Xử lý “hội chứng đám đông”

KIM DUY/DNSGCT| 04/10/2015 01:39

Chẳng ai có thể đoán được công nghệ số sẽ dẫn con người nói chung và người trẻ nói riêng đi đến đâu, những chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo…

Xử lý “hội chứng đám đông”

Sự việc hai cô gái hẹn nhau trên Facebook mang ra ngoài đời thật “thách đấu” đã kéo theo đám đông gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ khiến không ít người tự hỏi, không hiểu giới trẻ bây giờ thiếu “cái để vui”, họ rảnh quá hay hiệu ứng mạng không còn ảo nữa?

Đọc E-paper

Sau đó, có thêm trường hợp hai cô gái ở Huế cũng thách nhau trên Facebook và hẹn ra ngoài xử nhau. Đám đông lần này bị “quả lừa” vì hai cô này không đến, tuy nhiên sự việc cũng khiến những người làm công việc giữ gìn trật tự một phen vất vả và chắc chắn các bậc cha mẹ chẳng ai muốn con mình tham gia vào đám đông ấy.

Đi tìm nguyên nhân mới thấy rằng, từ những mâu thuẫn rất vu vơ, kiểu chê nhan sắc nhau của các bạn nữ (rất) trẻ, những trao đổi, tranh cãi qua lại trên màn hình máy tính mà gây ra sự xáo trộn lớn cho xã hội.

Rất may, ở hai vụ điển hình này, cơ quan chức năng đã kịp thời ổn định trật tự và không có gì đáng tiếc xảy ra. Biết bao vụ việc gây mâu thuẫn trên mạng ảo đem ra xử ngoài đời thật, thiệt hại về tính mạng.

Thật ra, chuyện “thách đấu” trong giới trẻ (học sinh) không mới nhưng ngày xưa, chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ (một, hai trường học) thì giờ đây, sức lan tỏa của thông tin đã không có giới hạn, bởi giới trẻ hoàn toàn dựa vào mạng, hình thành nên một thế hệ mạng, lệ thuộc vào đó từ văn hóa ứng xử cho đến hành động. Nhiều clip quay các nữ học sinh đánh nhau và tung lên mạng nghe được tiếng cổ vũ reo hò của đám đông nam.

Và, điều ngạc nhiên ở đây là tại sao chuyện “thách đấu” của hai con người lại có sức lôi kéo giới trẻ đến vậy. Họ hào hứng, háo hức, tò mò xem thử chuyện gì sẽ xảy ra, chứ chẳng phải bị rủ rê do quen biết. Nói cách khác, đây là việc hoàn toàn tự phát từ các cá nhân riêng lẻ.

“Gu” của người trẻ bây giờ là cuộc cạnh tranh “like” (trên Facebook). Họ phải làm mọi thứ để câu “like”, gây ra những cuộc chiến vì “like”. Từ việc hai cô gái gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng khi bị chính quyền xử lý thì khóc sướt mướt cho thấy thế hệ net phần nhiều là những “anh hùng bàn phím”, gõ phím chửi nhau cho sướng tay, bên cạnh một đám đông sẵn sàng bấm “like” nhưng ngoài đời cũng yếu đuối, nông nổi, thiếu kỹ năng sống…

Tuổi trẻ luôn gắn với các từ “bồng bột”, “nông nổi”, dễ bị đám đông lôi kéo. Sự việc hai cô gái kéo đám đông cuồng nhiệt, vô thức, a dua cho thấy rõ hạn chế về nhận thức của giới trẻ.

Và hội chứng đám đông có thể gây tổn thương cho xã hội. Một ngày nào đó, các bạn trẻ sẽ lớn và qua đi cái thời nông nổi, thế nhưng điều đáng tiếc đôi khi không chờ đợi họ lớn mà đã lấy đi của họ tính mạng, tuổi thanh xuân. Đó là sự lo lắng của những người làm cha mẹ có con dễ bị cuốn vào đám đông. Đó là kết quả của một xã hội mà sản phẩm ứng dụng công nghệ phát triển quá nhanh nhưng tri thức lại "lẹt đẹt" theo sau một khoảng cách quá xa.

Bắt buộc phải chấp nhận và không thể ngăn cản ảnh hưởng lan tỏa từ internet, biện pháp “không quản được thì cấm” không phải là cách xử lý tích cực. Vấn đề đặt ra cho nhà chức trách là phải có mặt kịp thời và phản ứng nhanh với những làn sóng từ mạng ảo kéo ra ngoài đời thật gây nhiễu cho xã hội.

Bình tĩnh để thấy, chẳng ai có thể đoán được công nghệ số sẽ dẫn con người nói chung và người trẻ nói riêng đi đến đâu, những chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo… Bởi con người có trách nhiệm luôn đi sau hiện tượng và có nhiệm vụ khắc phục hậu quả để lại của hiện tượng.

Ngay cả người làm ra sản phẩm công nghệ số có thể cũng không lường hết được mặt trái của sản phẩm họ làm ra mà chỉ biết mỗi ngày mỗi cải tiến, tăng độ hấp dẫn cho sản phẩm.

Mới thấy, nhiệm vụ của cha mẹ ngày càng nặng nề khi mà con cái được sinh ra và trưởng thành trong thế hệ net. Cha mẹ cũng cần phải hòa nhập vào đó để xem con mình làm gì, tranh luận gì, có phản ứng gì ngoài đời thực để có biện pháp xử lý kịp thời. Điều đáng tiếc, phần lớn những sự việc xảy ra với con cái, người biết sau cùng luôn là cha mẹ!

>Đám đông nào cũng… có vấn đề

>Cái giá của hội chứng đám đông

>Đẹp kiểu Hàn thành chuẩn mực cho giới trẻ Việt?

>Ai phá tuổi trẻ lung linh?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý “hội chứng đám đông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO