Chuyên gia nói gì về động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?

Phan Linh| 27/09/2022 02:55

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này chưa thể bỏ trần lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là thời điểm nhập khẩu lạm phát tràn lan trên thế giới...

Chuyên gia nói gì về động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trao đổi với phóng viên VnEconomy, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này chưa thể bỏ trần lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là thời điểm nhập khẩu lạm phát tràn lan trên thế giới...

*Thưa ông, đã rất lâu, Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất điều hành  tái chiết khấu, tái cấp vốn, cho vay bù đắp thanh toán bù trừ, ông nhận xét gì về động thái này?

-Khi một ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên thì đó là tín hiệu của chính sách thắt chặt tiền tệ. Nôm na là như vậy.

Vừa qua, nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất chứ không chỉ riêng Mỹ đâu. Ngoài FED còn có Nhật, Nam Phi, Indonesia, Philippines, Đài Loan…; lạm phát đang tràn lan thế giới và nhập khẩu lạm phát trở nên phổ biến. Các quốc gia hầu hết đều nhập khẩu nhiều, dẫn đến nhập khẩu lạm phát, nội tệ có nguy cơ mất giá so với USD. Do vậy, tăng lãi suất cũng là cách để cứu  đồng nội tệ đừng mất giá quá.

*Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia và kể cả Việt Nam đều muốn nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đang đi ngược lại xu hướng này, quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?

-Hiện nay, các nước bơm tiền ra rất nhiều để hỗ trợ nền kinh tế trong 2 năm đại dịch thông qua nới lỏng lượng tài khoá, tiền tệ. Lạm phát không phải 2022 mới xuất hiện mà bắt đầu từ tháng 7, tháng 8/2021 đã xuất hiện. Nhiều chuyên gia trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam đều nhận định lạm phát chỉ tạm thời, đến tháng 1/2022 hoặc tệ lắm là đến nửa đầu năm 2022 sẽ được kiểm soát và đi xuống. Tuy nhiên, sự bùng nổ lạm phát tràn lan trên thế giới đã cho thấy, diễn biến các nhân tố bên ngoài rất bất ổn và khó lường.

Lập luận của họ như sau, do đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hoá không liên thông các thị trường với nhau. Bây giờ tôi tìm cách kết nối lại chuỗi cung ứng thì hàng hoá sẽ dồi dào và giá cả sẽ giảm xuống. Cho nên tôi thực hiện chính sách lãi suất thấp để cứu các doanh nghiệp đang yếu đi do Covid-19.

Các nước đều hiểu rằng tăng lãi suất thì được việc chống lạm phát nhưng sẽ phục hồi kinh tế khó khăn. Nhưng đến một lúc nào đó thì họ phải chấp nhận hy sinh. Ví dụ như Mỹ, hậu quả khi tăng lãi suất là tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường lao động sẽ cao; tăng trưởng kinh tế giảm tốc…Đây thực sự là lựa chọn khó khăn.

-3100-1664248591.jpg

Tiến sĩ Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia 

*Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có liên quan mật thiết đến câu chuyện chênh lệch lãi suất “đô - đồng” và xu hướng nắm giữ USD trên thị trường, ông nói gì về vấn đề này?

-Việc nâng lãi suất điều hành lần này không đến mức “thắt chặt tiền tệ” mà chỉ là mong muốn tạo ra sự chênh lệch lãi suất “đô – đồng” rộng hơn để bảo đảm rằng, người nắm giữ VND luôn có lợi hơn nắm giữ USD.

Trong lý thuyết tỷ giá hối đoái, điểm hoán đổi tiền tệ (Swap point) thể hiện mức độ chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền A và B. Nếu chênh lệch dương thì hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng tiền A, theo đó, người nắm giữ đồng tiền A có lợi. Đồng tiền A có lãi suất cao hơn lãi suất đồng tiền B thì tỷ giá của đồng tiền A cũng mạnh hơn đồng tiền B. Đó là mới chỉ nói tương quan về lãi suất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ tương quan về lãi suất mà còn tương quan về an toàn đồng vốn, đó là đồng USD. Cứ nôm na thế này, ra giữa biển khơi, nhìn thấy hòn đảo nào an toàn thì mình trú ngụ ở đó, USD là một hòn đảo. Cho nên, khi USD tăng lãi suất và mạnh lên thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất, tạo ra điểm Swap point hỗ trợ cho giá trị VND.

*Song song với tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức từ 4% lên 5%, tại sao vẫn phải dùng trần lãi suất huy động, thưa ông?

-Trả lời câu hỏi này thì phải liên hệ đến tình hình thực tế về lãi suất bùng lên vượt trần trong các năm từ 2009 đến 2010, có thời điểm lãi suất cho vay lên đến hơn 20%/năm. Nước lên thì thuyền lên, nước là lãi suất huy động, thuyền là lãi suất cho vay. Thế bây giờ muốn thuyền không lên thì nước đừng lên. Vậy thì tôi thiết lập một cái trần lãi suất huy động. Xây trần lãi suất huy động để các ngân hàng không vượt qua trần lãi suất huy động đó. Mọi người đều phải gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp và như vậy ngân hàng thương mại không thể cho vay với lãi suất cao được.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã bỏ đi trần lãi suất huy động của các kỳ hạn các mà chỉ duy trì trần lãi suất của tiền gửi dưới 6 tháng thôi. Mức 4% thấp quá thì phải nâng lên thôi.

*Với Việt Nam, việc tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hồi phục nền kinh tế?

-Tăng lãi suất để bảo vệ nội tệ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của cả thế giới và được truyền dẫn vào Việt Nam. Thế giới đã phải chần chừ hành động vì kiểm soát được lạm phát thì phục hồi kinh tế khó khăn. Đó là sự chọn lựa không dễ dàng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói hôm 22/9: “Tôi đã nghĩ có cách nào ít đau đớn hơn không nhưng mà cuối cùng thì không tìm ra”. Mỹ buộc phải chấp nhận thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn, tăng trưởng giảm tốc từ 1,7% xuống còn 1,1% - 1,2%.

Với Việt Nam, nếu tăng lãi suất thì chắc chắn kéo theo chi phí vốn huy động tăng, cho vay lập tức cao, mặc dù Chính phủ rất mong muốn lãi suất thấp. Giá vốn tăng thì giá bán phải tăng nhưng trong trường hợp này, muốn giá bán thấp như kỳ vọng thì phải kết hợp nhiều chính sách khác. Khó mà làm được thì mới quý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên gia nói gì về động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO