Muốn startup, có ý tưởng nhưng để đặt được một cái tên hoàn hảo bạn cần nắm vững những điều sau

THẢO NGUYÊN| 28/08/2018 03:42

Không có ví dụ nào tiêu biểu cho những yếu tố gây phân tán này hơn việc đặt tên cho doanh nghiệp – thứ mà các doanh nhân startup thường trằn trọc, suy tư hàng tuần thậm chí tháng trời trước khi công bố.

Muốn startup, có ý tưởng nhưng để đặt được một cái tên hoàn hảo bạn cần nắm vững những điều sau

Tuy nhiên theo tác giả nổi tiếng Dan Norris của cuốn 7 ngày khởi nghiệp, có rất nhiều lý do tại sao bạn không nên dành quá một ngày để chọn tên cho doanh nghiệp:

1. Việc này sẽ khiến bạn xao nhãng khỏi nhiệm vụ quan trọng thực sự, đó là tạo ra một sản phẩm/dịch vụ tuyệt vời. Đây mới là điều quan trọng và là thứ gây dựng hay hủy hoại thương hiệu của bạn.

2. Doanh nghiệp của bạn có thể sẽ thay đổi rất nhiều so với thời điểm bắt đầu thành lập. Nintendo bắt đầu với mặt hàng quân bài, trong khi Tiffany’s khởi đầu với các sản phẩm văn phòng phẩm.

3. Doanh nghiệp của bạn sẽ mang bất kể cái tên nào mà bạn nghĩ ra. Hầu hết những cái tên đều chẳng có ý nghĩa gì khi nó mới được hình thành. Steve Jobs đã ngẫu hứng dùng tên Apple dựa theo tên của một trang trại nơi ông đã sử dụng ma túy gây ảo giác LSD trong thời gian ở đó. Nếu cách đặt tên kiểu đó của Steve Jobs hiệu quả, thì bất cứ cái tên nào cũng có thể đem lại thành công!

4. Sau này, bạn vẫn hoàn toàn có thể đổi tên doanh nghiệp – thậm chí là tương đối dễ dàng. Ngay cả những thương hiệu lớn cũng có thể làm thế. Đối với những startup nhỏ và nhanh nhạy, việc đổi tên có thể được thực hiện với chi phí hoàn toàn bằng không trong vài giờ hoặc vài ngày. Bạn sẽ không mắc kẹt với cái tên của mình cả đời. Google đã bắt đầu với cái tên "BackRub". Nghe thật sởn gai ốc!

5. Khách hàng chẳng hề quan tâm đến cái tên của bạn.

Hãy xem qua một vài tiêu chí để lựa chọn cho doanh nghiệp của mình một cái tên "tạm chấp nhận được". Đây là việc tốt nhất bạn nên làm trong giai đoạn này. Một thương hiệu hoàn hảo, nổi danh khắp thế giới sẽ đến với bạn sau này, còn hiện tại chúng ta chỉ cần cố gắng tránh một cái tên "thảm họa" là đủ.

Link bài viết

Trớ trêu thay, một cái tên "thảm họa" lại thường là kết quả của việc suy nghĩ, chọn lựa quá nhiều.

Đưa ra một vài lựa chọn

Cách hợp lý nhất để có được một cái tên cho doanh nghiệp của bạn là tự đưa ra một vài lựa chọn. Sau đó chọn ra cái tên tốt nhất dựa trên một số quan điểm logic nào đó của bạn.

Có rất nhiều cách để bạn thực hiện việc này. Dưới đây là một số mẹo đặt tên mà bạn có thể thử:

• Một địa danh: Thương hiệu Apple được đặt tên theo một trang trại trồng táo, còn thương hiệu Adobe được lấy cảm hứng từ tên một con lạch phía sau nhà của người sáng lập.

• Kết hợp hai từ với nhau để tạo thành một tên mới: Aldi là sự kết hợp giữa "Albrecht" (tên của các nhà sáng lập hãng) và "discount" (chiết khấu). Intel được tạo thành từ "Integrated Electronics" (Điện tử tích hợp). Còn Groupon là kết quả của "Group Coupon" (Phiếu mua chung).

• Dùng ký hiệu viết tắt cho dịch vụ bạn cung cấp. Ví dụ, IBM là viết tắt của "International Business Machines" (Công ty Máy móc Kinh doanh Quốc tế).

• Tìm kiếm các thuật ngữ trong ngành.

• Sử dụng từ điển. Jack Dorsey rất thích cái tên Twitch, vì vậy ông đã tra cứu những từ nằm gần nó trong từ điển và tìm ra từ "Twitter".

Càng dành nhiều thời gian cho những cái tên, cái tên mà bạn cuối cùng sẽ đặt càng kỳ quái. IKEA được đặt theo hai chữ cái đầu tiên trong tên của người sáng lập hãng (Ingvar Kamprad) và tên mảnh đất và ngôi làng mà ông lớn lên (Elmtaryd Agunnaryd). Zynga lại được lấy cảm hứng từ tên chú chó cưng của Mark Pincus (nhà đồng sáng lập Zynga).

Bạn hãy tìm ra 10 cái tên không quá kỳ cục, rồi áp dụng khung tiêu chí dưới đây để chọn lấy cái tên hay nhất.

Khung tiêu chí lựa chọn tên doanh nghiệp

1. Cái tên đó đã được sử dụng hay chưa?

Tốt nhất bạn không nên chọn một cái tên đã được sử dụng. Ở đây Dan Norris không đưa ra lời khuyên pháp lý nào về việc làm sao để biết liệu bạn có quyền sử dụng một cái tên hay không, nhưng tối thiểu bạn cần kiểm tra xem:

• Cái tên đó đã được đăng ký thương hiệu trong khu vực của bạn chưa?

• Đã có website nào có tên giống như thế không? Thường thì việc này sẽ cho bạn thấy liệu đã có ai đang sử dụng cái tên này chưa. Bạn không nhất thiết phải "khai trừ" cái tên đó, nhưng bạn cũng nên cân nhắc nó.

• Thương hiệu Twitter đã được sử dụng chưa? Nhờ vậy, bạn sẽ biết được về một người nào đó hoạt động ra sao nếu cái tên đó đã được sử dụng.

• Bạn có thể đăng ký tên đó cho doanh nghiệp của mình tại địa phương bạn sinh sống/làm việc không?

2. Cái tên đó có đơn giản không?

Hãy luôn ưu tiên cái tên đơn giản. Thậm chí ngay cả khi nó không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng một cái tên đơn giản sẽ khiến người khác dễ nhớ. Cuối cùng rồi cái tên sẽ mang một ý nghĩa nào đó. Hãy xem Apple là ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Sau đây là một vài mẹo nhỏ: Đừng cố "sáng tạo" từ mới. Đừng dùng những từ dễ bị phát âm sai. Như thế chỉ khiến mọi người không thể tìm ra bạn. Quan trọng nhất là, nếu có thể, hãy chọn một cái tên không có quá 12 ký tự. Các tên thương hiệu trong top 25 thương hiệu hàng đầu thế giới đều không có quá 12 ký tự.

3. Cái tên có dễ đọc không?

Cho dù bạn có khả năng marketing xuất sắc đến đâu, thì về cơ bản phương pháp tốt nhất để bạn tìm kiếm khách hàng vẫn là truyền miệng. Thế nên tên doanh nghiệp của bạn phải dễ đọc để mọi người có thể gọi tên nó.

Amazon ban đầu có tên là Cadabra. Tuy nhiên, trong một cuộc nói chuyện giữa nhà sáng lập hãng Jeff Bezos và luật sư của ông, vị luật sư này đã đọc sai tên này thành "Cadaver". Bezos nhận ra rằng những người khác cũng có thể sẽ đọc sai như vậy, và ông quyết định đổi tên thành Amazon.

4. Bạn có thích cái tên đó không?

Bạn sẽ phải nhắc tới cái tên này thường xuyên, nên tốt hơn hết nó nên là cái tên bạn yêu thích. Thường là về sau bạn sẽ ngày một thích cái tên thương hiệu của mình, nhưng cũng đừng vì thế mà bắt đầu với một cái tên mà bạn chẳng hề thích thú.

5. Cái tên có truyền tải được ý tưởng của bạn?

Nếu cái tên phản ánh rõ ràng được ý tưởng của bạn, thì nó thực sự là một cái tên hoàn hảo. DropBox thể hiện được những gì nó mang lại mà không cần quá cụ thể.

6. Phạm trù càng rộng càng tốt

Công ty của bạn đang trong giai đoạn khởi sự, và không thể biết được chính xác những gì nó sẽ cung cấp/sản xuất sau này. Vậy nên, đừng sử dụng những từ khóa cụ thể cho tên miền của bạn, hay những mô tả quá cụ thể về dịch vụ hay vị trí của bạn. Những thứ này sẽ rất dễ thay đổi và mang lại rắc rối cho bạn.

Nhìn chung, một cái tên có phạm trù càng rộng thì càng hữu ích. Twitter bắt đầu với vai trò là nền tảng tin nhắn văn bản, nhưng cái tên đó cũng rất hoàn hảo cho website hay ứng dụng điện thoại mà thương hiệu này hiện đang có.

(Theo Tri Thức Trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn startup, có ý tưởng nhưng để đặt được một cái tên hoàn hảo bạn cần nắm vững những điều sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO