Sửa đổi Thông tư 36: Có đáng lo?

LINH CHI| 15/03/2016 04:56

Dự thảo Thông tư 36 siết lại tín dụng bất động sản là biện pháp kỹ thuật buộc các doanh nghiệp bất động sản ngày càng phải có thực lực và chuyên nghiệp hơn.

Sửa đổi Thông tư 36: Có đáng lo?

Dự thảo Thông tư 36 siết lại tín dụng bất động sản (BĐS) là biện pháp kỹ thuật buộc các doanh nghiệp (DN) BĐS ngày càng phải có thực lực và chuyên nghiệp hơn. 

Đọc E-paper

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng đề nghị không sửa đổi Thông tư 36 vì lo ngại sẽ gây khó cho thị trường khi vừa mới hồi phục.

Lý giải được đưa ra là do DN BĐS chủ yếu phụ thuộc vào 2 nguồn vốn chính: vốn vay từ NH và vốn huy động từ khách hàng, mà nguồn vốn khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ NH. Vì thế, Thông tư 36 có hiệu lực sẽ siết chặt nguồn vốn này.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, cho rằng, khi thị trường mới ấm lên, Nhà nước không nên chặn lại mà có giải pháp để phát triển.

Tương tự, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát, cũng nói rằng, khu nhà Hưng Phát 2 chủ đầu tư chỉ thu 20% số tiền căn hộ của khách hàng đến khi nhận nhà.

Điều này chứng tỏ Công ty vẫn đủ lực để thực hiện công trình đúng tiến độ chứ không quá phụ thuộc vào vốn vay NH. Thế nhưng, người mua nhà phần lớn sử dụng tiền vay NH, nên nếu bị siết lại nguồn vốn này, thị trường sẽ trở nên ảm đạm như cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích Thông tư 36 thì sẽ thấy góc nhìn khác đối với thị trường BĐS. Trong đó, yếu tố tích cực là thanh lọc chủ đầu tư, loại bỏ được những dự án không hiệu quả, hạn chế đầu cơ. Điều này xuất phát từ thực tế, có nhiều DN BĐS hoạt động chỉ mang tính bề nổi, lệ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay từ NH.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN, khẳng định, mục tiêu của NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.

Căn cứ Nghị quyết số 51 của Chính phủ ngày 2/7/2015 và Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 28/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm soát cho vay đối với lĩnh vực BĐS, đồng thời trên cơ sở theo dõi, giám sát diễn biến tăng trưởng tín dụng và tình hình thị trường BĐS trong thời gian gần đây, NHNN dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 36 về các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động NH.

Trong đó có việc sửa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh BĐS.

Quan điểm nhất quán của NHNN là đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững.

Như vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 thực tế không làm giảm tín dụng đối với lĩnh vực BĐS và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục của thị trường này.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn bình quân của hệ thống các TCTD là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh), thì các TCTD vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài hạn thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực BĐS với số tiền lên đến khoảng 540 ngàn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ này 40% theo quy định của dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36.

Điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% ảnh hưởng không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các TCTD giảm từ 13% xuống 12,1%.

Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh BĐS với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650 ngàn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%.

Như vậy, việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh BĐS có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các TCTD rót vốn đầu tư không.

Điều đó cũng lý giải vì sao các NHTM vẫn liên tục triển khai các gói cho vay BĐS với lãi suất ưu đãi. Suy cho cùng, không có cơ sở cho rằng, sửa đổi Thông tư 36 dẫn đến giảm tín dụng đầu tư cho lĩnh vực BĐS.

>Thông tư 36 có tác động đến phân khúc BĐS trung bình?

>Sửa đổi Thông tư 36: Hạn chế xung đột lợi ích ngành

> NHNN: Sửa Thông tư 36 không làm giảm tín dụng BĐS

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa đổi Thông tư 36: Có đáng lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO