Đúng giờ - một phần của tác phong công nghiệp

LÃO PHƯƠNG| 26/02/2010 09:08

Sự lãng phí thời giờ ở VN vào loại nhất thế giới, trong đó, không chỉ là việc đi làm trễ, đi họp, đi dự đám cưới trễ mà việc gì cũng lề mề, từ thực hiện một kế hoạch lớn đến giải quyết một thủ tục hành chính...

Đúng giờ - một phần của tác phong công nghiệp

Đúng giờ là tác phong cần có của một xã hội văn minh

Trong buổi họp mặt toàn cơ quan sau những ngày nghỉ Tết vừa qua, nhân có mấy anh chị em đến trễ, sếp tôi kể chuyện từ một người bạn: Đã nhiều lần đi dự đám cưới phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ so với thời gian khai tiệc trong thiệp mời do có quá nhiều người sử dụng đồng hồ “dây thun”, đến khi cưới vợ cho con trai, anh ghi vào thiệp mời “Khai tiệc đúng 18 giờ, bế mạc đúng 20 giờ, không hơn không kém một phút”.

Anh thực hiện đúng y như vậy, dù khách mời còn thiếu một phần ba số bàn, mà trong số ấy có một vị cán bộ rất to, là cấp trên của cấp trên trực tiếp của anh. Hai đám cưới sau của con anh, anh cũng ghi trong thiệp mời như vậy, và rất mừng không khách mời nào đi trễ.
Vui chuyện, sếp tôi lại kể... đúng chuyện của mình. Mạn phép, tôi xin kể lại.

Mấy năm trước, sếp cưới vợ cho con trai, mời 18 giờ 30 mà chờ khách mãi nên 20 giờ 30 mới khai mạc được. Xong tiệc, sếp mệt phờ, muốn về nhà ngay thì có một vị khách đặc biệt đến, đặc biệt vì ông ấy là chủ một doanh nghiệp lớn, lại là đối tác khó thay thế. Sếp đang băn khoăn không biết tiếp đãi sao cho phải phép vì sảnh cưới đã được dọn dẹp, cô dâu chú rể đã lên phòng “khuyến mãi”, thì vị khách VIP ấy kêu người phục vụ lấy một chai rượu rất đắt tiền, nói: “Tôi xin lỗi vì đến trễ. Đây là ly rượu tự phạt để mong quý vị thông cảm”. Không thể không thông cảm, nhưng trong lòng sếp thì không vui, vì thà không đến do bận việc đột xuất nào đó với một lời xin lỗi, còn hơn là đến khi tiệc đã tàn làm cả chủ lẫn khách đều lúng túng.

Hai mẩu chuyện trên là trong vô vàn chuyện về đám cưới trễ ở TP.HCM và là cách xử sự “nhanh nhạy” của cả chủ lẫn khách, nhưng từ đó có thể liên hệ đến sự trễ nải giờ giấc của người Việt mình, mà nguyên nhân sâu xa, một là bắt nguồn từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và hai là chưa xây dựng được tác phong công nghiệp trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Cái nguyên nhân thứ nhất ấy có vẻ dễ “thông cảm”, nhưng nguyên nhân thứ hai thì sẽ có nhiều ý kiến phản bác. Chủ trương đề ra là đến năm 2020, nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển, tức là chỉ còn 10 năm ngắn ngủi. Vậy mà bây giờ con người chưa có tác phong công nghiệp - mà một trong những tác phong ấy là đúng giờ trong bất cứ công việc gì - thì làm sao vẻn vẹn trong một thập kỷ mà trở thành một nước công nghiệp phát triển được?

Tôi nhớ mãi đêm 15/5/1975, sau khi dự mít tinh mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gặp những phóng viên đi theo các cánh quân, tụ họp tại sân cỏ dinh Độc Lập, nói, đại ý, chiến lợi phẩm chúng ta thu được của đối phương vô cùng lớn, có thể đủ trang bị cho đội quân cả triệu người, nhưng lớn hơn thế là chúng ta tiếp quản được hệ thống giao thông đường bộ, đường không khá hiện đại; tiếp quản được Nha bản đồ Đà Lạt, nơi in tất cả bản đồ quân sự của địch mà tình báo ta có được, đặc biệt chúng ta tiếp quản được tác phong công nghiệp của thợ thuyền, của các ông bà chủ xí nghiệp, công ty, cả tác phong công nghiệp của viên chức Sài Gòn. Cả ba đại chiến lợi phẩm ấy sẽ phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng đất nước bắt đầu từ hôm nay.

Tiếc thay, chỉ có hệ thống giao thông và nhà in bản đồ là phát huy tác dụng ngay và ngày càng được nâng cấp, mở rộng, còn tác phong công nghiệp thì mai một dần do nền kinh tế vẫn nặng nề trong đường lối tập trung quan liêu, bao cấp. Từ ngày đất nước mở cửa hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tác phong công nghiệp dần khôi phục và phát triển nhưng rất chậm so với yêu cầu, do hệ thống tổ chức rườm rà, chồng chéo, rất nhiều công chức chưa phải là công bộc mà là công thần, công nhân thì lương quá thấp nên làm việc để đối phó hơn là tự giác; họp hành quá nhiều lại vô bổ... Từ đó hình thành nên thói quen trễ nải ngay trong cả một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ, trễ nải ngay cả khi đi dự đám cưới.

Sự lãng phí thời giờ ở nước ta đã được công nhận là vào loại nhất thế giới, mà trong đó việc đi làm việc trễ, đi họp, đi dự đám cưới trễ chỉ là một phần, phần lớn hơn nhiều, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia là việc gì cũng lề mề, từ thực hiện một kế hoạch lớn đến giải quyết một thủ tục hành chính...

Ai cũng thấy tác hại của việc trễ nải trong mọi việc, nhưng muốn chấm dứt tình trạng này, thiết nghĩ, trước hết phải có lòng tự trọng trong mỗi công dân, sự kiên quyết và làm gương của các vị có chức, có quyền trong quá trình xây dựng tác phong công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đúng giờ - một phần của tác phong công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO