong-BDS-2.jpg

Hầu hết các dự án BĐS khi chào bán trên thị trường đều nhấn mạnh cảnh quan, vị trí và giá trị sinh lời khi đầu tư mà chưa minh bạch thông tin điều kiện bản lãnh ngân hàng cũng như không rõ ràng về tính pháp lý của dự án - Ảnh: Bình Nguyễn 

Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa đầy đủ, hoàn chỉnh.

Do việc thông tin liên quan đến thị trường BĐS chưa được công khai minh bạch, dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường. Thực tế còn cho thấy, Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, BĐS cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, BĐS được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê. 

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường BĐS; hằng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh BĐS, thị trường BĐS trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong phần giải pháp, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch BĐS và hoạt động môi giới BĐS vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường BĐS minh bạch. Ông cho biết: "Việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời, đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng - điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư né tránh công khai thông tin dự án". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ 15/8: Các địa phương phải minh bạch thông tin về nhà ở và thị trường BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO