Nhớ bánh tráng xứ Quảng

PHƯỚC TIẾN| 06/07/2012 04:24

Một ngày cuối tháng Chạp của một năm đầu thế kỷ hai mươi mốt, ông Mười mang một giỏ bánh tráng khô dầy gần nửa mét khệ nệ leo lên xe buýt để ra thành phố dự đám giỗ của một ông chú họ.

Nhớ bánh tráng xứ Quảng

Một ngày cuối tháng Chạp của một năm đầu thế kỷ hai mươi mốt, ông Mười mang một giỏ bánh tráng khô dầy gần nửa mét khệ nệ leo lên xe buýt để ra thành phố dự đám giỗ của một ông chú họ.

Đọc E-paper


Xấp bánh tráng khổng lồ này, vợ và con gái ông đã phải mất một đêm và hai ngày để xay, tráng và phơi liên tục trên khoảng sân nhỏ lát đá núi. Đã nhiều năm ông Mười không ra thành phố. Ông đã già và tự thấy rằng có quá nhiều khoảng cách giữa mình, một nông dân cằn cỗi ở một ngôi làng nhỏ miền trung du cũng cằn cỗi không kém, với đám con cháu đang hùng hục ngày đêm kiếm tiền nơi thành thị.

Mấy sào ruộng nương nhà ông năm nay tránh được lũ quét cho nên lúa gạo thong thả. Bánh tráng từ gạo nương quê ông Mười đã có một thời từng là đặc sản, dùng để cuốn thịt luộc với rau muống sống trong những ngày giỗ kỵ hoặc lễ lạc phong lưu. Ông vui vì tuy đám kỵ thành phố nhưng với tấm lòng chân thành ông bà cũng sẽ được hưởng chút hương hoa đặc sản của quê mình.

Trên đường trở về, ông Mười tự hỏi lòng và cay đắng nhận ra rằng đây là lần cuối cùng ông ra thành phố. Ông không giận đám con cháu vô tâm không nhìn gánh bánh tráng lặc lè ông để trong góc nhà.

Có quá ít thời gian để một nông dân ở một ngôi làng trung du hẻo lánh có thể có được cảm giác thân thuộc với những đứa cháu thành thị. Ông cũng không mặc cảm nhiều lắm với xấp bánh tráng thô kệch đã trở nên thừa thải trong bữa giỗ sang trọng. Nhưng quả thực là ông chẳng có gì để chia sẻ với đám con cháu của mình cả.

Hai không gian khác nhau nhiều quá và ở không gian bên kia ông trở nên thừa thải, khốn khổ như xấp bánh tráng mà vợ và con gái ông đã phải bõ công ra để làm. Ông ra ngã tư, rẽ vào một quán tạp hóa mua cái hộp bánh bao bì xanh đỏ bắt mắt, rồi trên bàn thờ ông chú, ông lẳng lặng ké hộp bánh ấy vào với những thứ trông rất hào nhoáng khác.

Rất nhiều năm sau đó, khi các món ăn chế biến sẵn như chả giò, bánh nếp xôi phồng gà quay, mực nhồi thịt là thành tựu của ngành công nghiệp thực phẩm vốn làm mưa làm gió những cái Tết, cái giỗ cuối thế kỷ XX tạm lắng xuống, các bà nội trợ thành phố sợ hãi chất bảo quản độc hại đã chịu khó lượn tìm anh google để hỏi thăm cách nấu ăn những món truyền thống làm cho mâm cỗ rộn ràng hơn.

Và câu chuyện của các bà trong mấy bữa ấy cũng như một buổi hội thảo ẩm thực, dạy cho nhau làm những món quá no cơm rồi chảnh chọe kiểu như gân bò bóp cà pháo Bắc, kết hợp cái chất miền Nam với cái món ăn dân dã miền Bắc cho nó thể hiện sự giao lưu từng trải của chủ nhân. Bỗng giữa bữa, có một giọng bùi ngùi nhớ chú Mười đã mất mấy năm, cũng chừng ấy thời gian giỗ quảy không có dọn món thịt heo bánh tráng quê kèm rau muống nữa.

Cả bàn ăn lặng đi. Ai nấy đều thấy hình như mọi thứ có vẻ nhạt nhẽo thật vì đúng là họ đang thèm cái mùi gạo nương mới nướng cháy trên bếp, tan dòn giữa răng, nhớ cái độ dai và thơm lừng khi nhúng nó vào nước để cuốn với lát heo ba chỉ, xếp thêm cọng rau muống xanh rờn, cái mùi nồng nằng nặng của mắm cá cơm pha trái thơm chín rệu. Những mùi vị đã đeo đẳng từ những bữa cơm thèm thịt thủa ấu thơ.

Rồi một sáng kiến được đưa ra hóa giải cái khó này. Mọi người hẹn nhau một ngày nào cùng về thăm xứ Quảng, nghe đồn ở đó món bánh tráng gạo nương đã được đưa vào nhà hàng đặc sản cùng với thịt heo và rau muống nguyên ngọn. Thôi thì đành chờ một chuyến thăm quê vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ bánh tráng xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO