Tiếp thị và ngày đại lễ

QUẾ VIÊN| 11/09/2010 09:26

Vậy là chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới ngày lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ người trong nước mà nhiều người Việt xa quê hương cũng thấy nôn nao trước ngày đại lễ của cả dân tộc.

Tiếp thị và ngày đại lễ

Vậy là chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới ngày lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ người trong nước mà nhiều người Việt xa quê hương cũng thấy nôn nao trước ngày đại lễ của cả dân tộc.

Tuy nhiên, có điều đáng ngạc nhiên là dường như ngành du lịch trong nước chưa tận dụng được cơ hội ngàn năm một thuở này (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu lịch sử, truyền thống, văn hóa Việt với thế giới…

Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội

Trong phần giới thiệu về Việt Nam trên các trang web về du lịch uy tín như Lonely planet, Condé Nast Traveller, không có chút thông tin gì về ngày lễ này. Tại Đan Mạch thì sau chuyến thăm của Nữ hoàng Margrethe đệ Nhị và Thái tử Frederik vào tháng 11/2009, Việt Nam đã trở thành một điểm đến rất được ưa chuộng.

Số trang quảng cáo tour du lịch Việt Nam trên báo chí tại đây nay đã ngang với tour Thái Lan, là nước đứng thứ 6/10 trong những điểm đến được người Đan Mạch ưa chuộng nhất năm 2009. Đáng tiếc là trong các chương trình tour, kể cả những tour trong tháng 10, chẳng có chút gì về ngày đại lễ. Nếu có được một câu chẳng hạn như “Thăm Việt Nam nhân lễ kỷ niệm thủ đô 1.000 tuổi” thì hay biết bao!

Đối với các nước có công nghiệp du lịch mạnh thì việc cung cấp thông tin về các lễ hội, sự kiện quan trọng trong năm với các hãng lữ hành để họ từ đấy lên chương trình tour, quảng cáo, giới thiệu với khách hàng… là hết sức quan trọng vì quanh năm suốt tháng có vô số lễ hội được tổ chức tại khắp nơi trên thế giới, cạnh tranh nhau rất gay gắt.

Họ tích cực đẩy mạnh việc thu hút du khách bằng lễ hội vì thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử thì hầu như đâu cũng có. Tại Việt Nam, các ngày lễ kỷ niệm, lễ hội, kể cả festival Huế tới nay vẫn chủ yếu dành cho người trong nước và Việt kiều. Ngày Tết Nguyên đán cũng chỉ được một ít số người nước ngoài biết đến qua từ “Tet offensive” (chỉ Tết Mậu Thân). Các brochure quảng cáo của Vietnam Tourism tuy có giới thiệu về các lễ hội truyền thống nhưng thiếu thông tin về thời gian tổ chức.

Cho dù là khó xác định vì nhiều ngày lễ được tính theo Âm lịch nhưng nếu có thời gian phỏng chừng thì sẽ dễ thu hút khách hơn. Vả lại, việc in những tờ bướm (leaflet) liệt kê những lễ hội trong năm cho khách nghiên cứu, đối với ngành du lịch chắc không phải là quá khó.

Một trong những đặc điểm của khu vực Đông Nam Á là sự pha trộn của những nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Hoa với truyền thống và văn minh bản địa, các lễ hội do vậy cũng rất đa dạng và nhiều màu sắc. Các nước quanh ta rất chú trọng khai thác thế mạnh này, thí dụ như Thái Lan thu hút du khách từ lễ dâng y lên sư sãi, quy mô như hội thả đèn Loi Krathong, đua thuyền rồng trên sông Mê Nam, tới những lễ hội dân gian như hội tạt nước, lễ hội Bánh Trung thu…

Hiện nay tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhiều người dân các nước Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn đi du lịch như là biện pháp để chống trầm cảm và xả stress. Theo khảo sát của tổ chức Eurobarometer (Bruxelles) vào tháng 3/2010 thì có tới 80% người dân các nước châu Âu cho biết có kế hoạch đi du lịch trong năm 2010 (năm 2009 là 67%).

Tuy nhiên để tiết kiệm chi phí, 50% chọn tuyến du lịch trong nước hoặc trong phạm vi châu Âu, những người đi ra nước ngoài thì chọn các địa điểm du lịch quen thuộc và có giá sinh hoạt dễ chịu. Do vậy, đối với những nước tương đối mới trên bản đồ du lịch như Việt Nam thì việc thu hút khách sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Hiện giá tour Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về giá cả, cũng chưa phát triển được những tour đặc thù như tour dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe, mạo hiểm và khám phá thiên nhiên, tour cử hành hôn lễ… như tại Malaysia, Bali (Indonesia), nên rất cần khai thác bề dày lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa đa dạng của 54 dân tộc một cách bài bản, nghiêm túc với sự giúp sức của các cơ quan chức năng.

Lễ hội thì chúng ta không thiếu như hội Cầu ngư, hội Phủ Giầy, lễ hội Katê của dân tộc Chăm, hội đua bò của dân tộc Khmer, lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang)… nhưng cần được tổ chức chu đáo và nghiêm túc. Nếu bát nháo như Hội Lim, nặng tính thương mại mà nhẹ phần văn hóa thì ngay người trong nước cũng khó chấp nhận, nói chi đến du khách nước ngoài.

Mong sao các ngành chức năng sẽ tận dụng được cơ hội của Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long để giới thiệu với thế giới hình ảnh đất nước trong thế kỷ XXI với những con người cần cù, năng động, lạc quan, giàu truyền thống nhưng sẵn sàng đón nhận những cái mới. Đồng thời xây dựng một thương hiệu cho du lịch Việt Nam, một chuyện tuy không còn sớm nhưng cũng chưa đến nỗi quá muộn.

Nhiều người phương Tây tới nay vẫn chỉ biết về Việt Nam là một đất nước có nhiều năm chiến tranh và thiên tai lụt lội qua những phim tài liệu, phóng sự, hình ảnh trên tivi cùng những giai thoại ly kỳ về chuyện… băng qua đường tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp thị và ngày đại lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO