Phía sau thành tích của U23 Việt Nam

30/01/2018 08:14

Ngót nghét gần chục năm sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lần nữa có cảm giác vui sướng tột cùng vì các cầu thủ trẻ đã làm nên điều kỳ diệu tại Giải vô địch U23 Châu Á vừa rồi.

Phía sau thành tích của U23 Việt Nam

Lễ đón các cầu thủ cùng ban huấn luyện bằng xe buýt 2 tầng và hình ảnh phố xá rợp cờ hoa là những khoảnh khắc khó phai trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Cùng với sự đón tiếp nồng nhiệt của người hâm mộ, hàng chục tỷ đồng tiền thưởng từ doanh nghiệp, từ các mạnh thường quân, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã được hứa hẹn trao cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo như một sự tưởng thưởng xứng đáng.

Trong đó, sự tham gia của các "đại gia bất động sản" đã tạo nên "cơn mưa" quà tặng, tiền thưởng sau giải đấu. Người thì treo "tiền tươi thóc thật", người thì hứa tặng nhà, tặng voucher giảm giá khi mua căn hộ cho cầu thủ, huấn luyện viên... Mọi thứ ngập tràn trong cảm xúc thăng hoa.

Link bài viết

Song, đằng sau sự trưởng thành của lứa cầu thủ U23 tạo nên kỳ tích lần này như tiền đạo Công Phượng, tiền vệ Quang Hải, hậu vệ Văn Thanh, Duy Mạnh, thủ môn Tiến Dũng..., không thể thiếu bóng dáng các "ông bầu" lắm tiền nhiều đất như Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai - HAGL), Bầu Hiển (SHB Đà Nẵng, Câu lạc bộ Hà Nội), Bầu Quyết (FLC Thanh Hóa) - những người có tầm ảnh hưởng lớn ở các lò đào tạo cấp câu lạc bộ, vốn góp không ít cầu thủ vào tuyển U23 Việt Nam.

Sự thăng hoa trên sân đấu của các cầu thủ cũng khiến giá cổ phiếu HAG (HAGL) và SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) vừa qua được dịp "nhảy múa". Phiên giao dịch ngày 26/1, tức trước trận chung kết U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan một ngày, giá cổ phiếu HAG tăng 14% so với đầu tháng, SHB tăng đến 43% so với cuối 2017.

Sẽ là quá sớm và quá chủ quan nếu đưa ra nhận xét doanh nghiệp do các "ông bầu" này làm chủ còn thành công hơn nữa nhờ đổ tiền vào bóng đá hay U23 Việt Nam tiếp tục gặt hái được thành tích tốt ở những giải đấu quốc tế sắp tới. Nhưng sẽ là không thừa nếu ghi nhận sự đóng góp, sự đầu tư bài bản của họ vào bộ môn thể thao mà niềm tin của người hâm mộ gần như đã chực tắt trong nhiều năm qua.

Cùng với vai trò tiên phong của HAGL trong việc mở lò đào tạo bóng đá trẻ năm 2007, đến nay, nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản đã nhanh chóng bước chân vào "sân chơi" nhiều thử thách này.

Không kể Bầu Hiển (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đà Nẵng), Bầu Quyết (FLC Thanh Hóa) vốn đã quen thuộc với bóng đá Việt Nam, tháng 11 rồi, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Vingroup cũng đã khánh thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ có quy mô hàng đầu Đông Nam Á tại Văn Giang, Hưng Yên.

Trung tâm này có diện tích gần 22ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm sân tập và sân thi đấu hiện đại, tổ hợp khoa học thể thao và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, ký túc xá tiện nghi.

Mục tiêu của Trung tâm được xác định là cung cấp cho bóng đá Việt Nam những thế hệ cầu thủ trẻ có đạo đức, tri thức với thể lực và chuyên môn đạt chuẩn thế giới như khẳng định của ông Mike Farnan - nguyên Giám đốc Quan hệ quốc tế của Câu lạc bộ Manchester United và là nhà tư vấn của PVF: "Tầm vóc và sự đầu tư của Vingroup cho công trình này sánh ngang các học viện bóng đá trẻ hàng đầu của nước Anh".

Hy vọng rằng, với khoản thưởng tiền tỷ cho đội tuyển sau Giải vô địch U23 châu Á 2018 từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn FLC, Tập đoàn HAGL... và khoản tài trợ 5 tỷ đồng cho VFF từ Hưng Thịnh Corp. cùng sự đầu tư bài bản, đóng góp đầy tâm huyết của khối doanh nghiệp tư nhân, bóng đá Việt Nam sẽ nâng tầm khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau thành tích của U23 Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO