Giang sơn của cá sấu

P.N.DŨNG| 05/06/2009 06:06

Có lẽ không có nơi nào trên khắp lãnh thổ rộng lớn của nước Úc có nhiều cá sấu tập trung bằng ở Northern Territory, một bang nằm ở phía bắc, được người Úc gọi là Top End (đầu cuối trên cao).Đi du lịch ở bang này mà không thăm và thả mồi nuôi cá sấu là một thiếu xót.

Giang sơn của cá sấu

Có lẽ không có nơi nào trên khắp lãnh thổ rộng lớn của nước Úc có nhiều cá sấu tập trung bằng ở Northern Territory, một bang nằm ở phía bắc, được người Úc gọi là Top End (đầu cuối trên cao).Đi du lịch ở bang này mà không thăm và thả mồi nuôi cá sấu là một thiếu xót.

Không cần phải đi đâu xa, chờ đợi lâu, ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Darwin, thủ phủ bang Northern Territory, chúng tôi đã
được mời đi bộ đến gần cuối Mitchell Street, con đường chạy song song với đường Esplanade trải dài theo bờ biển, thì đã thấy hiện ra trước mắt Crocosaurus Cove.

Đây là nơi nghỉ ngơi an bình của vô số cá sấu, từ vài trăm con mới sau vài tuần lộ mình ra khỏi vỏ trứng trắng chỉ dài chừng 50cm đến những con sấu trưởng thành dài 5m, nặng 500 ký lô. Đây cũng là nơi sinh sống của một số trong số hơn 120 loài rắn hiện có ở bang này.

Cá sấu Darwin

Cho Burt ăn trưa

Nhưng cá sấu mới là những “nhân vật” chính. Trong số 8 con cá sấu trưởng thành đang được nuôi trong Crocosaurus Cove có con sấu đực mang tên Burt từng là “diễn viên” của 4 phim tài liệu và đặc biệt là trong phim hốt bạc Crocodile Dundee cạnh hai ngôi sao Paul Hogan và Linda Kovlowski trình chiếu cách nay 2 thập niên. Burt bây giờ là một con sấu dài 5,1m, cân nặng hơn 300 ký lô. Nó đã quen sống cảnh tù túng trong bể nước bao bọc bởi những bức tường acrylic dày 145mm, ngày ngày hai lần bò lên bờ để được cho ăn, đồng thời làm “giai nhân” cho du khách ngắm nghía và bấm máy ảnh.

Burt bị bắt năm 1981 sau nhiều lần lao lên hai bờ sông Reynolds tấn công đàn gia súc của các chủ trại. Burt còn bị kết tội thích tấn công các nàng cá sấu sau khi ái ân nên bây giờ bị cách ly, sống cảnh “trai già” cô đơn. Burt năm nay đã 80 tuổi.

Cũng 80 tuổi, to nặng và sống độc thân như Burt ở một bể nước gần đó là Chopper (tạm dịch là Thằng cụt). Sở dĩ có biệt danh này là vì nó đã bị cụt hai chân trước, kết quả của những lần chiến đấu dành mồi và cá sấu cái với những con sấu trẻ và khỏe hơn ở sông La Belle, phía Tây Darwin.

Rồi còn là Old Charlie, một cụ sấu 90 tuổi, dài hơn 6m, nặng hơn 1 tấn. Nhưng bây giờ Old Charlie chỉ là một hình hài bất động. Nó
bị những kẻ săn trộm sát hại sau khi mắc vào lưới cá của họ vào năm 1973 ở một khúc sông Mary, cách Darwin 100km về hướng đông.

Khi ấy nó đã từng 2 lần sống sót dù bị ăn đạn vào lưng và gần mắt cũng như thoát chết suốt thời gian bùng nổ làn song săn bắn cá sấu lấy da sử dụng thay cho da trâu kéo dài từ 1945 đến 1971. Phần xương sọ và mõm của nó vẫn còn vết đạn trông thấy rất rõ.

Những Burt, Chopper, Old Charlie đều là cá sấu nước mặn như Bessie và Smith nhưng Bessie và Smith rất hạnh phúc vì là một cặp sấu được quyền sống chung một bể, yêu thương nhau rồi đẻ và ấp trứng. Mỗi năm, nàng cá sấu có thể đẻ khoảng 50 trứng. Sống thọ, một cá sấu cái có thể đẻ tổng cộng 2.000 trứng.

Tùy theo nhiệt độ của đất, cát dưới ánh nắng mặt trời, những quả trứng này sẽ nở ra cá sấu đực hay cá sấu cái, nặng khoảng 60 gram. Khi trưởng thành, mỗi con có thể cân nặng 400 - 500 ký, dài 3,5 - 5 mét. Tuy nhiên vào giữa thập niên 1980, người ta từng bắt được ở sông Mary một con sấu dài đến 6,2m. Tuổi thọ trung bình của cá sấu là hơn 70 năm.

Những kiến thức về cá sấu còn được giới thiệu đầy đủ hơn nữa trong một khu công viên gọi là Crocodylus Park, nằm trên đường McMillan, cách sân bay quốc tế Darwin 5 phút đi xe.

“Từ chỗ từng bị săn lùng, sát hại nay chúng là những đối tượng được bảo vệ và là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có cả dự án khai thác bền vững cá sấu để tránh cho chúng phải đi đến ngày diệt vong” - giáo sư Grahame Webb, Chủ tịch Nhóm chuyên gia cá sấu thuộc Liên hiệp Bảo tồn thế giới, nói. Ông và ê-kíp cộng sự viên cũng nghiên cứu các loài cá sấu ở nhiều nơi trên thế giới.

Cá sấu nhảy lên đớp mồi

Phóng lên cao đớp mồi

Nhưng xem cá sấu ở môi trường thiên nhiên vẫn hấp dẫn hơn rất nhiều. Chín giờ sáng ngày hôm sau, sau 60 phút di chuyển bằng xe hai cầu trong Kakadu, một công viên quốc gia rộng lớn đã được Unesco công nhận là Di sản thế giới, đoàn khách đến bến tàu ở một khúc của dòng sông Adelaide và kéo nhau lên thuyền.

Ai ai cũng háo hức chờ được xem cảnh tượng đã được nhiều người mô tả là rất thúvị, khi du lịch Darwin và Northern Territory. Đó là cảnh cá sấu từ dưới lòng sông phóng mình lên cao đớp mồi. “Đề nghị quý khách chia nhau đứng đều ở hai mạn thuyền, chúng tôi sẽ lần lượt lái tàu sang hai phía để khách ở mỗi bên đều có thể xem và chụp ảnh, đừng nôn nóng theo dõi cá sấu đớp mồi mà dồn hết sang một mạn tàu khiến tàu chìm”, người lái tàu kiêm hướng dẫn viên nói.

Chỉ cần bơi ngược dòng sông theo hướng chảy ra biển được chừng 100m, chúng tôi đã phát hiện ra một, rồi hai, ba, bốn, năm con sấu to, dài. Có con nằm vùi mình trong lớp bùn ven sông, con khác nằm phơi nắng, có con đang bơi. “Đây là cá sấu nước mặn,
nhưng đúng hơn hãy gọi chúng là cá sấu nước lợ hoặc cá sấu cửa sông vì chúng ta đang ở khúc sông đã sâu 80km vào đất liền, nước biển đã bị hòa nhạt rất nhiều.

Cá sấu ở đây, con trưởng thành dài trung bình 3,5m. Có con có thể lặn sâu dưới nước 120 phút mới phải trồi lên hít không khí”, hướng dẫn viên nói. Một miếng thịt heo chừng 500 gram được một hướng dẫn viên tháp tùng cột vào đầu sợi dây đã thắt chặt nơi đầu một cái que dài. Miếng thịt được nhấp lên nhấp xuống mặt nước vài lần, tạo ra âm thanh chắc đã rất quen thuộc với cá sấu nơi này.

Ngay tức khắc, nhanh như thủy lôi, chúng lao đến mạn tàu. Miếng thịt được hướng dẫn viên nhấc vụt lên cao hơn, con cá sấu phóng mình theo, toàn thân từ mõm đến đuôi dài lộ hẳn khỏi mặt nước, lơ lửng trong vài giây. Mõm đầy răng bén của nó há toạc ra và ngoặm chặt lấy miếng thịt. “Ầm”, nó rơi trở xuống lòng sông nhưng đã nuốt trọn miếng thịt.

Vương quốc của cá sấu

“Cá sấu có thể tấn công bất cứ con thú nào bằng cỡ chúng, nghĩa là nếu dài 3m, nó thừa sức tấn công con người”, hướng dẫn viên cho biết. “Cá sấu nước lợ càng dữ dằn, dễ nổi cáu hơn vào mùa giao phối (tháng 9) và đẻ, ấp trứng (từ tháng 11 đến tháng 4). Đừng có ai dại dột thò tay xuống nước hoặc giơ tay ra khỏi mạn thuyền”, anh ta cảnh báo.

Các sông, đầm lầy ở bang Northern Territory tuy ít dân hơn thành phố Darwin nhưng cũng có rất nhiều cá sấu: khoảng 150.000 cá sấu nước lợ và 100.000 con cá sấu nước ngọt. Người ta tính rằng ở các sông của Northern Territory có mật độ cá sấu trung bình 5
con/km, đặc biệt sông Mary có mật độ cá sấu nước lợ trung bình 15 con/km.

Sau màn cá sấu phóng lên cao ngoặm thịt thì đến màn đàn ó biển từng con một bay là nhanh xuống hai mạn tàu, dùng chân đầy móng vuốt quắp chặt những miếng mồi nhỏ mà hướng dẫn viên ném tung lên cao, rất chính xác.

Ngắm cá sấu từ trên thuyền

Đêm hôn ấy, chúng tôi chưa thể xa cá sấu vì ngụ trong khách sạn sang trọng giữa rừng già của chuỗi khách sạn Holiday Inn nổi tiếng thế giới được thiết kế theo hình dáng một con cá sấu màu xanh lá cây. Khách sạn Gagudju Crocodile, tọa lạc trong khu Jabiru là một trong 7 khu vực của công viên quốc gia Kakadu.

Câu chuyện phiêu lưu với cá sấu Úc chưa kết thúc vì sáng ngày hôm sau, chúng tôi lại lên xe Land Cruiser phóng đến bờ khu đầm lầy ngập nước có tên là Yellow Water Billabong, một thành phần tạo nên con sông Cá sấu Nam (South Alligator River), trong khu
Cooindra của công viên quốc gia Kakadu. Lại lên thuyền đi tìm xem cá sấu dưới nước đồng thời xem những con trâu rừng, chó
rừng dingo, ngựa hoang và vô số các loại chim, cá. “Thành phố này được đặt theo họ tên ông Charles Darwin, ông tổ của thuyết tiến hóa. Chúng là những con vật sống khỏe và tồn tại từ cách nay hơn 100 triệu năm” - một hướng dẫn viên trong công viên Kakadu nói - “Còn tổ tiên của cá sấu thời hiện đại thì đã sống trên trái đất này từ cách nay gần 240 triệu năm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giang sơn của cá sấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO