3 bài học đắt giá trong xử lý khủng hoảng truyền thông

18/12/2015 01:33

Mỗi doanh nghiệp đều có những cách giải quyết khủng hoảng truyền thông riêng và không phải ai cũng thành công.

3 bài học đắt giá trong xử lý khủng hoảng truyền thông

Mỗi doanh nghiệp đều có thể mắc sai lầm hoặc đôi khi gặp "tai bay vạ gió" nhưng không phải ai trong số họ cũng đều thành công khi gặp rắc rối và phải đối diện với bài toán xử lý khủng hoảng truyền thông.

Tân Hiệp Phát điêu đứng với con ruồi "trị giá" nửa tỷ đồng

Tân Hiệp Phát là một trong những ví dụ điển hình của khủng hoảng truyền thông. Mặc dù sự việc xảy ra từ trước Tết Nguyên đán 2015 nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn kéo dài và để lại một bài học đắt giá về cách xử lý khủng hoảng truyền thông cho các doanh nghiệp khác.

Sự việc bắt đầu khi một chủ quán ăn phát hiện chai nước đóng nhãn Number 1 của Tân Hiệp Phát có dị vật giống một con ruồi. Người này sau đó đã liên hệ với Tân Hiệp Phát và yêu cầu công ty đưa cho anh ta 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng. Sau nhiều lần thương lượng, con số cuối cùng được đưa ra là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong lúc hai bên đang "giao dịch" thì bất ngờ công an ập đến bắt quả tang.

Ngoài chai nước "trị giá" nửa tỷ đồng này, Tân Hiệp Phát còn phải đối mặt với hàng loạt các ồn ào khác như chai Dr. Thanh có “dị vật” như cỏ hay chai nước đậu nành bị mốc đen...

Về phía Tân Hiệp Phát, mặc dù với tâm thế là người "bị hại" nhưng doanh nghiệp này đang phải lao đao trong một cuộc khủng hoảng truyền thông trầm trọng và phải đối mặt với nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng.

Bởi, chưa cần đến kết luận liệu con ruồi trong chai nước là từ lỗi của nhà sản xuất hay do ai đó... bỏ vào, cách hành xử của doanh nghiệp được coi là đại gia trong ngành đồ uống Việt Nam khiến cho người tiêu dùng thất vọng bởi sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng và đặc biệt là thiếu sự cầu thị.

Đích danh Chủ tịch tập đoàn - ông Nguyễn Quý Thanh cũng thừa nhận những sự cố vừa qua đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Theo ông, người tiêu dùng ngại uống sản phẩm của Tân Hiệp Phát là do truyền thông chứ không phải sự thật.

Kinh đô và những chiếc bánh trung thu...

Ngay giữa tháng 9 năm nay, một tờ báo điện tử bất ngờ cho đăng tải một đoạn video được cho là quay tại nhà máy sản xuất bánh trung thu của Kinh Đô. Trong đoạn video này, những quả trứng bị rơi xuống sàn và vẫn được nhặt lên và sử dụng tiếp, trong khi đó, một số công nhân khác lại "tố" Kinh Đô sử dụng những quả trứng có giòi, không rõ nguồn gốc để làm nhân bánh.

Đây được coi như một đòn mạnh giáng vào "đại gia" ngành bánh kẹo khi video nhạy cảm xuất hiện đúng lúc cao điểm mùa vụ bánh trung thu. Tuy nhiên, không giống với Tân Hiệp Phát, cho tận tới thời điểm này, Kinh Đô vẫn giữ thái độ im lặng và chưa hề có động thái hay phát ngôn chính thức nào đến người tiêu dùng và báo chí.

Sau khi thông tin được đăng tải, bánh trung thu Kinh Đô được cho là bị rơi vào tình trạng ế ẩm, người dân trở nên cảnh giác hơn với các loại bánh trung thu công nghiệp. Mặc dù cho đến nay, sự việc đã lắng xuống nhưng hình ảnh về những chiếc bánh Kinh Đô vốn vẫn được quảng cáo với thông điệm "sum vầy" đã bớt đẹp trong mắt người tiêu dùng.

Trà xanh C2 và những bê bối chưa có lời giải

Trong thời gian gần đây, sản phẩm C2 của công ty URC cũng liên tục bị phản ánh có dị vật. Theo đó, hồi tháng 4/2015, một khách hàng ở Hà Giang mua một thùng trà xanh C2 về sử dụng và phát hiện một chai C2 có hiện tượng chứa dị vật như côn trùng bên trong.

Đến tháng 7, một khách hàng khác tại Hà Nội mua sản phẩm C2 về uống và phát hiện trong nước trà có vật lạ màu trắng như cao su.

Các trường hợp này đã được khách hàng phản ánh trực tiếp với công ty URC, yêu cầu URC lý giải nguyên nhân chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khách hàng đều nhận được lời giải thích là do trong quá trình vận chuyển đánh rơi dẫn đến nắp chai bị kênh nên có tạp chất vào dẫn đến hiện tương như vậy.

Tuy vậy, lời giải thích của phía công ty URC không thể thỏa mãn được khách hàng khi họ "đổ lỗi" cho nguyên nhân khách quan, đồng thời đề nghị được tặng sản phẩm cho khách hàng nhằm "xoa dịu" bức xúc.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định buộc URC phải thực hiện thu hồi hết sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 8/9/2015 – 7:40, HSD: 8/9/2016) đang lưu thông trên thị trường do không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời, phải nộp phạt hành chính 30 triệu đồng.

Năm 2015 sắp khép lại, các doanh nghiệp chuẩn bị tổng kết sau một năm kinh doanh nhiều khó khăn, thách thức và đưa ra kế hoạch cho năm mới. Và dù kế hoạch là gì, một điều chắc chắn là những vụ bê bối trên sẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông.

>Tuyệt chiêu xử lý khủng hoảng của ông chủ Amazon

>Sự cố AirAsia và bản lĩnh xử lý khủng hoảng của Joko Widodo

>6 bước xử lý khủng hoảng thương hiệu

>Xử lý khủng hoảng: Kinh nghiệm từ KFC

>Về bản lĩnh xử lý khủng hoảng của lãnh đạo DN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 bài học đắt giá trong xử lý khủng hoảng truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO