Hành trình tìm "bát phở hoàn hảo" của cô gái Tây

23/03/2012 01:18

Ở Hà Nội, bún phở là một phần tất yếu của cuộc sống. Xương, khăn lau miệng và vỏ chanh la liệt dưới những bảng hiệu nhỏ là dấu hiệu cho một quán ăn ngon và một cuộc sống tấp nập.

Hành trình tìm

Jessica Gelt là phóng viên của tờ Los Angeles Times. Cô đến Việt Nam đầu tháng 12 năm ngoái vì tò mò muốn khám phá ẩm thực Hà Nội. Cô đã kể lại một phần cuộc hành trình đi tìm "bát phở hoàn hảo" của mình bằng câu chuyện một ngày thăm thú và thử các món ăn đường phố.

Ở Hà Nội, bún phở là một phần tất yếu của cuộc sống. Xương, khăn lau miệng và vỏ chanh la liệt dưới những bảng hiệu nhỏ là dấu hiệu cho một quán ăn ngon và một cuộc sống tấp nập.

Tôi đến đây đầu tháng 12 vì tò mò muốn khám phá Hà Nội với danh tiếng là một thủ đô ẩm thực. Năm 2010, trang web du lịch Sherman từng xếp hạng Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Barcelona của Tây Ban Nha, qua mặt cả Rome và Tokyo.

Phóng viên Jessica Gelt trong một bức ảnh của cô trên Twitter.

Phở - sợi làm từ bột gạo ăn kèm với nước dùng, thịt và các loại rau - là món ăn truyền thống của Việt Nam. Bún chả cũng là món ăn làm từ gạo, ăn kèm với thịt nướng, nước mắm vị mặn ngọt có đu đủ thái lát mỏng và rau sống, cũng là món ăn đặc trưng của Hà Nội. Bạn có thể thưởng thức các món ăn này vào bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối tùy thích. Nói chung là bất cứ lúc nào.

Sự lựa chọn ẩm thực phong phú khiến việc đi tìm một bát phở hoàn hảo ở Hà Nội trở nên khó khăn. Hành trình tìm kiếm này sẽ dẫn bạn qua những con ngõ nhỏ của thành phố, qua những đại lộ mang âm hưởng kiến trúc Pháp và ra những khu vực ngoại ô lân cận. Trên con đường tìm kiếm ấy, bạn sẽ khám phá được nét đẹp tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật và cuộc sống đời thường trên những con đường tấp nập xe gắn máy. Các món bún phở cũng giống như những mô liên kết trong văn hóa Việt Nam.

Tôi quyết định gắn bó với những hàng quán vỉa hè của Hà Nội và thề sẽ ăn bất cứ món gì được bày ra trước mặt. Một bát phở vỉa hè ở Hà Nội thường có giá 15.000-25.000 đồng, tức khoảng 1,2 USD, vì thế ăn món này ở Hà Nội cũng giống như được một món hời vậy. Bởi vì một bát phở gà hay phở bò tương đối đơn giản và nhạt nhẽo tại khách sạn Metropole lại mất đến 12,5 USD và bạn lại còn phải ngồi bên cạnh những khách du lịch giàu có đang buôn chuyện qua điện thoại.

Để chọn lựa các quán ăn đường phố, tôi phải viện đến sự giúp đỡ của Mai Thị Thu Trang, một cô gái trẻ làm quản lý ở nhà hàng Arriba, một trong số nhà hàng Mexico hiếm hoi tại Hà Nội. Nhấm nháp khoai tây chiên béo ngậy với nước sốt cay, Trang đưa ra một vài lời khuyên cho chuyến đi của tôi.

Một tô bún dọc mùng ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Jessica Gelt

"Những quán ăn ngon thường là những quán mà người già hay ăn ấy", Trang bảo. "Vì người già họ yêu cầu chất lượng". Các cụ cao tuổi luôn biết nơi nào ngon hay dở khi họ nếm đồ ăn ở đó. Bạn cũng sẽ có dịp mở rộng hiểu biết về cuộc sống khi bạn trò chuyện với họ.

Sáng sớm hôm sau, cô ấy dẫn tôi đến một hàng quán có món phở sáng vào loại ngon nhất Hà Nội. Quán nằm sâu trong khu phố cổ, nơi có 36 con phố giao nhau chằng chịt, hầu hết vẫn còn giữ lại nét kiến trúc đầu thế kỷ 20. Tên phố được đặt theo tên một nghệ nhân hoặc nghề truyền thống của phố như phố Hàng Bạc, phố Hàng Đào, phố Hàng Đường... Đi dạo trong phố cổ là một thú vui của khách du lịch khi đến Hà Nội.

Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi những ngõ ngách nhộn nhịp quanh chợ Đồng Xuân, nơi tôi đứng ngẩn ngơ nhìn một xô cá đang giãy đành đạch, những chiếc móng gà, các loại thảo mộc và gia vị lạ mắt. Tôi đã mua một chiếc bánh mỳ tráng vừng và nhai nó khi tôi đi lang thang trong khu phố, rồi kết thúc hành trình trong không khí tĩnh lặng của đền Bạch Mã, được lưu truyền là nơi thờ cúng lâu đời nhất tại Hà Nội.

Trang dẫn tôi qua dòng người và xe chen chúc trên đường, vòng qua phố Hàng Buồm vào phố Tạ Hiền. Trang chỉ vào một quán ăn nhỏ nơi có một cụ già nhăn nheo mặc đồ truyền thống, đội nón lá ngồi trên bậc cửa cao. Bà ấy bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa màu xanh ở chiếc bàn chỉ nhỏ bằng một con búp bê, dưới bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đóng khung treo trên tường. Một phụ nữ trẻ hơn ngồi ở một chiếc ghế khác cạnh hai chiếc nồi bốc khói nghi ngút.

Bà lấy ra một bát bún từ trong chiếc tủ kính với rất nhiều chiếc bát đựng trứng, muối, hành lá thái nhỏ, giò lợn, thịt viên, thịt lợn thái. Tôi không gọi món, bà đưa cho tôi một bát bún chan nước dùng, ít muối, rau, tỏi ngâm, thịt viên, thịt lợn thái mềm. Món ăn này có tên là bún dọc mùng. Nước dùng rất béo và thơm, thịt viên trắng và gia vị rất thơm.

Món bún này đủ làm no bụng tôi qua bữa trưa để tiếp tục đi lang thang đến hồ Hoàn Kiếm và dừng chân ở đền Ngọc Sơn, ngôi đền nằm trên một gò đất nhỏ giữa hồ. Tôi ngồi lại đây một lúc, chăm chú ngắm nhìn mặt nước xanh sẫm và hy vọng được ngắm thoáng qua Cụ Rùa - một biểu tượng linh thiêng và may mắn của người Việt.

Tôi tiếp tục đi đến khu phố Pháp. Không khí ở đây bỗng nhiên mát lạnh nhờ những hàng cây cổ thụ rợp bóng trên những đại lộ san sát biệt thự, những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời người Pháp còn đô hộ Đông Dương.

Khung cảnh bên ngoài chợ Đồng Xuân. Ảnh: Jessica Gelt

Tôi phung phí một ít tiền để thưởng thức chút rượu Henry Graham Greene bên bể bơi và mát xa với giá 75 USD một giờ trong khách sạn cao cấp Metropole. Khách sạn này được xây dựng năm 1901 và là một trong những khách sạn có giá trị lịch sử nhất ở Việt Nam. Tôi dạo sang Nhà Hát Lớn Hà Nội, công trình được khánh thành năm 1911 theo lối kiến trúc Pháp với 900 chỗ ngồi và đến bây giờ vẫn lưu giữ được những nét đẹp cổ điển.

Tôi ăn tô bún thứ hai tại một hàng số 9 trên đường Tràng Tiền, đối diện nhà hát. Món bún hấp dẫn này được gọi là bún đậu với nước dùng nấu từ cà chua, ớt chưng khô, rau và đậu phụ rán giòn, thả vào miệng nhai nghe tiếng "rào rạo".

Ăn uống no nê, tôi lại bắt xe ôm đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh cách đó 15 phút lái xe. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật lịch sử quý giá về lãnh tụ của Việt Nam. Trong lăng Chủ tịch cạnh đó, những đoàn người xếp hàng dài để vào trong bày tỏ lòng thành kính và tận mắt nhìn thấy Bác Hồ, theo cách gọi của người Việt.

Chiều xuống, tôi lại lang thang trong khu phố cổ và xem chương trình biểu diễn ở Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Những nghệ sĩ múa rối tài hoa đeo đôi ủng cao su và điều khiển con rối trong hồ nước nhỏ mô phỏng không gian làng xã của người Việt xưa. Khi nhận ra là mình lại lên cơn đói, tôi quyết định chen chân vào góc phố nhộn nhịp ở Hàng Bồ và Hàng Cân.

Tôi vào một quán ăn nơi các bạn trẻ ngồi dàn hàng ra cả đường phố để đợi món chân gà chiên, chấm muối chanh và ăn một bát phở gà. Một chai bia 333 làm món phở này đậm đà hơn nhiều nhưng vẫn không sánh được với bát bún sáng nay tôi ăn ở Tạ Hiền, nơi có bà cụ già khiến tôi háo hức về những ngày thú vị sắp tới ở nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình tìm "bát phở hoàn hảo" của cô gái Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO