Bóc tách tăng trưởng tín dụng quý III

Khánh Phương| 03/10/2019 04:51

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm tiếp tục chậm lại và thấp hơn cả tăng trưởng huy động vốn, chủ yếu do hoạt động cho vay đã chậm lại đáng kể trong quý III. Diễn biến này bắt nguồn từ việc các ngân hàng kiểm soát chặt hơn vốn đầu ra cũng như trước nỗi e ngại của các khách hàng muốn vay vốn.

Bóc tách tăng trưởng tín dụng quý III

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 là 8,74%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,68%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 là 9,15%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4%, thấp hơn khá nhiều so với con số cùng kỳ năm 2018 là 9,52%.

Việc các chỉ tiêu của ngành ngân hàng tăng trưởng chậm lại cho thấy những khó khăn và thách thức mà các nhà băng đang đối mặt. Số liệu công bố trên cũng cho thấy một diễn biến bất ngờ là tăng trưởng tín dụng đã rớt về mức thấp hơn tăng trưởng huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán, với mức chêch lệch tương ứng là âm 0,28% âm 0,04%.

Link bài viết

Nhìn lại số liệu công bố hồi cuối tháng 6, khi đó tăng trưởng tín dụng là 7,33%, vẫn đang còn cao hơn 1,24% so với tăng trưởng huy động vốn và cao hơn 1,28% so với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán. Hay trước đó số liệu công bố quý I đầu năm - thời điểm nhu cầu vay rất thấp, thì tăng trưởng tín dụng vẫn cao hơn 0,18% so với tăng trưởng huy động vốn.

Như vậy, có thể nói tín dụng trong quý III vừa qua đã chậm lại đáng kể. Cụ thể, nếu tách riêng ra thì tăng trưởng tín dụng trong quý III chỉ đạt vỏn vẹn 1,07%, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,9% của quý I và hơn 5,4% của quý II.  Ở chiều ngược lại, tăng trưởng huy động vốn riêng trong quý III lên đến 2,59% và tổng phương tiện thanh toán là 2,39%, tuy vẫn thấp hơn mức tăng trưởng của quý II lần lượt là 4,37% và 3,51%, nhưng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng.

Diễn biến tại hai thành phố lớn cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm là 9,5%, thấp hơn mức tăng 9,7% của huy động vốn. Trong đó, tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,5% tổng dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,1%; cho vay đối với bất động sản chiếm 7,6%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 8,8%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,4%

Còn tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong 9 tháng năm nay ước tăng 9,2% so với cuối năm 2018 và tăng 11,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn các năm trước, cụ thể xét theo giai đoạn 9 tháng các năm 2016, 2017, 2018 tín dụng tăng tương ứng 11,9%, 12,41%, 10,92%. Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng trên địa bàn này cao hơn mức tăng trưởng huy động vốn 9% so với đầu năm 10,84% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy nhu cầu vốn trên địa bàn năng động này vẫn khá cao.

Rõ ràng khi tăng trưởng huy động vốn chậm lại, các ngân hàng cũng khó có thể đẩy mạnh cho vay, dù mục tiêu tăng trưởng 14% của toàn ngành cho năm nay vẫn còn rộng đường để phát triển. Ngoài ra, việc NHNN thời gian qua kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cấp tín dụng như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại các nhà băng cũng làm hạn chế lên con số tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, trước diễn biến mặt bằng lãi suất gần đây có xu hướng dâng lên, nhất là khi nhiều khi ngân hàng thi nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất khủng cũng đã tác động lên lãi suất cho vay, do đó khách hàng cũng e ngại đối với các khoản vay vốn ngân hàng. Việc NHNN giảm một loạt lãi suất điều hành vừa qua hiện cũng chưa có những tác động rõ ràng lên mặt bằng lãi suất huy động, do đó càng khó kéo lãi suất cho vay xuống như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóc tách tăng trưởng tín dụng quý III
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO