Du lịch nội địa lao đao vì cúm A/H1N1

04/08/2009 09:17

Hơn một tuần lại đây, kinh doanh du lịch nội địa chao đảo trước tốc độ lây lan chóng mặt của dịch cúm A (H1N1) mà trước đó, giới lữ hành đều ngỡ là cúm thường, không nguy hiểm như dịch SARS.

Du lịch nội địa lao đao vì cúm A/H1N1

Hơn một tuần lại đây, kinh doanh du lịch nội địa chao đảo trước tốc độ lây lan chóng mặt của dịch cúm A (H1N1) mà trước đó, giới lữ hành đều ngỡ là cúm thường, không nguy hiểm như dịch SARS. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn sụt giảm mạnh mẽ.

Thu phiếu khai báo về sức khoẻ hành khách tại sân bay Nội Bài (ảnh H.L.Y)

Khó hy vọng tháng tám

Suy thoái kinh tế cộng với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến người dân quay sang đi du lịch trong nước. Chưa bao giờ, du lịch nội địa lại bùng nổ mạnh mẽ, doanh thu tăng vọt như thời gian qua.

Bước sang tháng 8/2009, các DN đang trông đợi vào lượng khách lớn đi du lịch trước khi con em họ bước vào năm học mới. Tuy nhiên, hy vọng đó trở nên mong manh khi dịch cúm đang tiến triển theo diễn biến xấu ở trong nước.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Phó Trưởng nhóm Khuyến mãi kích cầu nội địa TP.HCM, thừa nhận đã đánh giá chủ quan về dịch bệnh. Nay thì cúm A (H1N1) và thời tiết bất thường (mưa bão) đã khiến lượng khách từ Sài Gòn đi Hà Nội giảm mạnh, thay vào đó là dồn sang khu vực miền Trung (đặc biệt là Huế).

Ngay tại Thế hệ trẻ, lượng khách đăng ký đi tour ra miền Bắc và Hà Nội thường chiếm tỷ trọng 3/4 hay 3/5 mỗi tháng, thì từ cuối tháng 7 đến nay, công ty chỉ có 1-2 đoàn đi Hà Nội, trong khi có 8 đoàn đăng ký tới miền Trung. Hơn một tuần nay, không có du khách nào hỏi han đến tour đi Hà Nội.

Mặc dù các DN đã đăng ký mua được hơn 800 vé giá ưu đãi từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trên các đường bay nội địa, song, ông Dũng nói rằng giới lữ hành vẫn hết sức lo lắng và cầu mong dịch cúm tạm lắng, thị trường Hà Nôi sẽ hồi phục từ tháng 9.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, cho biết, đã có 3-4 trường hợp, khi một người trong gia đình cáo ốm, sốt đã chủ động huỷ chuyến đi, như vậy cả nhóm đều huỷ. Cúm xuất hiện ở Hà Nội khiến hành khách tự phòng vệ bản thân mình là chính. Họ có tâm lý tránh đến những điểm có ổ dịch và nơi đông người.

Theo ông Đồng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Hài vệ nữ, nếu du khách đã trót mua tour rồi thì vẫn đi. Đối với ai quan ngại có thể dời ngày khởi hành lại. Lượng khách của công ty sụt giảm mạnh.

Tác động kép của suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch cúm A (H1N1) cũng làm thị trường khách du lịch quốc tế 10 nước hàng đầu đến Việt Nam bằng đường hàng không là Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Hong Kong, Pháp, Singapore, Canada giảm mạnh.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 năm 2009 đạt gần 278.000 lượt khách, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 7 tháng qua, cả nước đón được 2,172 triệu lượt khách, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2008.

Chưa có khuyến cáo về việc hành khách tại sân bay Nội Bài phải đeo khẩu trang
(ảnh H.L.Y)

Du lịch thời cúm: Tự phòng vệ là chính

Đến nay, chưa có bất kỳ khuyến cáo gì từ Bộ Y tế hay Tổng cục Du lịch về hạn chế đi lại hay du lịch. Do đó, ý thức tự giác của du khách trong việc phòng vệ bản thân, tự cách ly nếu có dấu hiệu nghi ngờ, là biện pháp hữu hiệu để tránh phát tán dịch.

Ông Trần Thế Dũng cho rằng, du khách chỉ cần đề phòng và không nên quá sợ hãi dịch cúm. Công ty cũng khuyến cáo hành khách khi đến các vùng "nhạy cảm" không nên trò chuyện quá gần gũi với người địa phương, khi qua sân bay hay nơi đông người cần đeo khẩu trang, nếu có dấu hiệu ốm sốt báo ngay cho đoàn.

Trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang "chết cứng" thì du lịch nội địa là cứu cánh, do vậy, ông Dũng kiến nghị Vietnam Airlines tiếp tục bán vé khuyến mãi cho DN đến hết năm để hỗ trợ khách đi lại qua đường hàng không.

TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, thì khuyên rằng, khi đi du lịch, du khách nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc, nhất là tiếp xúc gần trong bán kính 1m, với người có biểu hiện bệnh đường hô hấp như hắt hơi, ho, sổ mũi. Trong đồ dùng mang theo nên chuẩn bị khẩu trang, nước súc miệng, thuốc nhỏ mũi, dầu gió, một vài loại thuốc bổ như vitamin B1, vitamin C... để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Đối với những nơi tập trung đông người và có nhiều khách quốc tế, nhà vận chuyển Vietnam Airlines từ tháng 6 đã trang bị khẩu trang phòng dịch cúm A (H1N1) trên tất cả các đường bay quốc tế từ TP.HCM đi các nước. Toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines xuất phát từ đây cũng đeo khẩu trang.

Việc này được triển khai ưu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất do có nhiều chuyến bay quốc tế. Tại sân bay Nội Bài, hãng đang theo sát diễn biến cúm tại Hà Nội và các địa phương khác để có kế hoạch ứng phó và triển khai kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch nội địa lao đao vì cúm A/H1N1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO