“Venice phương Đông” cạn đáy

LĨNH ANH| 21/08/2009 08:17

Cả năm hồ nước lớn tự nhiên và nhân tạo từng giúp Udaipur (Ấn Độ) có biệt danh “Venice phương Đông” bây giờ cạn đáy...

“Venice phương Đông” cạn đáy

Udaipur, một thành phố ở bang Rajasthan, Ấn Độ được mệnh danh là “Venice phương Đông”, mới vừa được độc giả Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) bình chọn là “Thành phố du lịch xuất sắc nhất thế giới năm 2009”. Đây là lần đầu tiên một thành phố thuộc khu vực Nam Á chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng này nhưng cũng khiến người dân địa phương lo lắng hơn cho tương lai của thắng cảnh.

Chủ tịch Hiệp hội các khách sạn tại Udaipur Subhash Singh Ranawat nói rằng, được chọn là “Thành phố du lịch xuất sắc nhất thế giới” sẽ giúp thành phố Udaipur trở thành điểm đến của nhiều du khách quốc tế hơn nên rất cần thiết phải bảo tồn văn hóa, di sản, ẩm thực, thu gom rác thải, cấm sử dụng túi nhựa. Và quan trọng nhất là bảo quản các hồ nước ở thành phố này vì thiếu nước sẽ dẫn đến thiếu vắng du khách.

Năm 2008 đã có 186.000 du khách quốc tế đến thăm Udaipur, tức là nhiều hơn một năm trước đó 26.000 khách. Nếu cộng cả số khách Ấn Độ thì con số du khách thăm Udaipur trong năm 2008 là hơn 700.000. Nhưng cả năm hồ nước lớn tự nhiên và nhân tạo (hồ Pichola, hồ Udai Sagar, hồ Fateh Sagar, hồ Rajsamand và hồ Jaisamand) từng giúp Udaipur có biệt danh “Venice phương Đông” bây giờ cạn đáy đến độ các khách sạn quen sử dụng xe SUV vận chuyển khách qua lại thay vì dùng thuyền như trước đây.Thiếu nước, thành phố mất dần lực hút du khách nên cuộc sống của cư dân bị ảnh hưởng. Vì du lịch là kế sinh nhai của hơn 40% số 2,5 triệu người dân Udaipur.

Hồ Pichola, một trong những hồ lớn và lâu đời nhất (dài 4km, ngang 3km, tạo ra vào năm 1362), nằm ngay trung tâm thành phố và bao bọc đền Jag Mandir (xây dựng năm 1624 làm dinh thự của Shah Jahan, người sau này ra lệnh xây dựng đền Taj Mahal để thương nhớ vợ quá cố) và Lake Palace, một khách sạn rộng lớn, nguy nga làm bằng đá hoa cương trắng, xây dựng từ thế kỷ XVIII.

Khí hậu ở đây rất dễ chịu, đường phố sạch đẹp và ít xe cộ. Màu trắng bao phủ khắp thành phố với những ngôi nhà sơn bằng vôi trắng tạo vẻ đẹp dịu dàng, tinh khiết. Cảnh quan tuyệt đẹp của hồ Pichola này được xem là một trong những địa điểm lãng mạn, trữ tình nhất thế giới, rất lý tưởng cho các cặp uyên ương đến hưởng tuần trăng mật. Quanh hồ Pichola có bốn khách sạn sang trọng (Oberoi Udaivilas, Leela Palace Kempinski, Shiv Niwas và Fateh Prakash) và một bảo tàng thành phố. Nối hồ Pichola với hồ Saroop Sagar là một cây cầu cổ và từ hồ này lại có thêm hồ Fateh Sagar. Tạo nên cảnh đẹp thơ mộng nơi đây còn có rặng đồi Aravali, nơi vẫn thường thu hút du khách đi tham quan trên lưng lạc đà.

Không có nước, hồ trơ đáy, du khách không đến, khách sạn hoạt động cầm chừng, nhà hàng vắng khách, các sạp hàng lưu niệm xác xơ, cư dân Udaipur đang nóng lòng chờ ngày thành phố của họ có nhiều nước trở lại. Chính quyền bang đã đầu tư xây dựng một con kênh ngầm dài 13,5km dẫn nước vào hồ Pichola, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy công trình này chưa thể nhận nước vào cuối năm 2009 đúng như kế hoạch ban đầu. “Nếu không sớm có nước, Udaipur sẽ không còn là “Venice phương Đông”, du khách quốc tế và cả những Ấn kiều sinh sống và làm việc ở nước ngoài sẽ rủ nhau đến những Venice khác”, ông Ranawat than.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Venice phương Đông” cạn đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO