Giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng

Anh Khoa| 29/08/2022 01:00

Dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế đang có dấu hiệu "đứt gãy", khi nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận được ngân hàng (NH)...

Giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng

Linh hoạt sử dụng vốn

Sau giai đoạn suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế đã dần hồi phục và bắt đầu tăng trưởng ngay từ đầu năm 2022. Chỉ trong quý I, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hơn 4% và kết thúc nửa đầu năm đã leo lên mức 9,35%, trong khi mục tiêu đặt ra năm nay chỉ ở mức 14%.

Theo xu hướng chung, dư nợ cho vay tại nhiều NH tăng đáng kể và sớm sử dụng hết chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho. Như VPbank dư nợ cho vay khách hàng tăng 10% trong nửa đầu năm, BIDV tăng 9%, Techcombank tăng 13%, MBBank tăng 14%, Vietcombank tăng 15%. Hệ quả là thời gian gần đây, nhiều khách hàng dù có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận được dòng vốn tín dụng của NH.

Đáng lưu ý là không ít NH thời gian qua đã linh hoạt phát triển tín dụng, khi chủ động giảm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để có vốn cũng như thêm dư địa cho vay khách hàng. Do TPDN theo quy định tính vào dư nợ cấp tín dụng của các NH, vì vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các NH cũng bao gồm số dư đầu tư TPDN.

Chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư gần đây, ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc Tài chính doanh nghiệp Techcombank, cho biết, Techcombank đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần TPDN lớn để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân. Cụ thể, dư nợ trái phiếu giảm từ 77.000 tỷ đồng xuống còn 49.000 tỷ đồng trong quý II, tương ứng giảm 36%. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021 và 25% so với quý I; tỷ lệ vay mua nhà trong danh mục sản phẩm cho vay cá nhân tăng từ 78% lên mức 82%.

Hay như tại Ngân hàng Đông Nam Á, số dư TPDN giảm ròng 5.165 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 955 tỷ đồng. Sacombank cũng giảm 1.431 tỷ đồng, trong khi các NH như BIDV, VIB thu hẹp lượng TPDN nắm giữ với mức giảm ròng hơn 300 tỷ đồng. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, TPBank đã chủ động giảm 4.300 tỷ đồng số dư TPDN trong ba tháng vừa qua để dành room cho tăng trưởng tín dụng trong đầu quý III/2022. 

Cuối tháng 6, Vietcombank nắm giữ 11.608 tỷ đồng TPDN, giảm 1,9% so với hồi đầu năm trước và giảm 0,7% so với cuối tháng 3 vừa qua. Tương tự, VietinBank cũng giảm 18% quy mô danh mục TPDN trong quý vừa qua, xuống còn 10.967 tỷ đồng. MBBank  giảm sở hữu 900 tỷ đồng TPDN trong quý II, còn tỷ lệ TPDN/tổng dư nợ của VPBank đã giảm 0,23 điểm % so với cuối quý I, xuống còn 9,77%; MSB hạ tỷ trọng cho vay lĩnh vực này xuống còn 2,7% tổng dư nợ từ mức 3,2% vào cuối quý I/2022.

Có thể thấy, trong khi chờ đợi được nới thêm room, các NH đã linh hoạt trong phát triển tín dụng, hướng dòng vốn vào các phân khúc có biên lợi nhuận tốt hơn, như cho vay cá nhân, giảm lượng nắm giữ TPDN, nhất là khi kênh đầu tư này thời gian qua cũng liên tiếp bị cảnh báo, đồng thời tình trạng cạn room cho vay buộc các NH phải đẩy mạnh bán sản phẩm, dịch vụ khác, như bảo hiểm hay thẻ, để giữ nhịp tăng trưởng. 

Chờ nới thêm room

Dĩ nhiên vẫn có những NH dù đã chủ động giảm số TPDN nắm giữ trong quý II nhưng vẫn cao hơn so với đầu năm nay như SHB, VPBank, TPBank, MBBank... Vì vậy, không loại trừ khả năng các NH này sẽ tiếp tục giảm bớt lượng TPDN để có dư địa cho vay.

Có lẽ các NH cũng sẽ sớm được nới thêm room tín dụng để có thể đẩy vốn ra nền kinh tế, đáp ứng lộ trình phục hồi. Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, NHNN sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số NH từ cuối quý III/2022. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá NHNN vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối và do vậy thời gian tới là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, SSI Research cho rằng mức tăng sẽ không mạnh và phân hóa giữa các NH.

Trong khi chờ đợi được nới thêm room, các NH đã linh hoạt phát triển tín dụng, hướng dòng vốn vào các phân khúc có biên lợi nhuận tốt hơn, như cho vay cá nhân, giảm lượng nắm giữ TPDN, nhất là khi kênh đầu tư này thời gian qua liên tiếp bị cảnh báo.

Bối cảnh kinh tế hiện nay cũng cho phép NHNN linh hoạt hơn trong chính sách, với việc nới lỏng tín dụng và giữ ổn định lãi suất. Áp lực lạm phát đang giảm, với CPI tháng 7 tăng 0,4%, thấp hơn mức tăng 0,7% trong tháng 6, trong đó chỉ số giá giao thông giảm 2,9% so với tháng trước nhờ giá xăng dầu giảm.

Bên cạnh đó, NHNN đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất với quy mô 43.000 tỷ đồng, cung cấp lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm cho các DN bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, bao gồm DN vừa và nhỏ, DN tham gia vào một số công trình trọng điểm quốc gia và DN kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải). Do đó, cần phải sớm nới room để triển khai hiệu quả các chương trình này.

Cần lưu ý là nếu như DN không thể tiếp cận vốn tín dụng, dòng vốn tắc nghẽn, sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng đứt gãy. Rõ ràng khi DN thiếu vốn nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào, tất yếu ảnh hưởng lên nguồn cung trong nền kinh tế và có thể dẫn đến áp lực lạm phát trở lại do thiếu hụt hàng hóa. Ngoài việc khai thông dòng vốn tín dụng, Chính phủ có thể xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế VAT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để đảm bảo chi phí sản xuất giảm thì DN mới có sức phục hồi, sản xuất, kinh doanh tốt hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO