Tracey Lister với ẩm thực Việt

ĐĂNG NGUYÊN| 10/04/2012 09:10

Với gần 20 năm kinh nghiệm làm bếp trưởng của một số nhà hàng nổi tiếng, được thực khách ưa thích tại Melbourne (Úc), bà Tracey Lister đã trở thành một chuyên gia có uy tín về ẩm thực Việt Nam sau những năm sống tại đất nước này.

Tracey Lister với ẩm thực Việt

Với gần 20 năm kinh nghiệm làm bếp trưởng của một số nhà hàng nổi tiếng, được thực khách ưa thích tại Melbourne (Úc), bà Tracey Lister đã trở thành một chuyên gia có uy tín về ẩm thực Việt Nam sau những năm sống tại đất nước này.

Tác giả Tracey Lister tại Hà Nội

Năm 2000, lần đầu tiên Tracey Lister đến Việt Nam và muốn tìm một công việc thiện nguyện tại Hà Nội trong đôi ba năm để có thời gian tìm hiểu về ẩm thực Việt, thế nhưng các tổ chức phi chính phủ lại không cần một đầu bếp giỏi nghề!

Sau đó, cùng với chồng là nhà báo Úc gốc Đức Andreas Pohl, bà nhận được công việc tại AusAid - cơ quan triển khai và quản lý hoạt động viện trợ phát triển của Chính phủ Úc tại Việt Nam.

Dạy nấu ăn cho trẻ đường phố và du khách đến Việt Nam


Chính tại Hà Nội bà gặp Jimmy Phạm, người sáng lập và hiện là Giám đốc tổ chức quốc tế phi lợi nhuận KOTO (Know One, Teach One - Biết một, dạy một) chuyên đào tạo nghề nhà hàng cho trẻ đường phố và thiếu niên có hoàn cảnh sống khó khăn tại Việt Nam.

Cuộc gặp đã thay đổi cả cuộc đời Tracey Lister. Bà đã cùng Jimmy Phạm mở một nhà hàng 80 chỗ ngồi gần Văn Miếu, đồng thời cùng nhau xây dựng một chương trình và thành lập một trung tâm đào tạo bài bản về nghề nhà hàng tại Hà Nội.

Sau ba năm làm việc tại Hà Nội, Tracey Lister trở về quê nhà. Ở Sydney, Tracey Lister vẫn không ngừng suy nghĩ về dự án thành lập một trường dạy nấu ăn và năm 2008 bà lại sang Hà Nội, đến năm 2009 thì Trung tâm dạy nấu ăn Hà Nội (Hanoi Cooking Centre) ra đời tại số 44 phố Châu Long gần hồ Trúc Bạch.

Trung tâm tiếp tục nâng cao tay nghề nhà hàng cho những học viên đã tốt nghiệp các khóa đào tạo của KOTO, mở các lớp dạy nấu ăn cho du khách nước ngoài, hướng dẫn họ khám phá những món ăn ngon, đặc biệt là những món ngon đường phố vốn rất phong phú tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, khám phá những gia vị đặc trưng của nghệ thuật nấu ăn Việt và cả cách thức chọn mua thực phẩm tại chợ.

Bên cạnh Tracey Lister là người phụ trách chung, còn có một nhóm đầu bếp người Việt hướng dẫn các lớp học tại trung tâm. Chính thời gian làm việc thiện nguyện với KOTO đã tạo cơ hội cho Tracey Lister có được một sự hiểu biết sâu sắc về ẩm thực Việt Nam.

Thông qua các mối quan hệ với các đầu bếp chuyên nghiệp và các nhà nghiên cứu ẩm thực bản xứ, bà tiếp tục tìm hiểu về ẩm thực Việt dưới góc độ lịch sử và văn hóa, đồng thời khảo sát từ ẩm thực đường phố và hoạt động mua bán thực phẩm tại các chợ cho đến các thực đơn lâu đời trong gia đình người Việt và các nhà hàng xuất sắc nhất.

Dần dà, bà rành rẽ cách đi chợ mua thực phẩm, nấu nướng và thưởng thức món ăn chẳng khác gì một bà nội trợ, một người sành ăn và một đầu bếp lành nghề người Việt.

Viết sách về ẩm thực Việt

Để có được tất cả những khả năng đó, Tracey Lister phải đam mê ẩm thực Việt và chính niềm đam mê đó được bà giãi bày trong tập sách KOTO - Hành trình bếp núc xuyên Việt Nam(KOTO - A Culinary Journey Through Vietnam) do nhà xuất bản Hardie Grant ấn hành năm 2008 mà đồng tác giả là chồng bà - nhà báo Andreas Pohl, người đã đến Việt Nam từ năm 1994, đã đi khắp đất nước này cả bằng xe gắn máy và xuồng ba lá, người am hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Như tên gọi, đó là hành trình khám phá ẩm thực từ vùng cao phía Bắc đến vùng châu thổ sông Cửu Long; từ các ngõ phố náo nhiệt ở Hà Nội đến cuộc sống yên tĩnh ở Đà Lạt - nơi từng là đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp; từ cung cách nấu ăn chịu ảnh hưởng Trung Hoa ở miền Bắc đến ẩm thực cung đình Huế và cách nấu nướng đặc trưng vùng nhiệt đới phương Nam.

Sách "KOTO - Hành trình bếp núc xuyên Việt Nam"

Đó là một cuốn sách vừa dạy nấu các món ăn Việt quen thuộc, vừa là nhật ký du hành, vừa là những chuyện kể về văn hóa ẩm thực Việt và vừa là một sách ảnh tuyệt đẹp mà hai tác giả đã đặt trọn tình yêu của mình vào những gì họ muốn nói trong sách: xứ sở, con người và ẩm thực Việt.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn bản đã được bán tại Úc và nhiều nước. Sau thành công của KOTO - Hành trình bếp núc xuyên Việt Nam, đến tháng 9-2011 đôi vợ chồng Tracey Lister - Andreas Pohl tiếp tục xuất bản tác phẩm thứ hai của họ: Món ăn đường phố của người Việt (Vietnamese Street Food - nhà xuất bản Hardie Grant).

Khơi dậy kỷ niệm và hoài nhớ nơi người đọc

Với một sách dạy nấu ăn bình thường, tác giả chỉ cần nêu rõ công thức, hướng dẫn chi tiết cách thức chuẩn bị và chế biến cùng hình ảnh thật đẹp các món ăn. Dạng sách như thế có rất nhiều trên các quầy, kệ ở các nhà sách và vẫn thỏa mãn được nhiều độc giả.

Sách "Món ăn đường phố của người Việt"

Song còn một dạng sách ẩm thực mà tác giả là người đã thật sự nắm bắt được bản chất của nghệ thuật và kỹ thuật nấu nướng. Nó khơi dậy nơi người đọc nỗi hoài nhớ về một vùng đất mà họ đã từng có thời gian sống và trải nghiệm các món ăn ngon, đặc sản của vùng đất ấy khiến họ khao khát được thưởng thức lại chúng mà cách tốt nhất là tự nấu nướng các món ăn đó dưới sự chỉ dẫn của sách.

Món ăn đường phố của người Việt là loại sách như thế. Khi đọc kỹ các công thức nấu ăn trong sách, người đọc hoàn toàn có thể tự làm những món ăn mình từng ăn tại Việt Nam và ưa thích chúng.

Tracey Lister và Andreas Pohl đã đưa người đọc trở về với chuyến du hành Việt Nam ngày nào, mang đến cho họ những hình ảnh khó quên: từ những bộ bàn ghế nhựa xập xệ ở các hàng quán vỉa hè Hà Nội đến những nẻo đường quanh co vùng sơn cước và những kiến trúc thời thuộc địa đã xuống cấp ở Đà Lạt; từ những phụ nữ bán hàng ăn tần tảo mồ hôi rịn đầy trên trán vì sức nóng từ cái bếp than đỏ lửa cho đến những khung cảnh huyền ảo của phiên chợ thực phẩm buổi tinh mơ...

Những trang sách được trình bày thật thẩm mỹ trong "Món ăn đường phố của người Việt"

Nếu thiếu những hình ảnh đó trong cuốn sách được thiết kế mỹ thuật thật công phu, bắt mắt thì những công thức dạy nấu ăn sẽ thiếu sức hấp dẫn. Có ai đó từng nói miếng ngon có sự hỗ trợ rất lớn của kỷ niệm và hoài nhớ quả không sai.

Tác giả của Món ăn đường phố tại Việt Nam đã biết tận dụng sự hỗ trợ đó khi giới thiệu các món ăn Việt phổ thông, thường gặp tại các quán hàng trên đường phố, như món phở gà ở quán của chị Nguyễn Thanh Huyền gần chợ Châu Long và món bún chả Hàng Mành đã lừng danh ở Hà Nội, hay món bánh mì chả cá hết sức phổ thông ở Côn Đảo và Phú Quốc, hoặc đơn giản hơn nữa món xôi đậu phộng mà bất kỳ nơi nào tại Việt Nam người ta cũng tìm được vào buổi sáng...

Món ăn đường phố của người Việt còn cho người đọc phương Tây biết nhiều điều thú vị về Việt Nam, chẳng hạn đồng ruộng ở đất nước này không chỉ đem đến nguồn lương thực dồi dào cho người dân mà còn là kho tàng protein, nơi cung cấp những động vật mà người Việt rất ưa dùng trong bữa ăn hằng ngày: lươn, cua, ốc, ếch. Và cả cái chân lý bình dị: “Cuộc sống diễn ra trên đường phố!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tracey Lister với ẩm thực Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO