Xông đất tháng Giêng

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 14/02/2014 08:52

Không phải ngẫu nhiên mà có người khách phương xa đã nói rằng, Tết của người Việt chỉ vui ở sự dáo dác sắm sửa những ngày cận Tết.

Xông đất tháng Giêng

Không phải ngẫu nhiên mà có người khách phương xa đã nói rằng, Tết của người Việt chỉ vui ở sự dáo dác sắm sửa những ngày cận Tết.

Đọc E-paper

Còn khi Tết đã qua, mùa Xuân lại sụt sùi mừa dầm và tiêu tác cánh hoa xoan. Hẳn thế, bởi đó là sự tưởng phản của hai bức tranh, hai cung bậc của cuộc sống. Tạo hóa có cái lý ấy như thế để làm sáng rõ mọi sự vật.

Không thế, sao làm bừng lên cái sức sống của Xuân, của sự nông nổi, cả tin cả trăm lần của một đời người để thăng hoa trước lúc hẫng hụt giáng những nốt trầm bi lụy. Miên man luận về biến hóa của vạn vật là vậy mà chút nữa nguôi quên lòng hổ hởi khai Xuân của những ngày còn ăn ở với rừng, gác giấc mơ ngủ chênh vênh sường núi.

Ngày ấy, hình như giấc mơ nào cũng lành, cũng đẹp bởi chiêm bao giữa cõi mây mù, sương núi. Trời chưa sáng rõ, sương còn đục như khói thuốc lào đã nghe tiếng dao kêu lách cách trong vỏ. Tiếng người tra cuốc, tiếng gọi nhau í ới lên nương.

Mới là sáng mùng Năm, nhìn rừng cây chạy dọc từ sau nhà lên đỉnh núi còn như ngái ngủ bởi cái màu, cái vị khói bếp quánh ngậy sau mấy ngày Tết. Con chó săn đi trước, khịt mủi ngửi từng hơi đất mới làm xao động từng đám cây trinh nữ, vỡ tan những giọt sương bé bỏng như những hạt kim cương.

Con đường lên nương hôm nay thật lạ. Vết đất nâu như con trăn khổng lồ giờ đã lặn đâu mất dưới màu cỏ mới xanh mịn như nhung. Không biết có bao loài hoa dại đã thầm nở trong những ngày ruộng nương thiêp thiếp ngủ chờ bước chân mở đất cho năm mới.

Những bông hoa bé xinh có khi chỉ kịp bừng sắc một lần rồi cam phận nằm rạp dưới bước chân người, ngựa suốt bốn mùa qua lại. Dải đồi mênh mông, nhìn đâu cũng thấp thoáng bóng người phát nương, vung cuốc. Đâu cũng một tinh thần hăm hở, thực bụng lo toan mùa màng của người miền núi.

Nhớ ra, miền xuôi mùa này mọi người còn mải miết men đường đá cổ tìm lên chùa đi lễ, chen chân đến hội, đến các cuộc thi để tận hưởng nốt cái dư vị ngàn đời của ngày Xuân. Ký ức ấy đã mờ dần từ ngày ông bà quẩy gánh lên đây lập làng xóm mới. Cái ăn, cái mặc nặng gánh lo toan thu ngày ngắn lại.

Niềm vui với Tết đành gác lại như cành đào bên mái hiên để hòa vào nhịp lao động hối hả của rẻo cao này. Vết tay một đời người hằn nét cán dao, cán cuốc, tiếng mõ trâu mòn theo tháng ngày lẫn với tiếng chày đêm giã gạo bên cối nước. Tất cả những sắc thái ấy đã đi vào tiềm thức, thổi hồn cho những nhát cuốc, đường dao lên nương tháng Giêng thêm quả quyết, mạnh mẽ.

Không hẹn mà nên, làng trên, xóm dưới, nhà nhà đều hồ hởi lên nương, lật tung từng hốc đá, ngọn cỏ để khai mở một màu đất mới. Màu khói từ những đám đốt cỏ nương cứ hoang sơ như gợi nhớ về đốm lửa đầu tiên khi ông bà lên đây phát rẫy.

Khói của những vạt cây bụi tươi nguyên, khói của sương, của đất sẽ bay về đỉnh núi mùa Xuân. Chỉ còn đám than đen nằm lại, gửi chất sống mà hóa thân thành bắp ngô, hạt lúa căng tròn.

Có những niềm vui lan tỏa từ đất, chỉ người yêu đất, xông đất đầu Xuân mới cảm nhận và thụ hưởng được. Đất không hứa trước điều gì nhưng thiết tha mời gọi, đất thản nhiên mê hoặc lòng người. Khi cái đói ngày giáp hạt tháng Ba chưa lan tới, khi hạt giống vẫn nằm ngủ ấm êm trên gác bếp, bàn chân người đã hăm hở đi khai Xuân mở một "trang đất" mới.

May mắn không tự đến, cũng chẳng có ai xông đất ban phước lộc cho mình. Chỉ có lưỡi dao sắc bén mới mài, ngọn lửa đốt nương Xuân nồng đượm, bàn tay sạm màu sương gió săn đường gân săn chắc tự làm nên sức sống mới mẻ. Người có đất, có nương bổng dưng nhận ra mình đang có lộc.

Bất giác, có một cảm xúc thật lạ. Cội nguồn như tiếng gọi thôi thúc và quyến luyến. Phải, nhưng có lẽ ở đâu con người tìm thấy niềm vui từ đất, hòa giọt mồ hôi vào đất mà sinh sôi những mùa màng bội thu thì đó cũng là quê hương nơi có mảnh đất nô nức tiếng nói cười mỗi độ Xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xông đất tháng Giêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO