Tiền lại vào bất động sản

Minh Vy| 15/07/2021 08:00

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn bất ổn vì Covid-19, việc thiếu hụt các kênh đầu tư hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng đang sụt giảm sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn vào bất động sản (BĐS).

Nơi hết “sốt”, nơi lại... sáng

Báo cáo thị trường quý II/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Theo dữ liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%. Những điểm nóng BĐS ở khu vực phía Nam trong ba tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021. 

Ở một diễn biến khác, các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS vẫn có điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô. Sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này càng nóng lên. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với 1-2 tháng trước.

Cũng trong tháng 5/2021, căn hộ chung cư lại ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP.HCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4. Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả ba phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Giá chào bán căn hộ trên thị trường sơ cấp dự kiến tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu an cư và đầu tư tại TP.HCM luôn ở mức cao. Trong những tháng còn lại của năm nay, nhiều khả năng tất cả phân khúc nhà ở sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn so với hiện nay.

bai1-BDS-1-8647-1626081748.jpg

Các thị trường ngách “ngoi” lên

Theo Công ty Savilll Việt Nam, dịch vụ hậu cần kho bãi (logistics) đã và đang đứng đầu trong các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần suy nghĩ thấu đáo để tìm ra những cơ hội và giá trị thực sự trong lĩnh vực này.

Đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy TMĐT của ngành bán lẻ tăng lên. Logistics là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên đó. Các ước tính cho rằng, sau đại dịch, chi tiêu bán lẻ trực tuyến ở Tây Âu sẽ tăng 442 tỷ euro vào năm 2025. Cứ thêm 1 tỷ euro doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ tạo ra nhu cầu trung bình 75.000m2 diện tích nhà kho. Như vậy, đến năm 2025, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong khu vực sẽ tăng thêm 33,2 triệu m2 nhu cầu kho bãi. Với những yếu tố cơ bản đó, các nhà đầu tư dành rất nhiều “ưu ái” cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, nguồn cung logistics hiện tại là không đủ cho những nhu cầu trên. 

Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Logistics được xem là thị trường ngách mới nổi mà lĩnh vực này mang lại, với nhiều cơ hội hơn và lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm cơ hội thị trường mới nổi như Việt Nam, thì khả năng vẫn rủi ro vì lợi suất vẫn nằm trong khoảng 9-11%”.

Cùng với  logistics, kho lạnh là một phần chuyên biệt của chuỗi cung ứng, sử dụng các nhà kho kiểm soát nhiệt để lưu trữ và vận chuyển thực phẩm hoặc vật tư y tế, chẳng hạn như vaccine. Đối với các nhà đầu tư, kho lạnh mang lại lợi suất cao hơn 50-100 điểm cơ bản so với các cơ sở hậu cần khô và do chi phí lắp đặt cao nên người thuê thường luôn sẵn sàng ký hợp đồng thuê dài hạn. Cùng với đó, nhiều loại hình BĐS công nghiệp khác cũng tiếp tục được mở rộng. Ví dụ như các nhà sản xuất nội dung như Netflix và Apple đã lấy không gian kho bãi để sử dụng làm phim trường bởi sự bùng nổ của các dịch vụ phát trực tuyến video. 

Đánh giá về dài hạn, các chuyên gia nhận định, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng do tỷ lệ đô thị hóa 35% rất thấp so với hơn 50% của Thái Lan, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân. 

“BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Rất khó để xảy ra tình trạng mất thanh khoản và giảm giá, mức giá sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại”, ông Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền lại vào bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO