Bát canh mùa Hè

KHẢI LY| 04/06/2015 06:09

Có một người miền Trung tha thẩn trên đường đời dài dằng dặc về phía Nam rồi trụ lại ở Sài Gòn. Một hôm, người ấy ra quét sân, ngẩng nhìn đám mây vần vũ ở bầu trời phía Đông, bỗng thấy nhớ biển.

Bát canh mùa Hè

Có một người miền Trung tha thẩn trên đường đời dài dằng dặc về phía Nam rồi trụ lại ở Sài Gòn. Một hôm, người ấy ra quét sân, ngẩng nhìn đám mây vần vũ ở bầu trời phía Đông, bỗng thấy nhớ biển.

Đọc E-paper

Đầu Hè, biển chiều nay chắc chắn sẽ ì ầm tia sáng rạch ngang bầu trời: mưa nguồn chớp bể. Sau bản tin thời tiết là một ngày hàng triệu con người thu mình ẩn nhẫn trong cái nóng.

Nhưng ở biển, chắc chắn mỗi cuối ngày sẽ là "mưa nguồn chớp bể”, cứ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt, rồi những hạt mưa to tròn sẽ ào ào trút xuống, gội sạch một ngày nắng rát.

Cái lẽ sinh tồn nó thế. Rồi như quên mất ngày nóng, người ta sung sướng ra mép sóng, ngâm chân xuống nước cho mát, chờ cái thúng quen đang tà tà vô bờ để tìm mớ cá tươi.

Nghĩ đến đây, người miền Trung tha phương vào Nam bỗng quặn thắt. Ánh mắt dừng lại ở mớ rau tập tàng trong tủ lạnh, món quà quê mới nhận, rồi cơn thèm mùi ruốc như một thứ bệnh không thể chữa khỏi bỗng bừng bừng trở lại.

Con phố vẫn thế, dòng người và khối xe máy đông cứng trước mặt. Gần như một cơn nghiện quay quắt, muốn có bát canh cá biển với rau tập tàng từ rừng, thêm tí mắm ruốc nữa là coi như ngồi ở quê nhà.

Nỗi nhớ lan nhanh sau vài câu nói bâng quơ. Nhà hàng xóm sang hiến kế cuối tuần nấu bún cá rô Hải Dương, rồi đổi cho nhau.

Người Bắc, người Trung ở với nhau lâu, thuộc tính nhau, khi nấu ăn người Trung bớt vài trái ớt trong nồi so với nhu cầu riêng, vì lát nữa sẽ bưng một tô sang cho người Bắc, cái cô môi đỏ chót, da trắng hồng ở miền Nam mười năm vẫn không ăn được ớt.

Chỉ có chuyện đó, còn lại cô cũng nói cười hào sảng, cũng vui tươi trao qua gửi lại đồ ăn khắp lượt xóm giềng, như người Sài Gòn. Sau chuyện bún cá rô, cô bỗng chớp mắt thủ thỉ: "Chị ơi, em thèm bánh giò lắm!".

Thèm vậy, nhưng không muốn chạy tuốt qua phía quận 3, chỗ mấy cửa hàng bán đồ Bắc, chạy một quãng đường ở phố, ngoài sự mệt nhọc, nó huấn luyện luôn thành người Sài Gòn, cơn thèm sẽ bay mất, sẽ nhuốm màu giả giả.

Bởi vậy cô không đi, chỉ đứng đó hồi tưởng cái góc phố Hà Nội, chỗ phố Nguyễn Hữu Huân đâm ra phố Hàng Dầu, nơi có bà bán bánh giò nóng ngồi sát cửa cà phê Lâm.

Nếu là tháng 8 thì bên cạnh thúng bánh giò thêm một thúng cốm xanh bọc sẵn trong lá sen, bán kèm cho khách. Thỉnh thoảng mùi cà phê lan ra, quyện vào áo mấy cô ăn vặt.

Vậy thế mà nhớ mùi nhớ vị, xa Hà Nội đến mười năm rồi vẫn cứ thấy nhớ cái góc phố Phái cũ kỹ với thúng bánh giò đem vào từ ngoại ô.

Sài Gòn không giống như thế. Hàng gì cũng có dăm cái ghế cho khách ghé vào ngồi. Sài Gòn vui vui, nhưng ít có mùi vị nào đặc quyện, chỉ thơm thật thơm rồi bay đi nhẹ nhàng.

Lúc con hẻm lên đèn, nó giống như bảo tàng con đường gia vị. Nổi bật nhất vẫn là mùi ruốc, thứ mùi mặn mòi lẫn vào quãng đời cơ cực dân miệt Quảng Trị.

Bà chủ nhà mang rổ rau tập tàng ra ngồi ngay cửa, chọn những lá tươi, chọn thêm ít tôm khô cũng từ quê gửi vào, và cuối cùng là lọ mắm ruốc màu hồng đậm, được làm từ mớ ruốc tươi, chỉ phơi xổi đúng ba nắng đầu mùa Hè.

Bát canh mùa Hè đầy thương nhớ dậy mùi ruốc tươi, một chỉ dẫn địa lý tuyệt vời rằng con hẻm Sài Gòn có dân miền Trung cư ngụ. Tiếp theo là món bún cá rô của chị người Hà Nội, thơm nức mũi tía tô tím.

Chị ấy bưng hai tô sang nhà hàng xóm, bún rối trắng tinh, thịt cá rô vàng hườm với miệng tía lia về công thức, xuýt xoa vì thiếu rau kinh giới. Chỉ nghe đến tía tô với kinh giới đã thấy một Hà Nội ngập tràn mâm cơm chiều.

Bát canh rau tập tàng, thứ rau rừng tầm thường sao có khả năng làm dịu đi cái nóng khủng khiếp của mùa Hè?

Tập tàng hình như có duyên ba kiếp với mắm ruốc miền Trung, chúng quyện chặt với nhau thành thứ hương vị đằm thắm, rau xanh ngọt lưỡi, nước ngọt môi.

Tô bún cá rô với rau tía tô đã đem cả Hà Nội vào một căn nhà trong hẻm nhỏ Sài Gòn. Và hơn hết, nó làm cho Sài Gòn chợt dịu nóng, chợt nguôi đi nỗi nhớ.

Cứ hình dung, từng chút một, nỗi nhớ quê hương người ta đem theo vào Sài Gòn được tiếp nhận với một thái độ ta quá cần có nhau để qua một ngày dài nóng như nung lửa, nó cũng giống như cách đó hơn 300 năm, người tứ xứ về đây khẩn hoang, biết bao khó khăn để không thể kén cá chọn canh.

Bây giờ đã quá ấm êm, mà với nền tảng cần dựa vào nhau đó, Sài Gòn vẫn giữ phong cách bao dung và tiếp nhận?

>Về đồng ăn canh chua

>Thương bát canh măng mùa bão rớt

>Ăn canh bù ngót mơ về cố hương

>Lá lốt mà nấu canh cà...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bát canh mùa Hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO