Truyền thông truyền thống bị mạng xã hội soán ngôi?

THỤC LINH/DNSGCT| 06/03/2016 06:42

Sự phát triển của mạng xã hội liệu có khiến vai trò của truyền thông truyền thống từ các kênh in ấn, kênh truyền hình hay báo điện tử bị mất ngôi?

Truyền thông truyền thống bị mạng xã hội soán ngôi?

Sự phát triển và sức ảnh hưởng của mạng xã hội là xu hướng không thể phủ nhận hiện nay, cũng có rất nhiều nghiên cứu xuất hiện giúp hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp cận và làm chủ kênh truyền thông tương tác này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu vai trò của truyền thông truyền thống từ các kênh in ấn (báo, tạp chí), kênh truyền hình hay báo điện tử có bị mất ngôi?

Đọc E-paper

Để trả lời cho câu hỏi này, xin được chia sẻ quan điểm khách quan về vai trò của truyền thông chính thống thông qua những dữ liệu nghiên cứu truyền thông và kinh nghiệm từ khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh việc đầu tư học hỏi nhằm làm chủ được kênh truyền thông mới, các doanh nghiệp vẫn nắm chắc vai trò đặc biệt của truyền thông truyền thống hay còn gọi là truyền thông chính thống, đó là định hướng thông tin đến cộng đồng. Trong tiếng Anh, “communication” có nghĩa là truyền thông – sự truyền đạt, thông tin, thông báo, giao tiếp, trao đổi, liên lạc. Còn theo tiếng Latinh, nó còn có nghĩa là cộng đồng.

Với đặc điểm là một kênh thông tin đạt được sự tin cậy với những yêu cầu khắt khe về nghiệp vụ báo chí và quyền biên tập theo nội dung báo chí từ tòa soạn, truyền thông chính thống không chỉ giúp doanh nghiệp định hướng thông tin mà còn là kênh chính thức để hồi đáp khách hàng của mình với thông tin rộng rãi và đáng tin cậy nhất.

Hơn nữa, một trong những cách thức phổ biến để tạo ra hội thoại trên mạng xã hội chính là đăng nội dung, dẫn các link bài viết về trang cá nhân/group/fan page/blog và bình luận tại trang của cộng đồng và cá nhân. Một trong những bài viết nổi bật trong năm 2015 là của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” trên báo Tuổi Trẻ Online không chỉ thu hút được số lượng lớn bình luận ngay tại website tin tức mà còn trên trang của những người chia sẻ.

Số lượng thông tin từ truyền thông chính thống và truyền thông xã hội về ngành Bảo hiểm Nhân thọ vào tháng 12/2015 (dữ liệu theo hệ thống thu thập thông tin của Isentia)

So sánh về hai kênh truyền thông, Isentia – công ty dẫn đầu về phân tích truyền thông tại châu Á – Thái Bình Dương và là đơn vị duy nhất tại thị trường Việt Nam về phân tích tích hợp trên cả hai mảng truyền thông cho thấy: mạng xã hội luôn mang tới nhiều đoạn hội thoại hơn, ồn ào hơn, tuy nhiên thông tin nhiễu cũng rất nhiều, thiếu định hướng và những nhận định tiêu cực cũng thường xuyên xảy ra.

Với vai trò quan trọng của truyền thông chính thống, giọng điệu của bài viết với thương hiệu trong bài cũng có tính chừng mực hơn do tính chất nghiệp vụ báo chí và tính định hướng của truyền thông.

Với chia sẻ từ nhiều khách hàng và sự theo dõi từ Isentia, việc dễ dàng tạo lập các trang fan page, group (nhóm), diễn đàn khiến cho nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc “sống chung” cùng rất nhiều trang/diễn đàn giả. Vì thế, việc giải thích/hồi đáp trên từng trang hoặc diễn đàn như thế này gần như không quản lý xuể; và khách hàng cũng gặp khó khăn khi khó phân biệt được đâu là thật/giả nếu chỉ sử dụng mạng xã hội khi tất cả có sử dụng logo và hình ảnh của chính doanh nghiệp. Do vậy, điều hướng khách hàng thường xuyên tới các truyền thông chính thống là việc cần thiết để doanh nghiệp đảm bảo công việc truyền thông tới khách hàng một cách chính xác, hiệu quả và thuyết phục.

Ngô Thị Khang - giải vàng Chuyên gia trẻ của năm do Tổ chức Phân tích truyền thông quốc tế AMEC trao giải tại Stockholm, Thụy Điển tháng 6/2015 nhận định: “Truyền thông chính thống và mạng xã hội giống như hai cánh tay của chuyên gia truyền thông, để định hướng và để lắng nghe, như một quy trình liên tục trong việc xây dựng và chuẩn hóa những cảm nhận truyền thông mà doanh nghiệp mong muốn định hình trong tâm trí người tiêu dùng”.

Cô cho biết nhiều đối tác khách hàng của Isentia cũng nắm được kim chỉ nam của hoạt động truyền thông là “Chất hơn lượng” – việc nắm vững và kiểm soát tốt một lượng kênh truyền thông có tính định hướng và vai trò ảnh hưởng cao, chính là nắm chắc hơn nửa cho sự thành công.

>Châu Á: Mua sắm trực tuyến thách thức bán lẻ truyền thống

>John C. Malone “đi ngược thời đại” vào ngành bán lẻ truyền thống

>Bàn về quảng cáo truyền thống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền thông truyền thống bị mạng xã hội soán ngôi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO