Gỡ vướng cho các chung cư sai phạm trong việc giao đất

DUY KHÁNH| 16/12/2018 06:40

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý các chung cư sai phạm trong việc giao đất nhưng đã bàn giao nhà cho khách hàng, hoặc dự án đang thực hiện dở dang.

Gỡ vướng cho các chung cư sai phạm trong việc giao đất

Thiệt hại nhiều bên

Theo HoREA, các chung cư này chủ yếu liên quan đến mặt bằng thuộc sở hữu Nhà nước, nhà xưởng thuộc diện di dời vì gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị, nhưng đã được giao đất theo phương thức chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu giá công khai. Trong đó có những khu nhà đã hoàn thành và người mua nhà đã vào ở ổn định; những khu nhà đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua; những khu nhà chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua dù đã được giao nhà; những khu nhà đang đầu tư, xây dựng dở dang...

Link bài viết

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, ngày 7/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo: "Trong thời gian chờ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương khác, UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời báo cáo tình hình thực hiện quyết định nói trên trong thời gian qua ở bộ, ngành, địa phương cho Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. 

Do vậy, theo HoREA, các dự án nói trên đã tạm dừng thực hiện cho đến nay, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Luật sư Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM đặt vấn đề, hiện nhiều khu nhà bị đề xuất tạm dừng đã chuyển nhượng cho nhiều đời, đến nay chủ cũ không còn liên quan đến việc đóng tiền sử dụng đất, chuyển đổi chức năng khu đất nữa. Nếu bị tạm dừng sẽ phát sinh nhiều rắc rối, có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện giữa chủ khu đất cũ và chủ khu đất mới, giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng tất cả các công đoạn xác định tiền sử dụng đất thuộc về Nhà nước, trong suốt quá trình này doanh nghiệp không được tham gia. Đến khi ra được số tiền sử dụng đất, phía chính quyền thông báo bao nhiêu, doanh nghiệp cũng phải nghe theo. Do đó, những sai phạm của cơ quan công quyền không thể bắt doanh nghiệp, người dân chịu trách nhiệm, thiệt hại. 

"Khi một dự án dừng lại sẽ kéo theo biết bao thiệt hại và phát sinh bao hệ lụy. Để minh bạch tiền sử dụng đất, tránh thất thoát, đã nhiều lần UBND TP.HCM và doanh nghiệp kiến nghị nên xem đó như một sắc thuế, tính bằng 10 - 15% bảng giá đất", ông Quang nói.

Đề xuất cho tiếp tục triển khai

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, HoREA kiến nghị Thủ tướng vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Việc này nhằm mục đích hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án. Còn người mua nhà không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).

HoREA còn kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành các quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những quyết định cũ không còn phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Việc sửa Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất, sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu "chân gỗ", "quân xanh, quân đỏ" cũng được HoREA kiến nghị với Thủ tướng.

HoREA rất hoan nghênh và nhất trí với ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về nguyên tắc xử lý các khu nhà sai phạm trong việc giao đất nhưng đã bàn giao nhà cho khách hàng, hoặc dự án đang thực hiện dở dang. Phương án đưa ra là những dự án doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu Thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhưng dự án được tiếp tục làm.

Dự án sẽ không bị dừng nếu không vi phạm về quy hoạch để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi. Nếu doanh nghiệp có những vi phạm khác thì xem xét xử lý sau. Khi triển khai các dự án, UBND TP.HCM sẽ tham khảo ý kiến của các sở, ngành, không để xảy ra ách tắc, gây thiệt hại cho Thành phố, người dân và doanh nghiệp.

Một kiến nghị nữa của HoREA là việc ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, và Chính phủ đã ban hành các Nghị định 151/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 63/2018/NĐ-CP để triển khai, thực hiện luật này.

Nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, đến nay vẫn còn thiếu nghị định của Chính phủ để thay thế Quyết định 23/2015/QĐ-TTg (nay đã hết hiệu lực) quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), để đảm bảo tính đồng bộ khi thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, trước mắt, để khắc phục lỗ hổng pháp lý do chưa ban hành nghị định này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành nghị quyết để chỉ đạo thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ vướng cho các chung cư sai phạm trong việc giao đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO