Tranh đua săn tìm khách du lịch

P.DŨNG NGUYỄN| 06/06/2009 01:26

Làm thế nào để đất nước mình thành một điểm đến thật hấp dẫn trong khi các nước trên thế giới đều đang ra sức săn tìm du khách? Khai thác các lễ hội truyền thống, tạo các sự kiện mới lạ đều là những công cụ dùng vào việc thu hút khách.

Tranh đua săn tìm khách du lịch

Làm thế nào để đất nước mình thành một điểm đến thật hấp dẫn trong khi các nước trên thế giới đều đang ra sức săn tìm du khách? Khai thác các lễ hội truyền thống, tạo các sự kiện mới lạ đều là những công cụ dùng vào việc thu hút khách.

Và để hai công cụ này thực sự phát huy tác dụng thì cần có một “nhạc trưởng” là Nhà nước đứng ra lãnh đạo, bơm kinh phí, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi. Nhưng để một quốc gia trở thành một địa chỉ du lịch lừng danh khắp năm châu thì còn cần đến cả ý thức, thái độ và nỗ lực của tất cả thành viên trong xã hội.

Một góc núi Phú Sĩ

Khai sinh cơ quan chuyên trách du lịch Nhật

Xét về các yếu tố địa lý, bề dày lịch sử, sự phong phú về truyền thống văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực thì nước Nhật không hề thiếu các “chất liệu” cốt lõi để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế. Núi Phú Sĩ, chợ cá ngừ ở Tokyo, các sân golf tuyệt vời, những suối nước nóng đặc biệt, truyền thuyết kiếm sĩ samurai, nghệ thuật trà đạo, trang phục kimono, các món sushi và các loại rượu saké... đều đã được sử dụng như những cục nam châm thu hút du khách khắp năm châu. Ngoài ra hạ tầng cơ sở giao thông vận tải của Nhật, từ đường hàng không, đường sắt, đường bộ đến đường thủy đều rất phát triển. Đây là điều kiện hoàn toàn thuận lợi cho phát triển du lịch.

Thế nhưng, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO, trực thuộc Liên Hiệp Quốc) thì nền công nghiệp không khói của xứ Phù Tang chẳng hề có trọng lượng lớn đáng nể nếu so với một số điểm đến khác ở châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Từ những năm 1980 đến nay Nhật vẫn nổi tiếng thế giới là thị trường xuất khẩu du khách ra nước ngoài nhiều hơn là nhận du khách đến thăm.

Năm 2006, Nhật chỉ thu hút được khoảng 7 triệu lượt khách quốc tế, tức chỉ bằng một nửa lượng du khách đến thăm đất nước Thái Lan và kém xa số 20 triệu lượt du khách đã thăm Đặc khu hành chính Hong Kong. Năm 2007, nhờ chiến dịch quảng bá Visit Japan với khẩu hiệu “Yosoko Japan” phát động lần đầu vào năm 2003 đã phát huy hiệu quả nên Nhật đón tiếp được 8,35 triệu lượt khách quốc tế.

Nhưng còn rất lâu Nhật mới có thể đạt được con số hơn 80 triệu du khách mà Pháp vẫn đón mỗi năm cũng như còn rất lâu mới có thể thu được 85 tỷ USD như nền công nghiệp không khói của Mỹ đã thực hiện được. Thủ tục xin cấp visa vào Nhật lâu nay nổi tiếng có nhiều khó khăn.

Thời kinh tế suy thoái, nền kinh tế Nhật không thể tiếp tục dựa nhiều vào xuất khẩu xe hơi và hàng điện tử tiêu dùng, hàng điện tử cao cấp nữa, đã đến lúc Tokyo phải quyết định xem du lịch là một trong những cột trụ lớn của nền kinh tế quốc dân. Vì thế vào tháng 10/2008, Cơ quan Du lịch Nhật Bản (Japan Tourism Agency) được chính thức ra đời. Một khởi đầu quá chậm trễ nhưng như mọi người vẫn thường nói, thà trễ còn hơn không.

Theo các nhà chuyên môn, để biến đất nước Nhật thành một điểm đến thực sự hấp dẫn - mục tiêu đề ra là vào năm 2010 thu hút được 10 triệu lượt khách và đến năm 2020 thu hút được 20 triệu lượt khách nước ngoài, chủ yếu là khách châu Á, trong đó nhắm thu hút thật nhiều du khách Trung Quốc - các viên chức của Cơ quan Du lịch Nhật có rất nhiều việc phải làm trong suốt một thời gian dài.

Khác biệt ngôn ngữ là “vật cản”, là “hàng rào”, là “chướng ngại vật” lớn nhất đối với đại đa số du khách nước ngoài khi thăm nước Nhật. Cho nên một trong những việc làm quan trọng nhất được nhắc đến trước tiên là phải gấp rút xây dựng đội ngũ nhân viên quản lý khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hướng dẫn viên du lịch... thông thạo ngoại ngữ, đặc biết là tiếng Anh, kế đến là tiếng Hoa, tiếng Hàn.

Các bảng chỉ dẫn trên đường phố cũng phải có thêm tiếng Anh (chúng chỉ mới lần đầu xuất hiện ở thủ đô Tokyo khi Nhật và Hàn Quốc đồng tổ chức World Cup 2002). Các bảng hướng dẫn bằng ngoại ngữ cũng phải được dựng lên ở vô số các đền đài, chùa chiền, lăng tẩm, di tích lịch sử, bảo tàng… trên khắp các hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên nước Nhật. Xin nhớ rằng Nhật hiện có đến hơn một chục địa danh được Unesco công nhận là những di sản của thế giới.

Họ cũng phải lập ra nhiều website quảng bá du lịch Nhật hiệu quả hơn, thân thiện hơn với người truy cập và sử dụng nhiều thứ tiếng nước ngoài. Và dĩ nhiên không thể thiếu các chương trình lữ hành khám phá đất nước Nhật đã được giảm giá tối đa vì lâu nay “giá cả cuộc sống ở Nhật rất đắt” đã trở thành lời ta thán của đông đảo du khách nước ngoài. Thực tế cho thấy các tour chuyên về shopping ở Nhật không thu hút được nhiều khách.

Một thách thức lớn khác dành cho Cơ quan Du lịch Nhật là làm sao để người dân Nhật cảm thông được với lối sống mới khi xuất hiện đoàn du khách nước ngoài. Có nghĩa là người Nhật cần cởi mở hơn, nhanh nhạy, cười nói, bắt chuyện với khách lạ. Nói ngắn gọn là người dân Nhật phải có tinh thần hiếu khách hơn thì nền công nghiệp không khói mới tăng trưởng mạnh được. Đây là nhận định của ông Hiromi Tagawa, chủ tịch JTB Corp.- công ty lữ hành lớn nhất ở Nhật. Sẽ phải có nhiều cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật thường thức hơn trước khi có những sự trao tiền, thẻ tín dụng.

Giáo sư Shuzo Ishimori ở Đại học Hokkaido, một chuyên gia về du lịch nói rằng: “Tầm quan trọng của du lịch, ở góc độ một nền công nghiệp góp phần vào giá trị tổng sản phẩm nội địa và ở góc độ giao lưu văn hóa giữa con người và con người chưa được hiểu trọn vẹn ở Nhật. Xã hội Nhật vẫn còn rất bảo thủ, hướng nội, cách biệt và khó chấp nhận những điều mới, lạ du nhập từ khách nước ngoài”. Theo ông để có “vụ nổ lớn trong ngành du lịch Nhật thì người Nhật trong xã hội Nhật cần phải thay đổi thái độ, cách nghĩ về du lịch”.

Chùa Vàng ở Nhật

Chuyện ở nước Hàn

Thay đổi quan điểm, cách ứng xử của người dân về vấn đề du lịch cũng đang được nói đến rất nhiều ở đất nước Hàn Quốc. Vì giống như ở Nhật, nền kinh tế Hàn cũng không còn khả năng tăng trưởng tốt nếu chỉ dựa vào xuất khẩu xe hơi, hàng điện tử. Công nghiệp du lịch phải được chú trọng khai thác mạnh hơn, hiệu quả hơn với mục tiêu đề ra là trong thời gian diễn ra Năm du lịch Hàn Quốc (Visit Korea) 2010-2012 phải thu hút mỗi năm được 10 triệu du khách quốc tế và doanh thu đạt 13 tỷ USD.

Và cũng giống như ở Nhật, mấy năm qua, Hàn Quốc bị thâm thủng lớn về lượng du khách, xuất khẩu nhiều khách hơn là đón nhận khách đến thăm. Năm 2003, người Hàn đi du lịch hải ngoại chi tiêu hết 2,94 tỷ USD nhưng năm 2007, số tiền mà 13,32 triệu lượt người Hàn Quốc (tăng 14,8% so với năm 2006) chi cho vé máy bay, tour lữ hành, shopping, ăn uống và ngủ nghỉ ở xứ lạ quê người đã vọt lên hơn 10 tỷ USD. Ngược lại, số du khách nước ngoài đến thăm Hàn Quốc chỉ là 6,44 triệu lượt, tăng 4,8% so với năm 2006.

Tuy là nền kinh tế lớn hạng thứ 13 trên thế giới nhưng ở khoản thu hút du khách quốc tế, Hàn Quốc chỉ xếp hạng thứ 36. Doanh thu của công nghiệp không khói Hàn Quốc khoảng 5,8 tỷ USD/năm, xếp hạng thứ 35 toàn thế giới. Đáng buồn vì theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), đất nước chỉ xếp hạng 7 trong danh sách 8 quốc gia châu Á có nhiều thuận lợi nhất để thu hút du khách quốc tế.
Theo các nhà chuyên môn để nền công nghiệp du lịch Hàn Quốc phát triển bền vững, để Hàn Quốc thực sự là nơi rất nhiều du khách biết đến và tìm đến thì đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ, chung lưng đấu cật giữa hai lĩnh vực “công” và “tư”.

Họ nói rằng mấy năm qua, nhà nước Hàn đã không thể phát triển nhiều chương trình quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân tộc ở thị trường thế giới mà chỉ tập trung công sức, tiền của quảng bá ở một lĩnh vực duy nhất là “hallyu”, tức nền văn hoá pop Hàn Quốc. Mà Hallyu thì chỉ có sức hút ở một số thị trường châu Á mà thôi.

Họ nói đến sự cần thiết “tái định vị”, “tái thương hiệu hóa” nền công nghiệp du lịch Hàn trong thời buổi mọi nước châu Á đang ráo riết phát triển du lịch, cạnh tranh ác liệt để giành nguồn du khách quốc tế. Họ thất vọng phát biểu rằng hầu hết các danh lam, thắng cảnh, món ngon, vật quý... của Hàn đều hoàn toàn xa lạ đối với đám đông du khách ở thị trường không khói toàn cầu. Họ buồn vì kho tàng du lịch hữu hình và vô hình của Hàn Quốc đã không được “chào bán” xuất sắc bằng ở một số các nước châu Á có ít kho tàng du lịch hơn.

“Hàn Quốc đã có sẵn danh thơm là một đất nước có nền công nghiệp điện tử phát triển tiên tiến với những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo... nên không có nhiều khó khăn để xây dựng cho mình một thương hiệu quốc gia có hấp lực lớn. Nhưng để làm được điều ấy, Hàn Quốc cần có sự tái định vị trong thế giới, trong cảm nhận của người dân địa cầu”. Đấy là nhận định của ông Thomas Cromwell, Chủ tịch East-West Communications, một công ty chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu quốc gia và truyền thông có trụ sở chính ở Washington D.C, Mỹ.

Theo ông, phát triển các tiềm năng du lịch sẵn có, quảng bá chúng trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở các thị trường lớn chính là cách tốt nhất để thương hiệu quốc gia Hàn Quốc được biết đến nhiều hơn. “Hiện nay, ở khoản này, Hàn Quốc còn xếp sau những điểm đến cực nhỏ về diện tích và rất khiêm tốn về kho tàng du lịch tiềm tàng là Hong Kong và Singapore”, ông nói.
“Nhưng cũng đừng vội hiểu lầm rằng logo và slogan du lịch quốc gia là thương hiệu quốc gia. Nó chỉ là một thành tố.

Còn thương hiệu quốc gia phải bao trọn được những tinh túy, cốt lõi của một đất nước, nó phải là một thương hiệu ô, dù (từ chuyên ngành là metabrand) biểu trưng chung. Khi đã tìm ra được thương hiệu quốc gia, thì nó phải được nắm bắt bởi từng người dân Hàn để rồi mỗi người trở thành một đại sứ quảng bá cho Thương hiệu Hàn Quốc ở mọi nơi, mọi lúc khi có điều kiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh đua săn tìm khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO