Xài sang là người châu Á

THANH TÂM| 15/01/2010 04:15

Khủng hoảng kinh tế càng cho thấy rõ người châu Á thực sự là khách hàng tiềm năng của hàng hiệu. Niềm đam mê hàng xa xỉ của họ có thể vượt qua mọi trở ngại về tài chính...

Xài sang là người châu Á

Theo khảo sát “Thị trường xa xỉ phẩm thế giới” hằng năm của Bain & Company, khủng hoảng kinh tế khiến doanh thu năm 2009 của các thương hiệu lớn giảm 16% tại Mỹ, 10% tại Nhật và 8% tại châu Âu. Tuy nhiên, tổng tiêu thụ thời trang cao cấp tại châu Á lại tăng 10%. Bên cạnh đó, giai đoạn 2009-2010, có 300 tiệm bán lẻ hàng chính hãng đã, đang hoặc sẽ sớm đi vào hoạt động, trong đó, 15% tại Trung Hoa lục địa; 25% những thành phố lớn của châu Á; 30% Trung Đông; 15% Đông Âu và Trung Á; 15% còn lại là tại Mỹ và những nơi khác trên toàn cầu.

Chuyên gia thời trang cao cấp Claudia D'Arpizio khẳng định: “Người tiêu dùng tại châu Á luôn chuộng dùng hàng hiệu. Họ là nhân tố chính tiếp thêm sinh lực cho ngành này năm 2009”. Cụ thể về phía doanh nghiệp, chủ sở hữu PPR của thời trang cao cấp Gucci Group báo cáo doanh thu quý III/2009 sụt giảm 7,6%, từ 4,9 tỷ USD xuống còn 4,56 tỷ USD. May thay, 1/3 thu nhập của Gucci tại các nước đang phát triển lại tăng, đặc biệt nhờ 38 tiệm bán lẻ tại Trung Hoa đại lục và Hồng Kông. Bốn hãng thời trang đứng đầu (LVMH, Richemont, Hermes và PPR) tăng từ 4% (LVMH) đến 30,8% (Hermes).

Tiêu thụ tại Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD hồi đầu năm 2009, chiếm 25% toàn cầu. Đến tháng 12/2009 thì con số đó đã lên 9,4 tỷ USD, chiếm 27,5% toàn cầu; dự đoán năm 2010 là 14,6 tỷ USD. Công ty nghiên cứu thị trường Synovate., Ltd thực hiện khảo sát trực tuyến 8.000 người tại 11 thị trường toàn thế giới. Kết quả cho thấy: 79% người trả lời phỏng vấn tại Ấn, 68% tại Hong Kong và 58% tại UAE chuộng hàng hiệu; con số này là 33 - 36% tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Khảo sát còn cho biết, tại châu Âu, chỉ có nhóm người khá giả mua hàng hiệu. Nhưng tại châu Á, mọi người mua hàng hiệu trong những dịp đặc biệt. Họ không chỉ mua cho bản thân, mà còn dùng làm quà tặng. Mặt khác, một nửa người Mỹ trả lời khảo sát cảm thấy có lỗi khi mua xa xỉ phẩm, vì hàng hiệu vượt quá nhu cầu tiêu dùng thực tế. Ngược lại, người Ấn thấy hàng hiệu đại diện cho “chất lượng”, “phong cách sống” và “dấu hiệu của sự phát triển nền kinh tế”...

Lý giải nhu cầu tiêu thụ xa xỉ phẩm ngày càng tăng tại các nước đang phát triển, bà Radha Chadha, tác giả cuốn sách “Sự phổ biến của hàng hiệu” đã nhận định: Xa xỉ phẩm là cách hiện đại để phân biệt thứ bậc xã hội tại châu Á. Khi kinh tế phát triển, xã hội dần xuất hiện cách đánh giá con người dựa trên sở hữu tài sản.

Nhiều người khao khát chứng minh mình giàu, và thương hiệu nổi tiếng đắt tiền có logo dễ thấy là cách quảng cáo tốt nhất. Người nghiện xa xỉ phẩm bắt đầu với ví và túi xách, rồi tiến dần lên giày và đồng hồ, trước khi sắm quần áo và phụ kiện đắt tiền. Tại Trung Quốc, 62% nhóm 10% những người giàu nhất dưới 35 tuổi.

Đa phần, mua và xài hàng hiệu nhằm thể hiện cá nhân. Người Nhật mua hàng hiệu vì hai lý do. Một là không phải để nổi bật trong đám đông mà là để hòa vào xã hội vốn giàu có, hai là hàng xa xỉ nhất dành tặng cho sếp, nhưng bản thân người Nhật cũng chuộng mua sản phẩm có thiết kế nghệ thuật để tận hưởng đam mê cái đẹp cùng bạn bè.

Tại Hàn Quốc, các quý bà đại tư bản không khoe mẽ. Chỉ những bà vợ trung lưu mới chạy theo mỹ phẩm và thời trang hàng hiệu. Hồng Kông và Macau là nam châm thu hút người tiêu dùng từ Trung Hoa đại lục muốn tránh thuế cao. Cửa hàng bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ Piaget tại Wynn Macau hoạt động khấm khá nhất so với những tiệm khác trên toàn thế giới. Đặc biệt, nữ nhân viên văn phòng tại Hồng Kông thường xài hàng dùng rồi vì không đủ tiền mua hàng mới nhưng tuyệt đối không xài hàng giả...

Theo The Economist

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xài sang là người châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO