Khó ở đâu, vì sao không làm sớm được?

LÊ VĂN TỨ| 24/06/2009 00:38

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã yêu cầu sớm sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, một bức xúc của đông đảo cử tri nhằm xóa bỏ nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực không đáng có trong lĩnh vực đất đai lâu nay.

Khó ở đâu, vì sao không làm sớm được?

- Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã yêu cầu sớm sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, một bức xúc của đông đảo cử tri nhằm xóa bỏ nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực không đáng có trong lĩnh vực đất đai lâu nay.

 1) Khiếu kiện liên quan tới đất, trong đó có nhiều vụ đông người, kéo dài, vượt cấp, chiếm tới 70-80% tổng số khiếu kiện.

2) Nhiều người đưa nhau ra tòa, trong đó có cả những người thân tộc, cũng vì tranh chấp đất.

3) Không ít quan chức, từ phường xã, tới quận huyện, rồi cả tỉnh thành, bị truy tố và tù tội vì “ăn đất”.

4) Hầu hết công trình xây dựng khi triển khai đều có vướng mắc về đền bù, giải tỏa. Tiến độ thi công chậm, có khi ngừng trệ, chi phí đội lên.

5) “Quy hoạch treo” diễn ra phổ biến, nhiều quyền công dân bị vi phạm, dân khổ, chính quyền nhiều nơi muốn xóa cũng không được.

Đến nay, Luật Đất đai đã có ba lần sửa đổi vào các năm 1998, 2001 và 2003. Vậy mà sau đó vấn đề sửa đổi lại được đặt ra và đã từng được ghi vào chương trình làm luật năm 2008 của Quốc hội. Theo lời Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên tại Quốc hội, việc sửa đổi toàn diện chỉ có thể bắt đầu từ 2010 và phải tới nhiệm kỳ sau mới có thể trình Quốc hội xem xét.

Trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định xử lý những bức xúc cần giải quyết ngay, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư..., còn các vấn đề lâu dài như thời hạn giao đất, bảy quyền của dân, bốn quyền của Nhà nước, hạn điền, tích tụ ruộng đất phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Thực tế và kết quả các cuộc sửa đổi luật đã làm và đang làm nêu trên cho thấy đây quả là một việc khó khăn, nhưng tại sao khó và không thể làm sớm hơn?

Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đang tiếp tục tiến hành - Ảnh: Quý Hòa

Thời kỳ đổi mới, chuyển nền kinh tế tập trung bao cấp công hữu hóa thành nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, chính sách đất đai sở hữu toàn dân tiếp tục được khẳng định và những hiện tượng tiêu cực liên quan đến đất bắt đầu nảy sinh và lan rộng. Phải chăng đó là sự biểu hiện trong cuộc sống khi chính sách và luật pháp về đất đai chưa phù hợp với thực tiễn.

- Theo ý người viết, trong việc xây dựng chính sách và pháp Luật Đất đai thời kỳ đổi ới, cần nhận thức và quán triệt được những đặc điểm kinh tế - xã hội mới, khác trước.

1) Trong xã hội đã xuất hiện những nhóm lợi ích khác nhau. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước, với tư cách cơ quan quyền lực xã hội, phải đóng vai trò điều hòa các nhóm lợi ích, không để cho có nhóm quá lợi, có nhóm quá thiệt.

2) Để đóng được vai trò này, Nhà nước đứng trên các nhóm lợi ích, quản lý đất với tư cách cơ quan quyền lực xã hội, thực hiện chức năng quản lý nhà nước (xây dựng pháp luật, giám sát thi hành và chế tài vi phạm), không tham gia vào các quan hệ đất đai như một bên quan hệ.

3) Với các vai trò trên, các quan chức có thẩm quyền dễ trở thành đối tượng “tranh thủ” của các nhóm lợi ích và bản thân cũng có điều kiện lạm dụng trục lợi, nếu Luật Đất đai không đủ rõ ràng, minh bạch, ổn định và thực hiện nghiêm chỉnh.

Cũng cần phải thấy rằng ý tưởng về một chính sách đất đai phù hợp với kinh tế thị trường không phải đến nay mới xuất hiện, mà đã hình thành từ năm 1992. Tiếc rằng những ý tưởng đó không được quán triệt trong Luật Đất đai. Hãy điểm lại hai Hiến pháp được thông qua từ sau ngày thống nhất đất nước:

Hiến pháp 1980 (HP-80) thể chế hóa chế độ kinh tế - xã hội thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp công hữu hóa và Hiến pháp 1992 (HP- 92) đánh dấu thời kỳ kinh tế thị trường nhiều thành phần. Mỗi Hiến pháp đều có hai điều quy định về chế độ đất đai, trong đó có hai điểm trước sau không đổi:

1) Đất thuộc sở hữu toàn dân.

2) Nhà nước quản lý đất theo quy hoạch và pháp luật. Phải chăng hai điểm không thay đổi này đã dẫn tới ngộ nhận cho rằng chính sách đất đai thời kỳ hiện nay cơ bản không khác với thời kỳ bao cấp và khó khăn trong sửa đổi Luật cho phù hợp với thời kỳ mới nằm ở đó?

Song HP-92 có hai điểm mới về chính sách đất đai so với HP-80:

1) Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài (HP-80 chỉ quy định cho người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng);

2) Tổ chức, cá nhân được giao đất có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (HP-80 không đề cập tới vấn đề này).

Như vậy, tuy vẫn khẳng định chính sách sở hữu đất toàn dân, nhưng HP-92 đã xác định người sử dụng đất là tổ chức, cá nhân và người quản lý đất là Nhà nước, trong đó tổ chức, cá nhân được “sử dụng đất ổn định lâu dài”, còn Nhà nước “thống nhất quản lý theo quy hoạch và pháp luật”.

- Vậy là nội dung chính sách đất đai đã được điều chỉnh theo hướng kinh tế thị trường. Theo hướng đó, Luật Đất đai 1993 đã cụ thể hóa thêm hai điểm:

1) Mở rộng nội hàm khái niệm quyền sử dụng đất, không chỉ là sử dụng công năng của đất, mà còn gồm cả chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, góp vốn. Quyền sử dụng đất đã tương đương quyền sở hữu đất.

2) Tổ chức, cá nhân được giao đất phải nộp tiền sử dụng đất theo giá do chính quyền địa phương quy định sát với giá thị trường. Khoản nộp này là gì nếu không phải là tiền mua quyền sử dụng đất? Đã có cơ sở để nói về sở hữu quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân. Cơ sở pháp lý cho thị trường đất đai hình thành và vận hành đã có đủ.

- Tuy vậy, khi đi vào xử lý các vấn đề cụ thể trong Luật Đất đai 1993, rồi cả Luật 2003, các nhà làm luật đã không cụ thể hóa nhất quán được ý tưởng chính sách nêu trên, tư duy cụ thể không theo kịp tư duy định hướng. Vì vậy mà sửa mãi vẫn chưa thoát khỏi cơ chế thời bao cấp.

- Có cơ sở để thấy được khó khăn chưa vượt qua được trong sửa đổi Luật Đất đai lâu nay là ở tư duy. Cho nên điều kiện để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là đổi mới tư duy, một việc có thể nhanh, cũng có thể chậm, tùy thuộc sức trì kéo của tư duy cũ. Nếu đổi mới được tư duy, Luật Đất đai mới có thể được soạn thảo và thông qua ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII này.

- UBND TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác bối thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) vào cuối tháng 6/2009.

 Theo báo cáo của Ban quản lý Đường sắt đô thị, tiến độ đền bù giải tỏa của dự án này hiện nay đang rất chậm so với kế hoạch. Trong khi đó, diện tích đất phải giải tỏa của dự án rất lớn, hơn 322.000m2 của 287 hộ và 13 cơ quan.

Gói thầu xây lắp duy nhất đã khởi công của dự án này là Depot (ga dừng và bảo trì) quận 9 rộng 28ha. Gói thầu này bắt đầu khởi công từ đầu năm 2008, đến nay đã hoàn tất được khoảng 70% khối lượng. Dự án tuyến Metro số 1 dài 19,7km, sẽ được đưa vào khai thác chính thức vào đầu năm 2014.

- Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh đã khởi công xây dựng khu căn hộ BCCI - Tân Tạo 1 nằm trong khu dân cư Bắc Lương Bèo tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh.

Đây là dự án được đầu tư theo chủ trương phát triển quỹ nhà ở đô thị của TP.HCM, phục vụ chương trình nhà ở trả góp, cho thuê. Công trình được xây dựng trên diện tích 12.621m2, bao gồm 4 khối chung cư 16 tầng và khối nối tầng 1 với 480 căn hộ, tổng diện tích sàn 57.868m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 574 tỷ đồng.

Mỗi khối chung cư có 4 thang máy, 2 thang bộ, lối đi lại giữa các khu tối thiểu 2,5m. Căn hộ có diện tích sử dụng từ 46,59m2 đến 162,16m2. Khi hoàn thành, phần lớn công trình để tái định cư cho người dân trên địa bàn thành phố số còn lại bán cho người có thu nhập trung bình.

Đây là dự án thứ 3 (sau khu căn hộ Nhất Lan và khu căn hộ Da Sà) được BCCI chọn để bán cho thành phố thực hiện tái định cư.

K.V

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó ở đâu, vì sao không làm sớm được?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO